Ăn tiết canh – cận kề với cái chết

Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 2 ca mắc liên cầu lợn liên quan đến tiết canh. Đây không phải bệnh mới, năm nào cũng có khuyến cáo, nhưng số người “nghiện” tiết canh vẫn không giảm.

Sướng mồm, khổ thân

Mê lòng lợn và nghiện rượu nhiều năm nay, ngày nào không được thưởng thức món ăn khoái khẩu này thì ông V.Q.M (52 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) – người vừa trải qua đợt điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – thấy khó chịu, như thiếu cái gì đó. Tiết canh, rượu đã nằm trong thực đơn quen thuộc của ông M. Mặc dù sống ngay tại Hà Nội, được nghe nhiều thông tin cảnh báo về sự nguy hiểm của tiết canh nhưng ông M vẫn bỏ ngoài tai. Cứ lên cơn thèm thì bao nhiêu nỗi sợ hãi tan biến. “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, ngày 22/5 vừa qua, ông M được gia đình đưa vào cấp cứu trong tình trạng sốc nhiễm trùng, hôn mê, trên da toàn thân có nhiều mảng xuất huyết hoại tử sau 2 ngày sốt.

Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm PCR dương tính với liên cầu lợn cả trong máu và dịch não tủy. Dù đã điều trị tích cực gần một tháng nhưng bệnh nhân M vẫn trong tình trạng sốc nhiễm trùng hôn mê, phải thở máy và hồi sức tích cực. Do tình trạng quá nặng, gia đình đã xin về.

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) – chia sẻ: Bệnh nhân Nguyễn Tuấn H (36 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) được đưa vào viện đêm 3/6 trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, trên da mặt, đùi, cẳng chân xuất hiện các ban xuất huyết, hoại tử, suy đa phủ tạng. Trước đó, khi vào bệnh viện huyện, bệnh nhân này được chẩn đoán sốc nhiễm trùng nghi do liên cầu lợn.

Theo người nhà bệnh nhân, ông H làm nghề bán thịt lợn nên thường xuyên uống rượu, ăn tiết canh. Hầu như ngày nào ông cũng thưởng thức món khoái khẩu này. Thêm nữa, công việc hàng ngày tiếp xúc nhiều với lợn nên rất khó tránh.

Trước đó, bệnh viện đã tiếp nhận khá nhiều ca mắc liên cầu lợn, trong đó có bệnh nhân T.V.A (ở Ninh Bình) nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh và tử vong sau 3 ngày nhập viện. Bệnh nhân A vào viện cấp cứu trong tình trạng toàn thân sốt cao, rét run, co giật, mê sảng, mất ý thức… Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn, dẫn tới nhiễm trùng huyết suy đa tạng, có nhiều ban hoại tử đen toàn thân, đặc biệt là ở mặt.

Qua chia sẻ của người nhà, được biết, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu. Trước khi nhập viện một ngày, bệnh nhân ăn tiết canh lợn ngoài chợ. Khi về nhà, bệnh nhân có biểu hiện sốt, khó thở…, nhưng chỉ nghĩ là bị ốm thông thường nên tự điều trị. Đến khi thấy tình trạng sức khỏe ngày càng nguy kịch mới nhập viện thì đã muộn.

 Những vết hoại tử do mắc liên cầu lợn.
Những vết hoại tử do mắc liên cầu lợn.

Biết hại nhưng vẫn ăn vì thèm

Qua thăm hỏi người nhà bệnh nhân, những người mắc liên cầu lợn đều biết sự nguy hại của tiết canh nhưng đa số bỏ ngoài tai. Có người còn nói cùn: “Bệnh tật có số”. Chỉ đến khi bệnh vào, người sợ, thì đã muộn.

“Nhìn bát tiết canh bắt mắt, nhiều người không thể kìm lòng, nhiều khi tặc lưỡi ăn một lần có sao rồi hết lần này qua lần khác mà không lường được những rủi ro mắc các bệnh lây truyền nguy hiểm như tiêu chảy, liên cầu lợn từ tiết canh. Người chưa nhiễm căn bệnh này thì chủ quan, nhưng khi đã nhiễm mới biết nó nguy hiểm như thế nào, thường sợ và “cạch đến già” không dám động vào bát tiết canh bắt mắt. Một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc di chứng trầm trọng hay không trầm trọng. Có những bệnh nhân vì quá nặng mà không thể qua khỏi”, Ths.BS Cấp cho biết.

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp cho biết thêm, đối với bệnh liên cầu lợn, vi khuẩn gây hai bệnh chính là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn. Thời gian ủ bệnh trong vòng một tuần. Chỉ điểm phơi nhiễm là thời gian bệnh nhân mổ, thái thịt lợn ốm/chết. Không loại trừ các phơi nhiễm có nguy cơ như ăn thịt lợn chưa nấu chín, nhất là thủ lợn và lòng lợn. Việc phơi nhiễm với các gia súc khác như bò, dê cũng cần được quan tâm. Phần lớn các trường hợp bệnh là ở thể viêm màng não, thường kèm theo giảm thính lực và biến loạn dịch não tuỷ kéo dài. Ở thể nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn, kèm theo rối loạn đông máu nội mạch rải rác dễ diễn tiến thành suy đa phủ tạng. Cho đến nay, vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Cần áp dụng các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh lao động khi xử lý lợn ốm, chết để tránh nguy cơ bệnh xuất hiện và bùng phát trên diện rộng.

Nhiều người cũng có tâm lý ngại ăn phải tiết canh của heo bệnh, họ tìm mua heo mán ở các vùng núi vì nghĩ là heo sạch. Nhưng rồi cũng đã có những thanh niên “gục ngã” ngay sau vài giờ thưởng thức món khoái khẩu. Lý giải điều này, Ths.BS Cấp cho biết, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng của heo, kể cả khi heo vẫn khỏe mạnh bình thường. Khi ăn thịt chưa nấu chín hay tiết canh từ những con heo này, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nhất là những người nghiện rượu, xơ gan, tiểu đường… vốn có sức đề kháng yếu.

Không chỉ đe dọa mạng sống, căn bệnh này cũng để lại những di chứng đáng buồn với khoảng 40% bệnh nhân là giảm thính lực, có người bị điếc vĩnh viễn. Với những bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn có sốc nhiễm độc, trụy mạch, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê thì nguy cơ tử vong đến 50%…

Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có nghiên cứu điều tra về liên cầu lợn. Bệnh xảy ra lẻ tẻ, gặp ở hầu hết các tỉnh thành. Ở miền Bắc, bệnh xuất hiện nhiều ở các tỉnh chăn nuôi lợn nhiều như Hà Tây, Hưng Yên… Số các ca mắc bệnh tăng vào những năm gần đây. Theo những thông tin cung cấp từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, từ năm 1998 trở về trước, mỗi năm bệnh viện chỉ tiếp nhận 1-3 trường hợp nhiễm liên cầu lợn, nhưng từ năm 1999, số bệnh nhân tăng lên, khoảng 10-20 trường hợp mỗi năm. Riêng trong hai năm 2005 và 2006 có đến 72 người nhiễm vi khuẩn trên, trong đó 69 trường hợp viêm màng não mủ (96%), 3 trường hợp còn lại bị nhiễm trùng huyết. Những năm gần đây, số lượng các ca lại tăng lên.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong 8 tháng đầu năm 2007, Viện đã tiếp nhận tới 41 trường hợp khẳng định nhiễm bằng kết quả phân lập vi khuẩn và PCR, trong đó có 29 trường hợp viêm màng não mủ đơn thuần (70,7%), 12 trường hợp nhiễm khuẩn huyết với 8 trường hợp sốc nhiễm khuẩn, tỉ lệ tử vong khoảng 7%. Những năm gần đây chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng năm nào viện cũng tiếp nhận hàng trăm ca nhiễm liên cầu lợn, tỉ lệ mắc ngày càng cao.

Theo Lệ Hà/Báo Lao Động

Leave a Reply