Bài giảng về tranh chấp Biển Đông tại đại học UCI , Nam Cali chấm dứt trong tranh cãi

Tại đại học UCI tối hôm 11 Tháng Năm, bài thuyết giảng về Biển Đông của bà Yunzhu Yao, cựu thiếu tướng thuộc Viện Khoa Học Quân Sự của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, khiến cả giảng viên lẫn một số người tham dự lớn tiếng tranh cãi.

Tranh cãi sôi nổi bắt đầu trong phần hỏi đáp, ngay sau khi bài diễn văn dài khoảng 1 tiếng đồng hồ của bà Yunzhu Yao, cũng là giám đốc danh dự của Trung Tâm Quan Hệ Quốc Phòng Trung Quốc – Hoa Kỳ, chấm dứt.

Trước đó, bà Yunzhu Yao đã giải thích là tranh cãi về chủ quyền trên Biển Đông được chia làm ba khía cạnh, gồm: 1) Chứng cớ lịch sử, 2) Thẩm quyền liên tục, và 3) Thỏa thuận sau Thế Chiến 2.

Về chứng cớ lịch sử, bà đưa ra bản đồ 11 điểm (sau này còn lại 9 điểm, và được gọi là đường lưỡi bò), mà bà giải thích là được chính quyền Trung Hoa Dân Quốc vẽ năm 1948, như một chứng cớ lịch sử về chủ quyền của Trung Quốc trên gần trọn vùng Biển Đông hiện đang bị tranh chấp. Về thẩm quyền liên tục, bà cho biết Trung Quốc từ ngàn xưa luôn luôn khẳng định chủ quyền của mình trên vùng biển này bằng nhiều cách, cho dân đến ở, xây những trạm hay trung tâm canh giữ, và sau này trung tâm quân sự, v.v… Và về thỏa thuận sau Thế Chiến 2, bà nhắc đến Tuyên Cáo Postdam, qua đó Nhật phải trả lại cho Trung Quốc một số đảo dọc theo Thái Bình Dương mà nước này đã chiếm giữ.

Là một diễn giả khá tên tuổi, bà Yunzhu Yao lôi cuốn được sự chú ý của khoảng 50 sinh viên và một số cử tọa thuộc nhiều giới, trong đó khoảng 1/3 là người Á Đông, gồm cả người Philippines và Việt Nam.

Đặt câu hỏi tại sao Biển Đông lại có sự tranh chấp trong khi “trước năm 2010, quan hệ với Trung Quốc với những nước trong ASEAN, kể cả những nước cùng đang tranh chấp chủ quyền trên vùng biển này, rất tốt đẹp,” bà Yunzhu Yao tự trả lời rằng tranh chấp Biển Đông đã có lúc trở nên căng thẳng, là vì vai trò của Hoa Kỳ, đặc biệt là chính quyền Tổng Thống Barack Obama.

Bà nói: “Vào năm 2009, chính quyền Obama tuyên bố chính sách ‘xoay trục về Á Châu,’ đánh dấu một thay đổi mới về chính sách đối ngoại của Mỹ. Tiêu biểu là tuyên bố của Ngoại Trưởng Hillary Clinton rằng ‘Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia về tự do hàng hải, trong việc được tự do đi lại ở vùng biển Á Đông, và sự tôn trọng luật quốc tế trong vùng Biển Đông.”

Bà kết luận, nếu muốn tránh căng thẳng trên vùng biển này, các nước liên quan không nên chú trọng nhiều đến lãnh hải quốc gia, vì đây là một vấn đề tình cảm, dễ gây phẫn uất, mà nên quan tâm vào việc làm sao để cùng khai thác những nguồn lợi thiên nhiên chung, và phải cùng nhắc nhau là tất cả cần phải chung sống hòa bình.

“Và nhất là những nước bên ngoài như Hoa Kỳ không được xía vào tranh chấp này (giữa những nước láng giềng), vì tranh chấp này không liên quan đến Hoa Kỳ,” bà nhấn mạnh.

Bài giảng về tranh chấp Biển Đông tại UCI chấm dứt trong tranh cãi
Diễn giả Yunzhu Yao cho rằng chính sách đối ngoại của Tổng Thống Obama làm tranh chấp Biển Đông trở thành căng thẳng (Hình: Hà Giang/Người Việt).

Những câu hỏi của cử tọa cho thấy họ không hẳn đồng ý với lời thuyết giảng.

Khi một sinh viên bày tỏ anh “rất ngạc nhiên khi nghe bà nói các nước Á Đông trong vùng có quyền lợi chung với Trung Quốc, và đặt câu hỏi: “Không biết bà có thể nói như thế về Nhật không, vì tôi biết giữa Nhật và Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh hải,” bà Yunzhu Yao trả lời: “Chắc chắn Nhật và Trung Quốc có quyền lợi chung về tự do hàng hải, chắc chắn là như thế. Nhưng việc Nhật đưa tàu chiến vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền là điều hết sức khiêu khích đối với Trung Quốc.”

Trả lời câu hỏi của một sinh viên khác là “nếu tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng Biển Đông là đúng, thì tại sao cách đây hơn một năm Tòa Trọng Tài Quốc Tế lại đứng về phía Philippines,” bà nói: “Tòa Trọng Tài Quốc Tế không phải là một tòa án thực sự. Trung Quốc ngay từ đầu đã tuyên bố không chấp nhận và bác bỏ thẩm quyền của tòa trong việc này. Tranh chấp này là giữa Trung Quốc và Philippines, và vừa rồi hai nước đã ký thỏa thuận là tự hai bên sẽ tìm cách giải quyết những khác biệt.”

Trả lời câu hỏi là sự kiện nước Mỹ, kể từ khi Tổng Thống Donald Trump nhậm chức, chưa hề thực hiện quyền tự do hàng hải, có phải là một dấu hiệu Hoa Kỳ sẽ không dính dáng đến tranh chấp Biển Đông nữa không, bà Yunzhu Yao nói: “Không biết điều này có phải là chính sách mới của Hoa Kỳ không, hay chỉ là vì Tổng Thống Donald Trump quá bận rộn để quan tâm đến Biển Đông. Tuy nhiên, tranh chấp trên vùng biển này đã dịu đi kể từ khi Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte đắc cử, và ông muốn có một quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc. Dĩ nhiên Trung Quốc cũng nắm lấy cơ hội này để hợp tác với Philippines. Với Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng sẽ có thái độ tương tự.”

Ông Phú Nguyễn, người sau này khi tranh cãi trở nên căng thẳng, đã bị bà Yunzhu Yao yêu cầu phải cho biết danh tánh, tự giới thiệu mình là một người dạy ở UCI, hỏi: “Trung Quốc đã vẽ tấm bản đồ 9 điểm như thế nào? Làm thế nào mà Trung Quốc có thể khẳng định là toàn thể Biển Đông thuộc chủ quyền của mình?”

“Bản đồ này do Chính Quyền Trung Hoa Dân Quốc vẽ năm 1947. Bản đồ đó chỉ là một đường để vẽ chủ quyền của Trung Quốc trong vùng Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc hiện giờ, tuy được thừa hưởng bản đồ ấy, nhưng không nghĩ rằng bản đồ này định nghĩa một cách rõ ràng ý nghĩa của bản đồ này,” bà Yunzhu Yao trả lời.

“Làm sao mà Trung Quốc có thể dùng một bản đồ mà chính mình cũng cho là không được định nghĩa rõ để khẳng định chủ quyền của mình được. Tôi nghĩ rằng bản đồ này là nguyên nhân của mọi căng thẳng. Còn việc mà bà nói Hoa Kỳ không nên xen vào cũng không đúng, vì Trung Quốc là một nước lớn, làm sao mà những nước nhỏ có thể mạnh mẽ trong việc khẳng định chủ quyền của họ được, vì thế họ phải nhờ Mỹ lên tiếng,” ông Phú lý luận.

“Chúng tôi chỉ biết rằng vùng biển nằm bên trong bản đồ chín điểm này Trung Quốc có một chủ quyền lịch sử nào đó, những quyền lịch sử nào thì chính quyền Trung Quốc hiện nay cũng không rõ lắm, vì bản đồ này có rất nhiều sự mơ hồ. Đó là lý do tại sao Trung Quốc đã cố không nhắc đến bản đồ 9 điểm này nữa, và cũng không nhất định đòi tất cả vùng biển đó là của mình nữa,” bà nói.

“Nếu vậy thì trong tinh thần hợp tác hòa bình với nhau, bà có nghĩ là Trung Quốc nên dẹp đường lưỡi bò này đi không?” phóng viên Người Việt đặt câu hỏi.

“Tôi nghĩ là không dùng đến nhưng vẫn cứ phải để đấy!” bà Yunzhu Yao trả lời.

“Tại sao?” Ông Phú hỏi.

“Tại vì trong nước chúng tôi còn có cả 1.3 tỷ người, và vì vẫn đề lãnh thổ lãnh hải là điều thuộc về tình cảm, đụng đến nó mọi người rất khó kiềm chế.”

Một học sinh khác lên tiếng: “Bà nói rằng Trung Quốc luôn luôn cổ động một giải pháp hòa bình, nhưng tất cả những nước tranh chấp lãnh hải trong vùng đều cho là Trung Quốc rất hung hãn, và còn dùng biện pháp kinh tế để ép những nước đó phải theo ý mình. Như vậy là thế nào?”

Bà Yunzhu Yao: “Quý vị cáo buộc Trung Quốc quá nhiều điều, nhưng tôi không thể trả lời quý vị, khi quý vị không đưa ra chứng cớ để củng cố lập luận của mình.”

“Tôi có bằng cớ, tôi có bằng cớ,” ông Phú xen vào. “Thí dụ, tại sao năm 2014, tại sao Trung Quốc mang giàn khoan dầu vĩ đại HD-981 vào vùng biển đang tranh chấp?”

“Tại vì đó là biển của Trung Quốc!” bà Yunzhu Yao lớn tiếng.

“Đó là biển của Trung Quốc vì bản đồ lưỡi bò nói như vậy, phải không? Thế sao lúc nãy bà vừa nói ‘Trung Quốc đã cố không nhắc đến bản đồ 9 điểm này nữa, và cũng không nhất định đòi tất cả vùng biển đó là của mình nữa,’ vậy có phải là mâu thuẫn không?”

“Vì đó là vùng biển của Trung Quốc. Chấm hết!” bà Yunzhu Yao gần như hét lên.

Đến đây thì ban tổ chức cắt đứt phần hỏi đáp, mặc dù theo đúng chương trình, vẫn còn hơn 30 phút nữa.

Trên đường từ lớp học ra bãi đậu xe, một số sinh viên vừa đi vừa bàn tán. Một người nhận xét rằng tranh cãi là điều khi nói đến mình không thể chỉ mời một bên thuyết giảng theo cái nhìn của mình, tuy nhiên, điều này chứng tỏ Trung Quốc rất giỏi trong việc đưa diễn giả của họ đến các trường đại học để tuyên truyền cho nước họ.

Ông Phú Nguyễn gật gù: “Tôi sẽ đưa nhận xét này lên với ban quản trị của trường.”

Leave a Reply