⏩ KKK – lịch sử & hành động bạo lực cuả nhóm da trắng kỳ thị chủng tộc 🇺🇸

KKK – hội kín cổ xúy thuyết người da trắng thượng đẳng
Trải qua nhiều biến tướng, KKK vẫn giữ tư tưởng kỳ thị chủng tộc, coi người da trắng là thượng đẳng, gây ra nhiều bạo lực ở Mỹ.




Thuyết người da trắng thượng đẳng do hội kín Ku Klux Klan ở Mỹ cổ xúy bị coi là nguồn cơn sâu xa dẫn đến cuộc bạo động ở Charlottesville, Virginia, ngày 12/8 khiến ít nhất một người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bị chỉ trích không trực tiếp lên án tư tưởng người da trắng thượng đẳng mà đổ lỗi “nhiều bên” trong vụ bạo lực ở Charlottesville, người phát ngôn Nhà Trắng giải thích rằng lời lên án của Trump bao gồm các nhóm tân phát xít và Ku Klux Klan.

Ku Klux Klan, thường được gọi là KKK hay đơn giản là Klan, là tên gọi chung của ba phong trào trong ba thời kỳ ở Mỹ với các thành viên chủ yếu là nam giới da trắng ủng hộ các quan điểm cực đoan, chẳng hạn như thuyết người da trắng thượng đẳng, phân biệt chủng tộc, chống nhập cư, bài Do Thái, bài Công giáo.

Trong lịch sử, KKK thường sử dụng các hành động khủng bố bao gồm giết người bằng cách điển hình là treo cổ trên thánh giá và tấn công bạo lực nhằm vào các nhóm người và cá nhân mà họ kỳ thị. Phong trào này kêu gọi thanh lọc xã hội Mỹ và được xem là các tổ chức cực đoan cánh hữu. Trang phục đặc trưng của KKK là áo choàng trắng, mũ trùm đầu chỏm nhọn màu trắng, chỉ hở hai mắt.

Phong trào KKK đầu tiên (1865 – 1871)

KKK đầu tiên được thành lập ở Pulaski, bang Tennessee trong khoảng thời gian từ tháng 12/1865 đến tháng 8/1866 bởi 6 cựu sĩ quan của quân đội Liên minh Miền nam ủng hộ chế độ nô lệ. “Các nghi thức kết nạp kỳ dị, thách đố sự tò mò của công chúng và tạo thú vui cho các thành viên là các mục tiêu duy nhất của KKK”, theo Albert Stevens, tác giả của cuốn Bách khoa toàn thư về các hội kín phát hành năm 1907.

Tên gọi Ku Klux Klan có lẽ xuất phát từ tiếng Hy Lạp “kuklosm” nghĩa là “vòng tròn”. Mặc dù Klan đầu tiên không có bộ máy tổ chức nào cao hơn cấp địa phương, các hội kín tương tự mọc lên khắp miền nam Mỹ, đặt cùng tên và có cùng phương thức hoạt động. KKK phát triển như một phong trào nổi dậy cổ vũ thuyết người da trắng thượng đẳng và sự phản kháng trong suốt Kỷ nguyên tái thiết (1865-1877) sau cuộc nội chiến Mỹ.

Chẳng hạn, cựu binh quân đội Liên minh Miền nam John W. Morton đã thành lập một nhóm KKK ở Nashville, bang Tennessee. Với tư cách là hội kín dân phòng, KKK tấn công những người da đen đã được giải phóng khỏi chế độ nô lệ và những người ủng hộ họ. Nhóm này tìm cách phục hồi vị thế thượng đẳng của người da trắng bằng những chiêu thức đe dọa và bạo lực bao gồm các hành động giết người nhằm vào người da đen lẫn người da trắng phe Cộng hòa ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ. Trong thời kỳ này, phe Dân chủ bảo vệ chế độ nô lệ, thúc đẩy thông qua đạo luật phân chủng ở Mỹ.

Năm 1870 và 1871, chính quyền liên bang Mỹ thông qua ba đạo luật nhằm bảo vệ người Mỹ gốc Phi, đồng thời truy tố cũng như trấn áp các tội ác của hội kín Klan.

Trước khi bị trấn áp, phong trào KKK thứ nhất đã đạt những mục tiêu nhất định. Nó cản trở con đường chính trị của người da đen thông qua việc sử dụng chiêu thức ám sát và đe dọa bạo lực, khiến một số người da đen phải rút khỏi chính trường. Mặt khác, nó cũng gây ra sự phản ứng mạnh mẽ với việc nhiều đạo luật liên bang được thông qua giúp “khôi phục trật tự, hồi phục nhuệ khí cho người Cộng hòa miền Nam và cho phép người da đen thực thi các quyền lợi của mình như là những công dân tự do”, theo đánh giá của nhà sử học Mỹ Eric Foner.

George C. Rable, một nhà sử học Mỹ khác, cho rằng Klan là một thất bại chính trị, vậy nên nó bị ngay chính các lãnh đạo phe Dân chủ ở miền nam loại bỏ. Ông nói: “KKK suy yếu sức mạnh một phần do sự suy yếu nội bộ. Nó thiếu tổ chức trung ương và các lãnh đạo thất bại trong việc kiểm soát những phần tử tội phạm và những kẻ tàn bạo. Nó suy tàn vì không đạt được mục tiêu chủ chốt là lật đổ các chính quyền bang theo phe Cộng hòa ở miền nam”.

Sau khi KKK đầu tiên bị trấn áp, các nhóm dân quân nổi dậy tương tự đã trỗi dậy nhằm đe dọa việc đi bầu cử của người Cộng hòa và khiến những người Cộng hòa phải rời khỏi các cơ quan chính quyền. Các nhóm này bao gồm Liên đoàn Da trắng (White League) được thành lập ở bang Louisiana vào năm 1974, hay Áo Sơ mi đỏ (Red Shirts) ở bang Mississippi và các hội kín khác ở hai bang Bắc Carolina và Nam Carolina.

Các nhóm này hoạt động như là cánh vũ trang của đảng Dân chủ và được cho là đã giúp đỡ nhiều ứng viên Dân chủ da trắng giành lại quyền kiểm soát ở hội đồng lập pháp các bang miền nam Mỹ. Có hàng nghìn cựu binh quân đội Liên minh Miền nam tham gia những hoạt động này.

Phong trào KKK thứ hai (1915-1944)

Năm 1915, phong trào KKK thứ hai được thành lập ở Atlanta, bang Georgia. Bắt đầu từ năm 1921, phong trào này áp dụng một hệ thống hoạt động hiện đại bằng cách sử dụng những người chiêu mộ thành viên được trả lương toàn thời gian và thu hút với thành viên mới với tư cách là một hội kín. Trụ sở quốc gia của phong trào KKK thứ hai kiếm lợi nhuận thông qua độc quyền buôn bán trang phục của các thành viên, trong khi đó nhà tổ chức được trả lương bằng phí nhập môn của hội viên.

Phong trào phát triển nhanh chóng trên toàn quốc. Nó lan rộng đến mọi bang và gây chú ý ở nhiều thành phố, phản ánh những căng thẳng xã hội giữa dân đô thị và nông thôn nước Mỹ.

KKK rao giảng về thuyết “chủ nghĩa Mỹ 100%” và yêu cầu thanh lọc nền chính trị, kêu gọi các giá trị đạo đức nghiêm ngặt và thi hành tốt hơn lệnh cấm sản xuất, vận chuyển và buôn bán đồ uống có cồn. Chính sách tuyên truyền chính thức của nó tập trung vào việc đe dọa Giáo hội Công giáo, sử dụng thuyết bài Công giáo và thuyết chủ nghĩa địa phương, cho rằng công dân sinh ra ở địa phương ưu việt hơn người nhập cư.

Lời kêu gọi của phong trào KKK thứ hai nhằm vào người theo đạo Tin lành da trắng. Phong trào này chống đối người da đen, người Công giáo, người Do Thái và những người nhập cư từ Nam Âu, chẳng hạn như người Italy.

Một số nhóm địa phương đe dọa bạo lực chống lại những người buôn lậu rượu và những người phạm các tội ác đạo đức nghiêm trọng. Các vụ bạo lực do KKK gây ra chủ yếu diễn ra ở các bang miền nam.

Phong trào KKK thứ hai là một hội kín quy củ với bộ máy cấu trúc toàn quốc và theo từng bang. Vào thời điểm hoàng kim giữa thập niên 1920, phong trào KKK thứ hai có số thành viên chiếm khoảng 15% cử tri nước Mỹ, tương đương 4-5 triệu người. Tuy nhiên, sự chia rẽ nội bộ, hành vi phạm tội của các lãnh đạo và sự chống đối từ bên ngoài đã khiến số thành viên của KKK sụt giảm mạnh xuống còn 30.000 vào năm 1930. Cuối cùng, phong trào Klan thứ hai suy tàn vào thập niên 1940.

KKK ngày nay

Vào thập niên 1950 và 1960, nhiều tổ chức địa phương độc lập đã lấy tên là KKK để chống đối phong trào dân quyền cho người da đen và phong trào xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc ở các trường học.

kkk-hoi-kin-co-xuy-thuyet-nguoi-da-trang-thuong-dang-1
Số nhóm KKK hoạt động ở Mỹ từ năm 2000 đến 2016. Ảnh: splcenter.com
Một số thành viên của KKK bị kết tội giết người vì liên quan đến vụ sát hại nhà hoạt động dân quyền ở bang Mississippi vào năm 1964 và trẻ em trong vụ đánh bom Nhà thờ Baptist trên phố 16 ở Birmingham vào năm 1963.

Ngày nay, nhiều cơ quan chức năng Mỹ xem KKK là một tổ chức khủng bố, nổi dậy. Tháng 4/1997, các đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bắt 4 bốn thành viên của một nhóm có tên Hiệp sĩ chân chính thuộc KKK ở Dallas vì âm mưu cướp bóc và đánh bom một nhà máy xử lý khí đốt. Năm 1999, hội đồng thành phố Charleston, bang Nam Carolina thông qua nghị quyết tuyên bố KKK là tổ chức khủng bố.

Theo thống kê của Trung tâm hỗ trợ pháp lý Southern Poverty ở Alabama năm 2016, có khoảng 130 nhóm KKK trên toàn nước Mỹ với khoảng 5.000-8.000 thành viên. Có nhiều nhóm KKK từ New Jersey cho đến Los Angeles. Trong những thập niên gần đây, KKK tấn công cả người nhập cư và người đồng tính luyến ái.

Hồng Vân

Giết người vì kỳ thị chủng tộc

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Anh James Alex Fields, Jr., 20 tuổi, người Mỹ da trắng, đang bị truy tố về tội giết cô Heather Heyer, 32 tuổi, cũng người Mỹ da trắng.
Bố cô Heather, ông Mark, giải thích việc cô bị anh Fields, người cùng một mầu da giết chết, “Con gái tôi hăng say với những điều nó tin tưởng. Tôi nhìn nhận là tôi không can đảm được như nó; nó thường bênh vực người yếu thế.” Qua ba chữ “người yếu thế,” ông Mark mô tả những người Mỹ da đen, da vàng, và da nâu. Cô Heather chống kỳ thị.


Anh James Alex Fields, Jr. bị truy tố tội giết người.


Cô Heather Heyer

Án mạng xảy ra trong cuộc xô xát giữa những người theo chủ thuyết “thượng tôn người da trắng” (TTNDT) và những người chống lại chủ thuyết này, tại Charlottesville, tiểu bang Virginia, hôm thứ Bảy 12 tháng 8, 2017 -cuộc xô xát được coi như đẫm máu nhất trong những cuộc xô xát thường xảy ra từ vài chục năm nay giữa người da Mỹ trắng và người Mỹ da mầu.

Phe TTNDT dự trù tổ chức một cuộc biểu tình chống quyết định của thị xã Charlottesville hủy bỏ bức tượng ông Robert E. Lee, một vị tướng lãnh trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Cuộc biểu tình chống việc hủy bỏ bức tượng nhanh chóng trở thành biểu tình đòi quyền TTNDT, rồi trở thành bạo động khi khán giả chống kỳ thị sắc tộc lên tiếng chống nhóm QUYỀN LỰC DA TRẮNG (QLDT).

Xô xát quan trọng đến mức Thống Đốc Virginia, ông Terry McAuliffe, phải tuyên bố tình trạng khẩn trương, và ra lệnh cho Vệ Binh Quốc Gia giúp cảnh sát trong nỗ lực tái lập trật tự.

Cuộc ẩu đả -tuy hung tợn- nhưng cũng chỉ gây thương tích nhẹ, vì những người đánh nhau chỉ đánh tay không, hoặc đánh bằng gậy gộc, cho đến lúc anh James Alex Fields, Jr., 20 tuổi lái một chiếc Dodge Challenger, chạy thật lẹ, lủi vào đám người chống nhóm QLDT.


Chiếc xe Sport cán chết cô Heather Heyer


Cảnh tượng xe cán chết người

Sáng hôm sau -Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017- tại nhà thờ Charlottesville, Thống Đốc Terry McAuliffe chỉ trích nhóm QLDT là “mỗi ngày, ngày hôm nay giống ngày hôm qua, từ lúc bước xuống giường cho đến tối mịt, lúc trở lại giường ngủ, họ chỉ tìm cách chia đôi đất nước chúng ta, tìm cách gây tổn hại cho người khác mầu da. Tôi muốn nói thẳng với họ là họ nên ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ, vì họ không phải là người Mỹ.”

Quan điểm của ông McAuliffe cho là bản chất người Mỹ không kỳ thị, và những người kỳ thị không phải là người Mỹ.

Ngoài việc bắt chước đám khủng bố Trung Đông lái xe lủi vào đám đông, giết cô Heyer, và gây thương tích cho 19 người khác, anh Fields còn gián tiếp chia trách nhiệm trong vụ hai cảnh sát viên tử nạn trong lúc bay trực thăng, theo dõi cuộc xô xát đang diễn ra bên dưới mặt đường. Hai viên chức tử nạn là trung úy Cullen và phi công Bates


Trung úy và phi công Bates tử nạn trong lúc bay quan sát cuộc xô xát.

Phó Thống Đốc Ralph Northam nói với tín đồ Mount Zion First African Baptist Church, “Cộng Đồng người Virginia chúng ta không chấp nhận kỳ thị chủng tộc, cũng không chấp nhận quyền lực của bọn người tự xưng là QLDT; vì vậy tôi đã đến tận nơi, với tư cách là một phó thống đốc để bảo vệ luật pháp, và với tư cách bác sĩ để chữa trị vết thương kỳ thị.”

Cử tọa đứng lên, vỗ tay hoan hô ông, mặc dù cách điều trị “vết thương kỳ thị” có thể không cần đến một bác sĩ.

Trong lúc hai ông thống đốc và phó thống đốc Virginia chỉ trích anh Fields, thì bà Samantha Bloom -mẹ anh- bảo anh phóng viên của hãng thông tấn AP, “Con tôi theo chủ thuyết QLDT (quyền lực da trắng) à? Nó chỉ là một đứa con nít mới lớn. Tôi không thấy nó QLDT tí nào cả.”


Bà Samantha Bloom

Trong cuộc phỏng vấn quay phim, bà Bloom nói tiếp, “Tôi nghĩ nó ngưỡng mộ ông Trump, mà ổng lại không hề thượng tôn bất cứ điều gì cả.”

Khổ thân ông tổng thống; chuyện xảy ra cách Bạch Cung vài trăm cây số; ông lại chưa hề biết mặt, biết tên anh khủng bố; vậy mà thiên hạ cứ lôi ông vào mà phiền trách là ông không dám chỉ trích bọn khủng bố Mỹ Trắng.

Ông lên mạng Tweeter lên án những kẻ gây rối; nguyên văn bản điện thư ông viết trên Tweeter: “Toàn thể chúng ta phải đồng thanh lên án mọi sản phẩm của thù ghét; lãnh thổ Hoa Kỳ không có chỗ cho loại thù ghét đó. Triệu người như một hãy đứng lên.”

“We ALL must be united & condemn all that hate stands for. There is no place for this kind of violence in America. Lets come together as one!”

Chỉ 42 phút sau khi tổng thống gửi mét-xịt đi, anh David Duke trùm QLDT lên tiếng trả lời ông; ông viết một lần, anh Duke viết ba lần trong vòng 4 phút -từ 1:01 trưa thứ Bảy đến 1:04 trưa cùng ngày.
Lá điện thư thứ nhất viết: Như vậy là, sau nhiều thập niên người Mỹ da trắng bị nhắm làm mục tiêu cho nạn kỳ thị và chống người da trắng, chúng tôi đến với nhau, đoàn kết với nhau, trăm người như một, và bị ông tấn công chúng tôi?

“So, after decades of White Americans being targeted for discriminated & anti-White hatred, we come together as a people, and you attack us?”

Lá điện thư thứ nhì viết: Tôi đề nghị ông nhìn kỹ chân dung của ông trong gương & và nhớ lại là chính những người Mỹ Trắng đưa ông lên địa vị tổng thống, chứ không phải bọn tả phái cực đoan.
“I would recommend you take a good look in the mirror & remember it was White Americans who put you in the presidency, not radical leftists.”

Lá điện thư thứ ba viết: Người Mỹ Trắng chúng tôi khiếp sợ đến mức không dám nói ra là chúng tôi đã để đất nước chúng tôi bị xâm lăng, và con cái chúng tôi bị bọn cộng sản tuyên truyền.
“White Americans are so afraid to speak out that weve allowed our country to be invaded and our children to be propagandized by marxists.”

Tổng thống không chỉ bị anh trùm KKK sỉ nhục thôi, ông còn bị những người chống QLDT hạch hỏi nguyên nhân khiến ông không gọi đích danh bọn QLDT ra để lên án, mà chỉ viết chung chung lên án mọi sản phẩm của thù ghét, trong lúc nhiều chính khách Cộng Hòa cũng như Dân Chủ đã chỉ trích đích danh bọn QLDT.

Tội nghiệp tổng thống, bị tấn công từ phải sang trái; ai bảo ngồi trong Bạch Cung là mát lắm đâu?

Leave a Reply