12 sổ tiết kiệm trị giá căn nhà: Sau 20 năm còn 3 bát phở


Nhiều người tích cóp một số tiền khá lớn đem gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, mấy chục năm sau, họ ngã ngửa khi tiền gửi “bốc hơi” còn bằng cân thịt, mớ rau, thậm chí có trường hợp chỉ còn 0 đồng.

Gửi tiết kiệm 2 chỉ vàng sau 34 năm còn 0 đồng

Câu chuyện gửi tiết kiệm 2 chỉ vàng sau 34 năm còn 0 đồng đang gây xôn xao dư luận.

Đó là trường hợp của anh Hoàng Nam Thành, hiện là chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất năng lượng tái tạo tại TP.HCM. Anh Thành nói trên báo ANTĐ, cuối năm 1983, anh đi làm thêm kiếm được 2 chỉ vàng, tương đương 400 đồng. Không dám ăn tiêu, anh đem gửi tiết kiệm.

sổ tiết kiệm, ngân hàng, tiết kiệm tiền,
Anh Thành với cuốn sổ tiết kiệm “thần thánh”

Nhưng sau 34 năm, tính lãi các kiểu thì số tiền tiết kiệm còn 0 đồng. Thậm chí, giờ đi đòi còn mất thêm tiền, vì phải trả “phí quản lý sổ”. Vì vậy, cuốn sổ tiết kiệm “thần thánh” này được anh giữ gìn như một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời.

Gửi tiết kiệm một chỉ vàng, hơn 30 năm sau nhận lại… 20.000 đồng

Theo báo PL TP.HCM, ngày 27/9/1983, ông Nguyễn Vinh Rượu (Hòa Vang, Đà Nẵng) có đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh huyện Hòa Vang gửi 90 đồng vào quỹ tiết kiệm theo dạng tiết kiệm không kỳ hạn. Từ năm 1983 đến năm 1988, số tiền lãi vẫn được tính đều đặn. Tính đến tháng 11/1988, ông Rượu có 266 đồng trong quỹ tiết kiệm. Với 266 đồng lúc đó có thể mua được hơn một chỉ vàng hoặc nhiều tài sản có giá trị khác.

sổ tiết kiệm, ngân hàng, tiết kiệm tiền,
Sổ tiết kiệm của gia đình bà Thạnh.

Năm 2001, ông Rượu qua đời. Mãi tới gần đây, khi lục tìm trong đống giấy tờ của người cha quá cố, người nhà của ông mới phát hiện quyển sổ tiết kiệm. Nhưng sợ là sổ giả, rồi nghĩ chắc ngân hàng đã giải thể nên gia đình không đi hỏi.

Sáng 31/3/2015, bà Nguyễn Thị Thạnh, con gái ông Rượu, mang quyển sổ tiết kiệm đến Ngân hàng hỏi. Sau khi kiểm tra quyển sổ, nhân viên xác định đây là sổ tiết kiệm thật và sẽ tiến hành tất toán cho khách hàng. Nhưng theo ước tính của nhân viên ngân hàng thì bà Thạnh sẽ được nhận hơn 20.000 đồng.

Gửi 1 căn hộ, sau 20 năm nhận… 3 bát phở

Báo Kiến thức thông tin, từ năm 1982-1985, vợ chồng ông Lê Minh Toán (phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) dành dụm tiền để gửi 12 cuốn sổ tiết kiệm, với tổng giá trị là 4.100 đồng, vào các quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Ở thời điểm ấy, số tiền ông gửi đủ mua thêm một căn hộ nhỏ ở trung tâm Hà Nội.

sổ tiết kiệm, ngân hàng, tiết kiệm tiền,
Ông Toán bên một sổ tiết kiệm còn giữ lại được.

Đến khi về hưu, năm 2002, ông Toán cầm sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút tiền. Sau bao lần truy tìm cái ngân hàng đã gửi tiền, sau rất nhiều đơn thư và sau bao thủ tục xác minh từ phía ngân hàng, ông Toán được rút tiền.

Ông Toán áng chừng số tiền cả gốc lẫn lãi mà cả đời ông gửi tiết kiệm sẽ vào khoảng 50-70 triệu đồng. Nhưng ông đau xót khi biết số tiền, sau 20 năm, cả gốc lẫn lãi số tiền mà ông gửi chỉ được 109.778 đồng, đủ trả ba tô phở.

Gửi tiết kiệm 5 tháng lương, 30 năm chỉ mua được 1 mớ rau

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, năm 1983, bà Lê Thị Bích Thủy (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) gửi tiết kiệm 270 đồng (bằng 5 tháng lương của một công chức). Số tiền này vào thời điểm đó được xem như một gia tài mà vợ chồng bà đã dành dụm từ nghề sửa tủ lạnh.

sổ tiết kiệm, ngân hàng, tiết kiệm tiền,
Bà Thủy với cuốn sổ tiết kiệm giá trị tiền gửi chỉ còn mua được 1 mớ rau

Ngày 8/10/2014, bà Thủy đến Kho bạc Nhà nước Q.Bình Thạnh để lãnh tiền tiết kiệm theo quy định lúc bà làm sổ tiết kiệm. Sau hơn 30 năm, đơn vị tiếp nhận và giải quyết sổ này – đã tính cả gốc lẫn lãi cho bà Thủy là 4.385 đồng.

Không muốn đến ngân hàng nhận số tiền gửi tiết kiệm giờ chỉ mua được mớ rau, ngày 12/12/2014, bà Thủy đã trao sổ tiết kiệm này cho đại diện Bảo tàng TP.HCM để đưa vào Bảo tàng trưng bày.

Sau gần 30 năm, lãi tiết kiệm không đủ tiền xe lên ngân hàng

Liên quan đến câu chuyện tiền tiết kiệm “bốc hơi”, anh Quãng Hùng Minh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể câu chuyện của bố mình là ông Quãng Văn Hai trên Tuổi Trẻ.

sổ tiết kiệm, ngân hàng, tiết kiệm tiền,
Thông báo mời lĩnh tiền tiết kiệm gửi cho ông Hai.

Anh Minh cho hay, năm 2001, sau khi “gõ cửa” nhiều nơi, gia đình anh được hướng dẫn NH tại TP.HCM sẽ là đơn vị chi trả cho khoản tiết kiệm có số dư gửi là 1.800 đồng vào ngày 8/11/1975 do bố anh Minh đứng tên. Trong thông báo mời đến lãnh tiền tiết kiệm, ngân hàng cho biết số dư tài khoản tiết kiệm của bố anh Minh tới ngày 31/12/2000 là 23.562 đồng.

“Nhận giấy mời lãnh tiền mà nhà tôi ngã ngửa. Tiền lời không đủ tiền xe lên ngân hàng lãnh tiền nên ba tôi cũng bỏ luôn. Đến giờ tôi vẫn giữ tờ giấy báo làm kỷ niệm” – anh Minh cho biết trên báo này.

Tiền tiết kiệm “bốc hơi” do đâu?

Trao đổi với báo giới, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho hay, trước đây phần lớn người dân đi gửi tiền tiết kiệm hay mua các dạng công trái… trong tinh thần đóng góp xây dựng đất nước nên ít ai để ý đến lãi thế nào.

Về nguyên tắc, những sổ tiết kiệm này dù bao năm đi nữa trách nhiệm của ngân hàng là phải lưu trữ, xác minh hồ sơ, chứng từ để luôn bảo đảm chi trả cho người dân, dù người dân quên 20-30 năm thì vẫn phải cộng dồn lãi suất và tính toán đúng.

Thực tế, do đồng tiền mất giá, người gửi tiết kiệm lại không đến điều chỉnh một thời gian dài dẫn đến giá trị cuốn sổ tiết kiệm giảm dần theo thời gian.

Cũng bàn về vấn đề này, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NH Nhà nước, cho rằng, việc tiền tiết kiệm “bốc hơi” sau nhiều năm và nay không còn giá trị là hệ quả của nền kinh tế, không phải lỗi của người dân và ngân hàng.

Giám đốc một ngân hàng thương mại cũng nhìn nhận nhiều người gửi tiền tiết kiệm trong giai đoạn những năm trước do biến động lịch sử nên cùng với thời gian số tiền bị trượt giá đi đáng kể. Vấn đề là cách chi trả thế nào để người gửi tiền cảm thấy được chia sẻ.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Leave a Reply