Vì sao âm nhạc ngày nay thường vô hồn?

Âm nhạc ngày nay chỉ dừng lại ở việc nghe bằng tai chứ không bằng trái tim vì nó là sản phẩm của những anh thợ nhạc giỏi kỹ năng chứ không phải là nghệ sĩ.

Một trong những lý do dòng nhạc xưa quay trở lại trong cơn say êm dịu của người nghe như một trào lưu thời thượng, mà chủ đạo là bolero, rất đơn giản: Người ta đang khát một thứ âm nhạc được nghe bằng trái tim chứ không chỉ để xem hoặc chỉ để nghe bằng tai rồi lại trôi qua tai, nghĩa là nó phải thấm được vào trong trái tim người thưởng thức. Nhạc xưa, phần lớn thỏa mãn được những điều đó.

Điểm trang bằng kỹ xảo

Âm nhạc đương đại, nếu xét về mặt cập nhật kỹ thuật và sử dụng ngôn ngữ hiện đại cũng như kỹ năng “làm nhạc”, thì không phải là tồi. Internet, computer, sample ngập tràn và phổ biến đến mức thông dụng, giúp cho người sáng tác quá tiện lợi, nhanh gọn và năng suất cao so với cái thời nhạc sĩ chỉ với cây bút và tờ giấy kẻ nhạc.

Nhưng nghệ thuật không dừng ở đó. Nói cho đúng bản chất thì những điều kể trên chỉ là phương tiện của sáng tác mà thôi. Vẻ đẹp tâm hồn, sự rung cảm của tác phẩm mang lại cho người thưởng thức mới chính là cứu cánh của nghệ thuật.

Nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, trước hết là một thông điệp và là tiếng vọng của tâm hồn. Một thứ âm nhạc không hoặc ít cảm xúc cho dù có được điểm trang bằng kỹ thuật hay kỹ xảo thì thông điệp hay tiếng vọng đó sẽ câm nín hoặc lạnh nhạt. Kết cục là thứ âm nhạc đó trở nên nghèo nàn hay xa lạ, , tạm bợ.

Các giải thưởng âm nhạc cuối năm thường diễn ra sôi động về số lượng, từ thượng vàng cho đến hạ cám, hàng trăm tác phẩm âm nhạc xếp hàng để được tôn vinh như những cái xác vô hồn đang khoác nhiều y trang lòe loẹt, sặc sỡ không làm tươi thêm thân thể rỗng của vô cảm đó. Giải thưởng càng nhiều thì sự tôn vinh càng bị lạm phát và trở nên hình thức, không giá trị mấy về chất lượng nghệ thuật.

Vi sao am nhac ngay nay thuong vo hon? hinh anh 1
Công chúng tìm về nhạc xưa là để được nghe bằng cảm xúc của con tim. Ca sĩ Lệ Quyên lên ngôi khi khai thác dòng nhạc xưa đầy cảm xúc.

Âm nhạc ngày nay vì thế thường vô hồn. Nó không còn đơn thuần là nghệ thuật của thính giác, nó được xem nhiều hơn nghe. Phần nghe nếu có tăng lên ở một số tác phẩm cố tử tế thì nó cũng chỉ dừng lại ở việc nghe bằng tai chứ không nghe bằng trái tim được vì nó chỉ là một mớ kỹ thuật tinh vi và công phu của những anh thợ nhạc giỏi kỹ năng chứ không phải là một nghệ sĩ – một người sáng tạo bằng tâm hồn và cảm xúc chân thật.

Vô cảm giết chết nghệ thuật

Viện Gallup, năm 2012, đã công bố chỉ số vô cảm (ít cảm xúc, thờ ơ, bàng quan) được khảo sát ở người dân của 150 vùng, quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam được xếp thứ hạng 13. Một chỉ số tương đối cao về sự vô cảm của người Việt. Những hiện tượng, những vấn nạn xã hội, những đối nhân xử thế hằng ngày đã cho mọi người thấy ngày nay người ta càng lúc càng sống ít tình cảm đi, thay vào đó là sự thực dụng, ích kỷ và vô tâm. Nó chứng minh con số thống kê trên không phải là không đáng tin cậy.

Đó có phải là một trong những lý do chính, chủ đạo khiến chất lượng tinh thần và tâm hồn của nghệ sĩ tất yếu cũng vô cảm. Vô cảm giết chết nghệ thuật.

Vô cảm truyền đi thái độ vô cảm về chân – thiện – mỹ nhưng lại rất nhạy cảm về lòng tham vật chất và danh tiếng. Điều đó trở thành mục tiêu và cứu cánh của một số người làm nghệ thuật hiện nay. Sự vô cảm không chỉ đẻ ra sự vô hồn cho tác phẩm mà còn tạo ra sự vô ý thức của sáng tạo và sự vô tâm của người nghệ sĩ. Nó tạo ra môi trường nảy nở của những nhân cách nghệ sĩ thấp kém thích trộm ý tưởng, lắp ghép những mảnh rời sáng tác của người khác, lười biếng tư duy sáng tạo nhưng lại cao cường về thực dụng, chai lì và ảo tưởng. Cho nên “hình hài nghệ thuật “ đó, nếu có tạo ra cái đẹp hay cảm hứng nào đó thì chỉ hướng người ta đến dục vọng hơn là khát vọng của tâm hồn. Một người cha – tác giả như vậy làm sao tạo nên những đứa con – tác phẩm tốt hơn?

Có thể, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Nghĩa là chỉ trên những tác phẩm âm nhạc đang được phổ biến rộng rãi với sự góp sức lăng xê của truyền thông và đồng tiền. Chúng ta hy vọng đang có những tác phẩm âm nhạc ở phần chìm còn lại vẫn đủ sức đến và ở lại với trái tim nhưng nó đang chìm khuất đâu đó trong mớ vàng thau lẫn lộn đang bị xới tung lên bởi sự giải trí tầm thường cùng sự luồn lách của vật chất, danh vọng hão huyền và thoáng chốc của những ca sĩ hát vì vật chất hơn là tâm hồn.

Muốn có hoa thì phải diệt cỏ

“Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” (Nguyễn Trãi). Điều này thể hiện rõ trong môi trường âm nhạc hiện nay. Những giá trị tầm thường như cỏ rác nhiều vô số và được ưu thế khoác áo tươi mới của những sáng tác đương đại đang được lăng xê. Muốn có hoa thì phải diệt cỏ. Trong một khu vườn, có nhiều cỏ thì không có hoa. Khi con người chọn thứ âm nhạc vì đồng tiền và lòng tham danh lợi thì sự vô cảm sẽ xanh như cỏ dại mọc tràn lan tranh giành đất sống và làm chết héo những bông hoa đẹp của tâm hồn.

Leave a Reply