Công ty giao đồ ăn 300 triệu USD của doanh nhân Mỹ gốc Việt

Tri Tran tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) và là một trong hai nhà sáng lập của Munchery – hãng chuyên giao đồ ăn sẵn đến tận nhà.

Tri Tran sinh ra tại Bà Rịa – Vũng Tàu trong một gia đình có cha mẹ đều là giáo viên trường công. Năm 1986, khi mới 11 tuổi, anh cùng cả nhà sang Mỹ định cư.

Vượt qua quãng thời gian khó khăn ban đầu, Tri Tran có thành tích học tập xuất sắc khi còn học trung học và được nhận vào Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm kỹ sư trong một công ty phần mềm ở California (Mỹ) và kết hôn ở tuổi 23 với một cô gái người Việt.

Sau nhiều năm làm trong ngành công nghệ, Tran chợt nhận ra rằng vấn đề chế biến và thưởng thức những bữa cơm bổ dưỡng và ngon miệng quả là không đơn giản. Cả hai vợ chồng anh đều không có thời gian nấu cơm. “Khi 22 tuổi, tôi có thể mua đồ ăn sẵn. Nhưng khi lớn tuổi rồi, tôi không thể ăn chúng mỗi ngày được”, anh nhớ lại trên Bloomberg.

cong-ty-giao-do-an-300-trieu-usd-cua-doanh-nhan-goc-viet

Tri Tran – đồng sáng lập Munchery. Ảnh: Bloomberg

Khi ấy, cả gia đình anh đang sống tại Union City, phía nam Oakland. Hàng xóm của họ từng là đầu bếp cá nhân, thường đến từng nhà khách hàng để nấu cơm, trữ vào hộp thủy tinh và cất trong tủ lạnh. Vì thế, chủ nhà chỉ cần hâm nóng lại trước khi ăn. Chỉ nấu cho 1 hoặc 2 nhà, người đầu bếp đã kiếm được 500-700 USD mỗi ngày. Vấn đề là “Ông ấy có thể nấu ngon nhưng chẳng có cách nào phục vụ nhiều người được”, Tran cho biết.

Sau đó, anh chia sẻ ý tưởng về việc nấu ăn tại gia cho Chu – một người bạn và cũng là đồng nghiệp của mình. Năm 2010, Munchery ra đời, và cả Tran lẫn Chu đều xin nghỉ công việc đang làm khi đó.

Khởi đầu của Munchery cũng gặp nhiều khó khăn như các doanh nghiệp khác. Khi mới thành lập, Tri Tran còn phải tự mình lái xe để giao đồ ăn cho khách. Gia đình nhà vợ anh còn trêu rằng anh đến MIT học công nghệ chỉ để trở thành một nhân viên chuyển phát thức ăn. Munchery cũng từng bị chương trình cấp vốn nổi tiếng – Y Combination từ chối đầu tư năm 2011.

Thời gian đầu, họ bán rất nhiều loại đồ ăn. Các đầu bếp đều làm việc tự do, từ nhà hoặc nhà hàng của họ, sau đó bán online. Vì thế, cả chất lượng và dịch vụ khách hàng đều khó kiểm soát.

Sau này, Tran và Chu nhận ra họ cần kết nối các đầu bếp với nhau, do những người này còn vướng bận công việc hiện tại. Vì thế, Munchery thuê một gian bếp riêng và cam kết với những người này rằng đồ ăn của họ sẽ được bán rộng rãi, chứ không chỉ gói gọn trong không gian như các nhà hàng truyền thống.

Công ty từ đó liên tục thay đổi chiến lược. Họ cho khách hàng đăng ký gói dịch vụ vài bữa mỗi tuần và chọn thời gian giao hàng trước thông qua website của hãng. Đến năm 2012, họ đã được rót khoản vốn đầu tiên – 210.000 USD.

cong-ty-giao-do-an-300-trieu-usd-cua-doanh-nhan-goc-viet-1

Một trong những suất ăn của Munchery. Ảnh: Bloomberg

Munchery là một trong các hãng khởi nghiệp đang cố giải quyết thách thức về việc lên kế hoạch cho bữa ăn trong ngày chỉ qua một cú chạm nhẹ trên ứng dụng. GrubHub ở Mỹ, Just Eat ở châu Âu và Ele.me ở Trung Quốc đều là các dịch vụ kết nối người dùng Internet với các nhà hàng.

Nhiều người đã chỉ trích và gọi sự nổi lên của loại hình kinh doanh này là “nền kinh tế thực phẩm lười biếng”. Nhưng Munchery thì khác. Họ thuê đầu bếp và tự làm ra món ăn và giao tới tận nơi cho khách hàng với mức giá hợp lý.

Công ty hiện có chi nhánh tại bốn thành phố, gồm San Francisco, Los Angeles, New York và Seattle. Khoảng hai chục món khai vị, món phụ và đồ ăn trẻ em được chuẩn bị mỗi ngày để khách hàng lựa chọn. Thực đơn này thay đổi theo ngày. Khách hàng có thể chón món trên website hãng hoặc qua ứng dụng điện thoại.

Sau khi chế biến xong, món ăn sẽ được giữ lạnh, đóng hộp và chuyển ra xe để giao tới khách hàng. Khách hàng chỉ cần làm nóng lại thức ăn là có thể dùng được.

Muchery đã cung cấp ra thị trường hơn 3 triệu bữa ăn kể từ năm 2010. Công ty đã huy động được hơn 115 triệu USD vốn đầu tư. Tran cho biết Munchery hiện là gian bếp độc lập chuyên cung cấp thực phẩm tươi chế biến sẵn lớn nhất tại các thành phố họ hoạt động.

Anh cũng hy vọng sẽ mở thêm ít nhất 10 chi nhánh nữa trong vài năm tới. Dù vậy, giống như nhiều doanh nghiệp khác trong mảng kinh doanh theo yêu cầu, Munchery vẫn chưa có lãi.

Tháng trước, Munchery đã huy động được 85 triệu USD, giúp công ty được định giá 300 triệu USD. Đây là con số khá ít ỏi so với chuẩn mực tại Silicon Valley. Nhưng dù sao nó cũng biến Tran thành triệu phú, ít nhất là trên giấy.

Minh Châu

Leave a Reply