Dân Việt tại Đức 🇩🇪 lo lắng trước sự việc côn đồ CSVN ra tay bắt Trịnh Xuân Thanh


Nguyễn Đức Thoa, đại diện Cục Tình Báo Việt Nam ở Berlin đã bị Đức trục xuất. (ZDF)

BÁ LINH – Trong lúc mối quan hệ ngoại giao giữa Liên Bang Đức và nhà nước xã hội chủ nghĩ Việt Nam đang căng thẳng về vụ CSVN bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (TXT), một số tin khác liên quan đến vụ này đã được loan tải trong ngày thứ Sáu. Trước hết là nhà chức trách đã có hình ảnh của chiếc xe Van cũng như nhóm bắt ông Thanh, và kế đó là sự hoang mang, lo lắng của những Việt kiều sống tại Đức, nhất là những người từ miền Bắc Việt Nam đến Đức qua những con đường không chính thức.




Văn phòng Công Tố Đức tại Berlin cho biết thêm là nhóm bắt cóc có vũ trang đã bắt ông TXT ngay trước Khách Sạn Sheraton Berlin Grand Hotel Esplanade ở quận Tiergarten, trong lúc ông ngồi trên ghế công viên sát bên cạnh dòng sông trên đường Ltzowufer.


Chiếc xe Van màu đen mang bảng Tiệp Khắc được cảnh sát Đức nhận diện là xe dùng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cạn bờ sông. Hình xe được ghép với hình Google Maps.

Theo an ninh Đức, các nhân chứng có mặt tại hiện trường khi vụ bắt cóc xảy ra đã mô tả cách những người đàn ông có vũ trang vào buổi sáng ngày 23 tháng Bảy, ép buộc và đẩy một người đàn ông cùng một phụ nữ vào trong một chiếc xe Van.

Máy thâu hình trên đường phố và camera của khách sạn Sheraton Hotel ghi rõ hình ảnh nhóm người bắt cóc và luôn cả chiếc xe Van màu đen mang bảng số Cộng Hòa Czech (Tiệp Khắc).
Văn phòng Công Tố chỉ nói sơ về cuộc họp báo là cảnh sát đã nắm chắc sự kiện bắt cóc qua hình ảnh video. Facebooker Nguyễn Thùy Trang cho biết là chiếc xe Van đen mang bản số Czech đã chạy sang Pháp qua ngả Belgium.

Sở Cảnh sát Đức cho biết ở Berlin có tổng cộng hơn 15,000 máy thâu hình an ninh và trong số này có 3,200 máy chuyển thẳng về Trung Tâm Chống Khủng Bố của cảnh sát.

Trong ngày thứ Năm, 3 tháng 8, chính phủ Đức cho biết họ đã trục xuất ông Nguyễn Đức Thoa, đại diện Cục Tình Báo CSVN ở Berlin. Ông này phải chia tay các bạn bè, đồng nghiệp, với cơ hội được trở lại nước Đức trở nên xa vời.

Trong khi đó, sự việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc giữa ban ngày tại thủ đô Bá Linh đã bắt đầu gây lo âu cho cộng đồng người Việt ở đây.

Theo tin của Thời Báo tại Đức, một số người Việt làm việc tại Đức và không là công dân của nước này đang bị khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng với cơ quan đại diện của họ.

Nhiều người bày tỏ lo lắng khi tình hình an ninh trật tự ở đây đang trở nên tệ hơn trước, bất cứ lúc nào bản thân và gia đình họ cũng có thể bị những côn đồ, gián điệp có vũ trang của CSVN đột nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Đức để bắt cóc hoặc khủng bố họ.

Nhiều gia đình người Việt quá lo lắng, nên đã bầy tỏ với cảnh sát Đức nguyện vọng được lưu tâm bảo vệ, họ đã được giải thích và cung cấp số điện thoại 110 để bấm mỗi khi cần.

Thanh từng trốn qua Lào trên đường đến Đức

Hãng thông ấn Reuters đã phỏng vấn ông Victor Pfaff, một luật sư làm việc với Trịnh Xuân Thanh về vấn đề xin tị nạn chính trị tại Đức. Luật sư này cho biết vào ngày 24 tháng Bảy, ông Thanh đã không đến cơ quan chức năng của Đức để trình bày vấn đề xin tị nạn như đã hẹn trước.

Sau đó, một số nhân chứng đã kể lại với luật sư Pfaff về sự việc TXT bị bắt cóc tại công viên Tiergarten một ngày trước đó

Từ hôm đó trở đi ông Thanh bặt vô âm tín cho đến khi ông xuất hiện trên đài truyền hình Việt Nam ngày 3 tháng tám, nói rằng ông tự nguyện trở về Việt Nam để đầu thú.

Hãng tin Reuters cũng trích dẫn đoạn video được truyền hình Việt Nam loan tải nói rằng ông Thanh lo sợ cuộc sống bấp bênh ở Đức. Nhưng theo ông Pfaff, ông Thanh không bao giờ nghĩ như thế, và ông Thanh rất lo ngại về những hậu quả khó lường nếu ông trở về Việt Nam, thậm chí đến có thể bị án tử hình. Ngoài ra, ông Thanh còn có một cuộc sống khá thoải mái từ khi ông đến Đức từ tháng Tám, 2016, và ông muốn sống tại Đức và làm việc như là một doanh gia.

Luật sư Pfaff cho biết kể từ khi truyền thông Việt Nam bắt đầu loan tin về những cáo buộc tham nhũng của ông Thanh ở tập đoàn dầu khí PVC, Thanh đã tìm đường trốn khỏi Việt Nam, và đã có một hành trình khá vất vả qua ngả Lào, Thái Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến Đức.

Cho đến nay Cộng Sản Việt Nam không nhận tội bắt cóc ông Thanh, chỉ nói là “lấy làm tiếc” về tố cáo của Bộ Ngoại Giao Đức và lệnh trục xuất trưởng gián điệp Việt Nam tại Đức.

Báo chí Đức so sánh vụ TXT này với những vụ bắt cóc do cơ quan mật vụ Liên Xô tổ chức ở Tây Đức trước khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989.

Leave a Reply