Thanh Huyền, nhân vật trong ‘cổ tích SEA Games 20’ tới Mỹ

WESTMINSTER, California (NV) – Cách đây hai năm, báo Người Việt có đăng bài “Chàng trai Thái đi tìm cô gái Việt từng đoạt HC vàng SEA Games.” Nội dung bài viết kể chuyện một nữ vận động viên đua xe đạp địa hình từ Việt Nam sang Brunei dự thi SEA Games lần thứ 20 bằng một chiếc xe “cà tàng.” Một anh chàng phóng viên thể thao người Thái Lan nhiều lần chứng kiến cảnh đó đã quyết định cho cô gái Việt mượn chiếc xe đạp của mình ngay trước giờ thi đấu.

Và kỳ tích đã được làm nên là cô gái Việt giành huy chương vàng đầu tiên cho bộ môn đua xe đạp địa hình của đội tuyển Việt Nam bằng chiếc xe mượn của anh chàng người Thái Lan.

Đó là năm 1999.

Đến nay, 18 năm sau “sự kiện” đó, Nguyễn Thị Thanh Huyền, tên nữ vận động viên năm xưa, lần đầu tiên có mặt tại Mỹ để tham dự các buổi trình chiếu bộ phim “Blood Road” của đạo diễn Nicholas Schrunk tại Santa Monica và New York. Thanh Huyền là một trong hai nhân vật xuyên suốt của phim.

Đặc biệt, chuyến đến Mỹ lần này của Thanh Huyền còn nhằm mục đích gặp lại chàng phóng viên người Thái năm xưa sau 18 năm, anh Sekson Aroonpong, tên thường gọi là Art, hiện sống tại South Carolina.

Ngược dòng câu chuyện

Chúng tôi từng gọi câu chuyện này là “Cổ tích trên đường thi đấu SEA Games lần thứ 20.”

Theo lời kể của Nguyễn Thị Thanh Huyền, nữ vận động viên ngày nào, thì SEA Games 20 không có môn thi đường trường nữ (Road Bike) nên Huyền được chuyển từ môn xe đạp đường trường sang môn xe đạp địa hình (Mountain Bike). Chuyển môn thi, nhưng phương tiện thi là chiếc xe đạp thì vẫn là… chiếc xe đạp cũ.

Bộ môn Huyền sẽ thi là “đua xe đạp băng đồng” nhưng chiếc xe dành cho Huyền tập luyện và thi đấu lại là chiếc Cannondale cũ dành cho chạy đường trường, không có phuộc nhún để tránh việc dằn xốc.

Vậy mà Huyền vẫn miệt mài tập luyện trên chiếc xe đó suốt 5 tháng trời trước ngày kỳ thi trong tâm trạng “mỗi khi đổ dốc xe rung cành cạch như sắp tuột khỏi bánh trước. Ngày nào đi tập mình cũng hỏi người phụ trách kỹ thuật có một câu là ‘đi tập nó có gãy không, có sao không?’ Nó mà gãy một cái là răng mình cũng rớt theo luôn.”

Thanh Huyền, nhân vật trong 'cổ tích SEA Games 20' tới Mỹ
Nguyễn Thị Thanh Huyền (trái) và Sekson Aroonpong (Art) cùng chiếc xe đạp được cho mượn năm 1999. (Hình: Thanh Huyền cung cấp)

Huyền nhớ lại, “Buổi tối trước ngày thi chính thức, ông huấn luyện viên phải sửa xe đến 4 giờ sáng. Cái sên xe lúc đấy cứ bị tuột xuống, rồi sên líp cứ nhảy lung tung. Nhưng ông bảo ‘không sao, hãy cứ cố gắng mà thi đấu.’ Thảm lắm!”

Trong khi đó, anh Sekson Aroonpong (Art), người sáng lập và là chủ bút của tờ Mountain Bike Thailand Magazine, đang làm công việc quan sát các đội tuyển từ nhiều nước đến Brunei tập luyện trước ngày thi để viết bài tường thuật. Thế nên, hình ảnh của cô vận động viên Việt Nam nhỏ nhắn tập luyện một cách chăm chỉ trong điều kiện khó khăn đã không lọt qua mắt anh phóng viên người Thái Lan.

“Còn 20 phút nữa giờ thi bắt đầu, tôi đã không thể nhìn cô ấy đi thi với chiếc xe đạp hư cũ như thế, tôi cần phải làm một việc gì đó. Thế là tôi nói với ông huấn luyện viên của Huyền là hãy lấy chiếc xe của tôi cho cô ấy thi. Hãy cho cô ta một cơ hội,” anh Art nhớ lại.

Đó chính là lý do vì sao ngay trước giờ thi đấu, ông huấn luyện viên nói với Huyền rằng “có một người cho con mượn xe để thi.”

Và Huyền nhận ra “đó là xe của một ông mà ngày nào mình cũng gặp trên đường tập.”

Suy ngẫm lại những gì đã qua, nữ hoàng trên đường đua xe đạp ngày nào nói, “Quả thật anh ấy là người mang đến may mắn cho tôi cùng với chiếc xe của anh. Nó góp phần quan trọng trong chiến thắng ngày hôm đó, mang đến cho mình niềm hạnh phúc vô bờ sau nhiều năm tháng vất vả.”

Người đàn ông tốt bụng lại nhớ, “Khi cô ta giành chiến thắng, mọi người trong đội tuyển Việt Nam đều rất vui mừng. Tôi cũng rất mừng cho họ. Tôi có chụp chung với cô ấy tấm hình và phải lấy xe chạy đi liền. Tôi nhớ mọi người trong đội tuyển Thái Lan nhìn tôi và tôi nghĩ họ không biết gì đâu.” Anh cười lớn.

Thanh Huyền, nhân vật trong 'cổ tích SEA Games 20' tới Mỹ

Câu chuyện diễn ra như vậy, vào năm 1999, mà theo Huyền “như một giấc mơ, một cái ‘duyên’ kỳ lạ mà không phải ai cũng gặp. Ở Việt Nam, người ta gọi đó là câu chuyện cổ tích, bởi đó là một thành tích không ngờ với dự đoán của tất cả giới thể thao trong nước, trong khu vực, cũng như với bản thân tôi.”

Tất cả mọi thứ rồi cũng trôi qua, trở thành ký ức, dẫu rằng Art vẫn theo dõi báo chí để biết thêm sau huy chương vàng đó, Huyền lại tiếp tục giành chiến thắng cao nhất ở SEA Games 21, 22, và 24 trước khi chính thức giải nghệ vào năm 2008. Anh biết luôn cả việc chồng của Huyền mất đột ngột vào năm 2008.

Cuối năm 2014, trong một lần đặt chân đến Việt Nam, chàng phóng viên năm xưa, đã sang Mỹ định cư hơn 10 năm khi cuộc hôn nhân thất bại, bỗng cảm thấy thôi thúc trong lòng ý nghĩ phải đi tìm cô vận động viên Thanh Huyền.

Muốn tìm, nhưng chưa biết cách nào để hỏi, hỏi ở đâu, hỏi ai, đặc biệt là ngôn ngữ bất đồng, thì tình cờ anh nhìn thấy một người phụ nữ gốc Việt đến nhà hàng mà anh đang làm việc ở Idaho dùng bữa. Anh đã mang câu chuyện này ra kể và nhờ bà giúp tìm Huyền.

Bà Tuyết Salzman, người phụ nữ đó, đã gọi cho phóng viên báo Người Việt. Lần tìm manh mối, qua những người bạn chuyên làm về tin thể thao ở Việt Nam, chúng tôi liên lạc được với Huyền, rồi liên lạc với Art, để từ đó toàn bộ câu chuyện được kể như trên.

Chờ đợi ngày hội ngộ

Qua phóng viên Người Việt, họ đã nối được nhịp cầu bè bạn sau mười mấy năm, nhưng vẫn chưa có cơ hội gặp lại, dù đã từng có dự tính một cuộc gặp gỡ ở Sài Gòn vào năm 2016 nhưng không thành.

Vậy mà giờ đây, nữ hoàng xe đạp Việt Nam và chàng phóng viên thể thao người Thái, sau 18 năm gặp nhau lần đầu ở Brunei, lại sẽ hội ngộ cùng nhau ở California khi Huyền được mời sang để ra mắt bộ phim “Blood Road.”

Đây là bộ phim tài liệu của đạo diễn Nicholas Schrunk kể về hành trình của vận động viên vô địch đua xe đạp quốc gia Rebecca Rusch đi tìm nơi qua đời của người cha cô, một phi công Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và tử trận năm 1972. Thanh Huyền được đoàn làm phim tìm đến để mời tham gia trong vai trò là người đồng hành của Rusch. Hai người phụ nữ, cũng là hai nhà vô địch bộ môn đua xe đạp ở nhiều đẳng cấp khác nhau, đã thực hiện hành trình đó trên chính những chiếc xe đạp.

Tôi không biết có thêm “kỳ tích” gì xảy ra hay không, nhưng thật lòng, tôi muốn được là người nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của họ trong ngày hội ngộ. Bởi, với tôi, họ là những người đã góp phần tạo nên cho cuộc đời lắm nhọc nhằn này những mảnh hồng tươi đẹp.

Dĩ nhiên, tôi sẽ lại kể cho mọi người nghe những gì tôi nhìn thấy và nghe thấy trong chiều Thứ Tư, 21 Tháng Sáu này, khi Art từ South Carolina bay sang và Huyền từ New York trở về sau buổi ra mắt phim, để gặp nhau nơi tòa soạn Người Việt!

Leave a Reply