Châu Á và lệnh cấm nhập cư của Mỹ

Một số lãnh đạo các nước Đông Nam Á trấn an người dân về sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump cấm người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ.

Châu Á và lệnh cấm nhập cư của Mỹ
Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định lệnh cấm của Mỹ không ảnh hưởng người dân Indonesia – Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với công dân 7 nước Hồi giáo sẽ không ảnh hưởng đến Indonesia và kêu gọi người dân không nên lo lắng.

Theo báo Straits Times, Tổng thống Widodo ngoài ra không chỉ trích động thái gây tranh cãi của ông Trump. Tương tự, các nhà lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương khác cũng không bình luận gì.

“Không có ảnh hưởng trực tiếp nào đối với Indonesia” – hãng tin Antara dẫn lời ông Widodo.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi trước đó đã kêu gọi công dân Indonesia sống ở Mỹ nên bình tĩnh sau khi ông Trump ban hành sắc lệnh hôm 27-1.

Ông Retno chỉ thị cho đại diện ngoại giao của nước này tại Washington, Chicago, Houston, Los Angeles, New York và San Francisco mở đường dây nóng 24/7 để giải quyết những hệ quả có thể xảy ra.

Tại Malaysia, đất nước có đông người Hồi giáo như Indonesia, Thủ tướng Najib Razak không có phát ngôn nào về lệnh cấm của Mỹ. Các chính trị gia đối lập gọi sự im lặng của ông Razak là “đáng quan ngại”.

Tại Úc, Thủ tướng Malcolm Turnbull thông báo Nhà Trắng đã trấn an công dân Úc mang hai quốc tịch sẽ không bị ảnh hưởng. Ông Turnbull không nằm trong nhóm lãnh đạo chỉ trích lệnh cấm đi lại của Mỹ đối với công dân một số quốc gia.

Tại Singapore, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ Camille Dawson cho biết họ đã nhận được một số thắc mắc về lệnh cấm nhập cảnh. “Sắc lệnh (cấm nhập cảnh Mỹ) không bao gồm Singapore. Đại sứ quán Mỹ tại Singapore tiếp tục chào đón và khuyến khích người dân Singapore du lịch và học tập tại Mỹ” – bà Dawson giải thích.

Trong khi đó, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer vừa tuyên bố rằng sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump không cho người tị nạn cũng như người dân từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số được tới Mỹ không phải là “một lệnh cấm nhập cảnh”.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 31-1 (tức 1-2, giờ VN), ông Spicer đã đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông coi chính sách đang gây tranh cãi này là “một lệnh cấm”. Ông khẳng định sắc lệnh của Tổng thống Trump “không phải là lệnh cấm đối với người Hồi giáo mà chỉ một cơ chế xét duyệt lý lịch nhằm giữ cho nước Mỹ được an toàn”.

Tuần trước, tân Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh gây nhiều phản ứng, theo đó người dân từ 7 quốc gia gồm Iran, Iraq, Syria, Yemen, Sudan, Somalia và Libya sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ trong ít nhất 90 ngày. Sắc lệnh cũng đình chỉ việc tiếp nhận người tị nạn từ mọi quốc gia trong vòng 4 tháng và cấm tiếp nhận vô thời hạn người tị nạn Syria.

Ông Trump khẳng định rằng sắc lệnh mà ông vừa ký không nhằm vào bất kỳ tôn giáo nào mà chỉ hướng tới mục đích chống khủng bố vì sự an toàn của nước Mỹ. Ông cũng tái khẳng định rằng hơn 40 quốc gia Hồi giáo trên thế giới không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh nói trên.

Cùng ngày 31-1, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi Tổng thống Trump bãi bỏ càng sớm càng tốt sắc lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với người từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số.

Người đứng đầu LHQ khẳng định các quốc gia có quyền ngăn chặn sự thâm nhập của các tổ chức khủng bố, nhưng không được dựa trên sự phân biệt đối xử liên quan đến tôn giáo, sắc tộc hay quốc tịch của một cá nhân.

Ông Guterres cảnh báo rằng “những biện pháp mù quáng, không dựa trên các thông tin tình báo có căn cứ, thường không phát huy hiệu quả vì các hoạt động khủng bố toàn cầu vốn rất tinh vi hoàn toàn có thể vô hiệu hóa những biện pháp này”.

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới nhấn mạnh rằng những hành động phân biệt đối xử đi ngược lại “những nguyên tắc và giá trị cơ bản” đồng thời “khiến đông đảo dư luận sợ hãi và phẫn nộ”, và dẫn đến tác động ngược là “tiếp tay” cho hoạt động tuyên truyền của các phân tử cực đoan.

Ông bày tỏ quan ngại rằng sẽ ngày càng có nhiều biên giới đóng lại đối với những người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc xung đột và tình trạng bị đàn áp, đồng thời khẳng định điều này là vi phạm luật quốc tế về bảo vệ người tị nạn.

Leave a Reply