Tìm nguyên nhân tính xấu của người Việt

Thật vô cùng nguy hiểm khi có nhiều người lớn không những không nêu gương mà còn nói dối, nói không đi đôi với làm, hay nói một đàng làm một nẻo.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”Người Việt Năm Châu” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false”] Trước hết, phải nói ngay rằng vấn đề “những thói hư tật xấu của người Việt” bị bạn bè quốc tế chế giễu là chuyện vốn “xưa như trái đất”. Vấn đề này thời gian qua được các chuyên gia văn hóa, chuyên gia giáo dục nước nhà đã bàn luận, hội chẩn nhằm tìm ra nguyên nhân làm nẩy sinh tính những tính xấu ấy rất nhiều lần rồi.

Không phải là thời điểm nhìn lại

Vì thế theo tôi, giờ là thời điểm chúng ta cần nhanh chóng đề ra giải pháp cụ thể và bắt tay vào làm ngay nhằm góp phần giảm thiểu các tính xấu ấy chứ không phải là thời điểm “nhìn lại những giá trị” như phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc trong bài trả lời phỏng vấn trên Tuần Việt Nam, mặc dù tôi hoàn hoàn toàn tán thành quan điểm cần phải “nhìn lại mình” của ông [1]

Hãy nhìn sang người Nhật để thấy phản ứng của họ. Sau khi nhà chức trách thống kê và thấy rằng những vụ trộm cắp của người Việt đang có chiều hướng gia tăng, họ đã cấp tốc mở những lớp dạy tiếng Việt dành cho các nhân viên cảnh sát (nhằm thuận lợi hơn trong việc điều tra xét hỏi trực tiếp thay vì phải nhờ đến phiên dịch). Đây rõ ràng không chỉ là một “phản ứng văn hóa” nhanh nhạy mang lại hiệu quả tức thì cho giới cảnh sát Nhật mà còn là một cơ hội để họ tìm hiểu về người Việt Nam chúng ta.

Có một điều không thể chối cãi, sở dĩ những tính xấu của người Việt nẩy sinh và bùng phát như hiện nay có nguyên nhân sâu xa từ chính cách giáo dục của người Việt. Vì thế, giải pháp căn cơ và lâu dài cho vấn đề này phải xuất phát từ đây.

thói hư, tật xấu, bạn bè, quốc tế, Nguyễn Trọng Bình
Tấm biển cảnh báo tại siêu thị Nhật viết cả tiếng Việt

Từ trước đến nay, ngành GD nước ta chỉ GD cho thế hệ trẻ những vấn đề mang tầm vĩ mô lớn lao và… chung chung, hướng đến mục tiêu tạo ra con người mang màu sắc lý tưởng, trừu tượng hơn là con người cụ thể, biết hành động, chủ động giải quyết thực tiễn.

Hãy đọc vài nhận xét của du học sinh người Nhật về người Việt:

“Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường.”

– “Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?”

Nhìn lại những tính xấu của người Việt hiện nay phải thừa nhận đây rõ ràng hệ quả của nền giáo dục chỉ chú ý đến việc tạo ra những con người với những “lý tưởng chung chung”, nhưng hoàn toàn xa lạ thực tế cuộc sống xã hội trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Vậy thì cách nào để khắc phục lỗi giáo dục này? Phải làm gì để truyền thống 4000 năm văn hiến của người Việt được cụ thể ra thành những “ứng xử văn hóa” trong cuộc sống thường nhật, chứ không phải “là một chương trong lịch sử”.

Làm thế nào để mỗi người Việt hiểu và tự hào về một “di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn”, cái làm nên những giá trị và bản sắc Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế? Trong điều kiện của GD hiện nay có thể bắt tay làm ngay được không?

Hoàn toàn nằm trong tầm tay

Cá nhân tôi cho rằng vấn đề này hoàn toàn nằm trong tầm tay của các thầy cô giáo, các nhà quản lý GD và ngành GD. Xin mạo muội đưa ra vài kiến nghị cũng là những giải pháp cụ thể cho vấn đề này như sau:

Một, ngay lúc này Bộ GD nên tiến hành soạn thảo để bổ sung vào quy chế đào tạo sinh viên ĐH, CĐ… một học phần mang tính bắt buộc (tạm gọi tên là“Bản sắc và truyền thống văn hóa Việt” ) đối với tất cả mọi ngành học trước khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. Phải xem đây là một “cẩm nang văn hóa” quan trọng và cần thiết để các bạn trẻ làm hành trang (bên cạnh kiến thức chuyên môn) chuẩn bị bước vào đời.

Tuy vậy cũng xin lưu ý, vấn đề này cần nhìn nhận trên tinh thần “phản biện, phản tĩnh văn hóa” chứ không nhìn nhận một cách cứng nhắc (thiên về tự hào ngợi ca một chiều) như một số sách có tên gọi “Cơ sở văn hóa VN” đang lưu hành phổ biến hiện nay.

Hai, đối với bậc phổ thông từ tiểu học đến THPT, những vấn đề này phải được cụ thể hóa qua môn “GD đạo đức công dân” tùy theo tâm lý lứa tuổi học sinh ở mỗi cấp mà biên soạn thành những bài dạy phù hợp. Đặc biệt những bài học mang tính căn cơ cốt lõi và cụ thể như: Lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, sự trung thực, ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường… của mỗi cá nhân trước cộng đồng và xã hội.

Ba, việc biên soạn những bài học đạo đức có tính chất khởi đầu cho các em bậc tiểu học rất quan trọng nhưng. Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi cho rằng, các nhà quản lý GD nên gạt bỏ quan điểm và định kiến hẹp hòi, tận dụng chất xám vốn là di sản văn hóa tinh thần của cha ông để lại. Đó là xem xét sử dụng lại hai bộ sách có tên gọi “Quốc văn giáo khoa thư” và Luân lý giáo khoa thư [2] do học giả Trần Trọng Kim và các đồng sự biên soạn dành cho học sinh cấp tiểu học (mà họ phân ra thành các lớp “đồng ấu”, “dự bị” và “sơ đẳng”) trước đây.

Theo người viết, đây là bộ sách rất hay để GD các em học sinh bậc tiểu học những nhận thức ban đầu về giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa người Việt. Bộ sách này cũng là di sản tinh thần quý báu trong tâm thức nhiều thế hệ học giả và trí thức miền Nam trước đây.

Tuy có một số bài học, câu chữ trong hai bộ sách trên không còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa, nhưng đó chỉ là số ít mà nếu sử dụng chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn hoặc chú giải, chú thích thêm cho phù hợp với tình hình và điều kiện mới hiện nay.

Trong hoàn cảnh xã hội VN hiện nay, những giải pháp GD ở trên chỉ phát huy hiệu quả khi có sự “hợp tác”, cụ thể là hành động tự nêu gương của những “người lớn”. Nếu không có khi sẽ gây ra những “tác dụng ngược”. Thật vô cùng nguy hiểm khi có nhiều người lớn không những không nêu gương mà còn nói dối, nói không đi đôi với làm, hay nói một đàng làm một nẻo. Hậu quả là vô tình tạo ra một “phản ứng tâm lý ngược” nơi những người trẻ tuổi: “Mấy ông bà kia chỉ giỏi nói người khác chứ có làm được đâu, mấy ông bà ấy làm bậy nhưng có ai bị xử lý gì đâu…”.

Thế là chẳng ai nghe ai, chẳng ai tin ai, mạnh ai nấy làm, xã hội theo đó mà “loạn” cả lên. Bạn bè quốc tế nhìn vào với đôi mắt đầy e ngại và không thiện cảm, giống như nhận xét của người bạn Nhật: “...Người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để manh mún, lọc lừa.

Tóm lại, trong hoàn cảnh hiện nay để góp phần giảm thiếu “tính xấu của người Việt” nếu như giải pháp GD là giải pháp mang tính căn cơ lâu dài thì việc làm gương của “người lớn” chính là giải pháp trước mắt. Tất cả những vấn đề này là trong tầm tay của mỗi người Việt chúng ta. Vấn đề là có chịu bắt tay vào làm ngay hay không mà thôi.

——————

Nguyễn Trọng Bình

Chú thích:

[1]: Xem http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/167776/-buc-thu-du-hoc-sinh-nhat-neu-hien-trang-co-thuc-.html

[2]: Hai bộ sách này gần đây đã được Nhà xuất bản Trẻ tái bản lại, ở đây chúng tôi tham khảo bản in tháng 10/2007.

Leave a Reply