Chàng trai Hà Nội ‘giải cứu’ trẻ bụi đời lên báo Anh

Do Duy Vi đang cố gắng giúp đỡ những đứa trẻ lang thang, cung cấp cho chúng chỗ ở và mang tới niềm hy vọng về ngày mai tươi sáng hơn.

Do Duy Vi, 29 tuổi, là giám đốc tiếp cận cồng động của quỹ trẻ em Rồng Xanh, một tổ chức phi chính phủ của Australia đã giúp đỡ trẻ em đường phố Việt Nam từ năm 2004. Anh đảm nhận công việc này trong 7 năm nay.

Màn đêm buông xuống, đám đông tụ tập xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, bắt đầu vãn dần. Vi nhìn qua đám thanh niên đang săn Pokemon trên điện thoại di động, những người phụ nữ khiêu vũ và người bán hàng rong rao bán những mặt hàng còn sót lại.

Những tháng ngày cơ cực

“Bạn phải biết cách nhận ra những dấu hiệu”, Vi nói với Guardian. “Đôi khi trông các em rất nhếch nhác, bẩn thỉu hoặc mang theo túi quần áo. Đôi khi, bạn cần quan sát cách chúng ngồi”.

Hàng đêm, Vi tìm kiếm những trẻ em lang thang cơ nhỡ trên đường phố Hà Nội. “Các em ấy được xem là những người bần cùng nhất. Trong tiếng Việt, chúng tôi gọi đó là ‘trẻ bụi đời’, có thể hiểu là đứa con của cát bụi”, Vi chia sẻ.

Chang trai Viet 'giai cuu' tre bui doi len bao Anh hinh anh 1
Do Duy Vi trò chuyện cùng các trẻ em đường phố. Ảnh: Guardian

“Tôi từng là đứa trẻ bụi đời, khi còn 14, 15 tuổi”, Vi cho biết. “Cha mẹ tôi không có tiền. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà nhỏ cách Hà Nội 130 km. Năm 14 tuổi, tôi quyết định đi kiếm việc làm vì vậy tôi đã đến thành phố này”.

Trong 2 năm, Vi đã phải ngủ trên sàn một nhà nghỉ và đi đánh giày. Những hôm đông khách, cậu có thể kiếm được khoảng 20.000 đồng. Anh chia sẻ vẫn còn nhớ như in cảm giác của cơn đói và nỗi sợ hãi trong khoảng thời gian đó. “Tôi đã bị đánh đập rất nhiều”, Vi kể.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Cuộc gặp gỡ 14 năm trước đã làm thay đổi cuộc đời chàng trai này. Vào một ngày hè oi bức, Vi đang tìm kiếm khách đánh giày thì tình cờ gặp Michael Brosowski, một giáo viên ở Sydney. Ông Brosowski đã mở một lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo.

“Cậu ấy thực sự là đứa trẻ thông minh, tự tin. Cậu ấy cười tươi với tôi và nói ‘Shoeshine!’ (Đánh giầy). Đó là từ tiếng Anh duy nhất mà cậu biết. Chúng tôi ngồi trong khoảng sân nhỏ trước cửa nhà tôi, cậu ấy đánh giầy trong khi chúng tôi trò chuyện”, Brosowski kể.

Vi bắt đầu tham gia lớp học của ông Brosowski và một năm sau, người thầy của cậu thành lập ra Blue Dragon. Trung bình mỗi năm, trung tâm cung cấp các bữa ăn, quần áo và phòng học miễn phí cho hơn 200 trẻ em đường phố. Họ cũng có khu “mái ấm” luôn kín chỗ với khoảng 30 giường.

Vi sống trong trung tâm 5 năm, và sau đó trở lại Blue Dragon để giúp đỡ các trẻ em từng chung cảnh ngộ. Hiện anh được mệnh danh là “người tạo ra phép màu” của tổ chức. “Cậu ấy có thể thấu hiểu trẻ em hơn bất kỳ ai”, ông Brosowski chia sẻ.

“Tôi nghĩ rằng đây là điểm chung, tôi và lũ trẻ đã đều phải đối mặt với những vấn đề tương tự”, Vi nói. Vi kết hợp những chuyến đi hàng đêm của mình với các buổi tư vấn cho các sinh viên quan tâm đến công tác xã hội.

Những giọt nước mắt

Anh đi qua một quảng trường đông đúc, trò chuyện với một nhóm bạn quen. “Ở đây có nhiều băng nhóm”, Vi nói, “Tồi tệ hơn là chúng tôi biết có những kẻ ấu dâm thường lui tới khu vực này, cả người Việt lẫn người nước ngoài. Trẻ em ở đây phải đối mặt với các hành vi lạm dụng”. Anh kể rằng một đứa trẻ anh gặp đã bị “gạ tình” 6 lần trong đêm đầu tiên lang bạt trên đường phố.

Vi nhấn mạnh rằng xây dựng lòng tin là một quá trình cần nhiều thời gian. “Lần đầu tiên bạn gặp những đứa trẻ, chúng sẽ không cởi mở kể những câu chuyện thật. Vì vậy, ban đầu tôi thường không hỏi quá nhiều. Tôi cố tỏ ra thân thiện, nói chuyện với các em về thể thao và kể về quãng thời gian là trẻ em đường phố của tôi”.

Chang trai Viet 'giai cuu' tre bui doi len bao Anh hinh anh 2
Những đứa trẻ vô gia cư phải đối mặt với nhiều hành vi lạm dụng, trong đó có lạm dụng tình dục. Ảnh: Guardian

Anh kể lại câu chuyện một cậu bé mà anh đã gặp 2 năm trước đây. Cậu bé 14 tuổi trở thành miếng mồi của những gã ấu dâm và đã dùng ma tuý đá để giảm đau.

“Tôi thuyết phục cậu ấy trong nhiều tháng, tôi nói: ‘nếu em cần tiền, bọn anh có thể giúp em’, nhưng cậu ấy từ chối. Cậu ấy tự huỷ hoại cuộc đời mình, tiếp tục trở lại với những kẻ ấu dâm và nghiện ma tuý”, Vi chia sẻ.

“Mỗi lần gặp nhau, cậu ấy đều khóc. Tôi chẳng biết phải làm thế nào. Sau 3 tháng, tôi đã nói và làm những việc tôi có thể nghĩ ra. Mọi người hỏi tôi vì sao lại tiếp tục. Tôi chỉ trả lời: ‘tôi không biết – đó là tất cả những gì tôi làm được cho bạn mình”.

Sự kiên trì của Vi đã được đền đáp xứng đáng. Năm ngoái, cậu bé đã đến khu mái ấm, và bây giờ đó là nhà của cậu. “Cậu ấy không bao giờ quay trở lại cuộc sống trước đây”, Vi tự hào kể. Sau đó, anh lại tiếp tục đi đến các con phố, tìm kiếm những đứa trẻ cần sự giúp đỡ.

Chưa có số liệu chắc chắn về số trẻ em vô gia cư ở Việt Nam. Một báo cáo của Human Rights Watch năm 2006 ước tính có khoảng 23.000 trẻ. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết con số chính thức của năm 2014 giảm xuống còn 7.300 em.

Ông Vijaya Ratnam-Raman, người đứng đầu công tác bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam, cho biết những thống kê này không phản ánh chính xác tỷ lệ trẻ em bụi đời. “Trước đây, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều trẻ em vô gia cư, tuy nhiên, việc ít nhìn thấy các em không có nghĩa là số lượng này trong thực tế cũng giảm theo”, ông nói.

Leave a Reply