Trong gần một tuần, người ta được biết ngoài Don Jr. và bà Natalia, buổi gặp gỡ hơn một năm trước còn có anh Jared Kushner, con rể ông Trump, và ông Paul Manafort trưởng ban tranh cử tổng thống của ông Trump.
Nhân vật mới nhất được nhắc đến, tức nhân vật thứ năm, và có mặt trong buổi họp tại Trump Tower ở thành phố New York là ông Rinat Akhmetshin, một di dân Nga nay có quốc tịch Hoa Kỳ. Sự có mặt của ông Rinat đã tăng thêm phần nghiêm trọng của cuộc gặp gỡ, đối với những ai đang điều tra về sự thông đồng giữa ông Trump với chính phủ Nga trong cuộc bầu cử năm ngoái. Lý do là ông Rinat từng phục vụ trong quân đội Nga và cũng bị tình nghi là một gián điệp thuộc cơ quan phản gián của Nga trước khi ông đến Hoa Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn ông Rinat ngày thứ Sáu, nhật báo Washington Post ghi lại ý kiến của ông Rinat về cuộc gặp gỡ đang gây sóng gió cho Tòa Bạch Ốc, và bài viết cũng nhắc đến hai vị Dân Biểu Liên Bang rất kỳ cựu tại Quận Cam, là ông Edward Royce và Dana Rohrabacher.
Trước khi đọc thêm về hai dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa này, trở lại với ông Rinat Akhmetshin và lời trần tình của ông với Post về sự có mặt của ông trong cuộc họp tại Trump Tower.
Sự khám phá ông Rinat có mặt cùng với bà luật sư Natalia Veselnitskaya với ba người thân cận với ứng cử viên Donald Trump đã cho thấy anh Donald Trump Jr. không thật sự “minh bạch” như anh từng cam kết vào đầu tuần này, khi anh nói là sẽ trình bày hết về cuộc gặp gỡ mà anh cho là không có gì hữu ích vì bà Natalia không cung cấp thông tin bất lợi về bà Hillary Clinton. Lúc đó anh không nhắc đến ông Rinat Akhmetshin, một người có dính líu đến cơ quan tình báo Nga.
Thư email được công bố trong tuần này cho thấy anh Trump Jr. đã tin rằng mình sẽ được gặp một luật sư của chính phủ Nga và sẽ nhận được những tin tức gây thiệt hại cho bà Clinton.
Sự hiện diênncủa ông Rinat Akhmetshin, người đang giữ song tịch Nga-Mỹ, đã cho thấy một nỗ lực của Nga nằm gây ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ dưới thời Tổng Thống Obama đối với Nga.
Rinat Akhmetshin nói với nhật báo Post rằng ông không có dính líu gì đến tình báo Nga, và cả ông lẫn bà Natalia Veselnitskaya đều nói rằng nỗ lực riêng của họ không được điều hợp với chính sách của Điện Cẩm Linh. Tại Moscow thì chính phủ Nga nói rằng họ không biết ông Akhmetshin.
Thế nhưng ông Rinat và bà Natalia đã cùng chung chí hướng trong một nỗ lực, mà nỗ lực của họ vào thời điểm đó cũng phù hợp với một trong các vấn đề ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nga. Đó là làm sao cho Quốc Hội Hoa Kỳ giảm bớt lệnh cấm vận đối với Nga liên quan đến tình trạng đàn áp nhân quyền.
Ông Rinat Akhmetshin nói với nhật báo Washington Post ngày thứ Sáu rằng ông không biết về sự dàn xếp cuộc họp tại Trump Tower. Ông kể rằng bữa hôm ấy ông đã ăn trưa với bà Natalia Veselnitskaya tại một nhà hàng cách Trump Tower vài khu phố. Bà xin ông cho ý kiến về những gì bà nên nói khi gặp anh Don Jr.
Rinat nói rằng ông nhớ là bà bỗng nói, “Sao ông không đi cùng với tôi đến gặp họ?”
Vào thời điểm đó, cả hai ông Rinat và bà Natalia đều vận động chống Luật Magnitsky. Luật này được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 2012 nhằm trừng phạt các quan chức Nga có dính líu đến đàn áp nhân quyền. Luật được đặt tên của ông Magnitsky, một luật sư đã bị chính phủ Putin giết chết khi mới có 37 tuổi, vì ông đã xông xáo trong những cuộc điều tra nạn tham nhũng tại Nga, đặc biệt là một vụ gian lận thuế rất lớn.
Chỉ vài ngày sau cuộc gặp gỡ hôm 9 tháng Sáu, 2016 tại Trump Tower với anh Donald Trump Jr., bà Natalia Veselnitskaya đã vận động để được điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ về việc chính phủ Mỹ nên giảm bớt mức độ áp dụng Luật Magnitsky đối với Nga.
Đến đây thì bài viết của nhật báo Washington Post nhắc đến hai vị dân biểu Cộng Hòa từ Quận Cam.
Bà Natalia đã vận động để có một cuộc điều trần tại Ủy Ban Ngoại Vụ Hạ Viện. Chủ tịch của ủy ban chính là Dân Biểu Edward R. Royce từ Fullerton-Los Angeles. Nguồn tin của nhật báo Post cho biết ông Royce đã bác bỏ đề nghị cho chiếu một phim tài liệu do người Nga thực hiện với mục đích cho thấy lý do tại sao Mỹ nên bỏ Luật Magnitsky. Người Nga nói là luật của Mỹ đã dựa trên chuyện không có thật tại Nga.
Để trả đũa cho luật này, chính phủ Nga đã tạm ngưng chương trình cung cấp con nuôi cho người Mỹ. Bà Natalia Veselnitskaya và đội vận động của bà đã có ý định dùng tình cảm trong vấn đề giúp trẻ em Nga để Mỹ hủy bỏ Luật Magnitsky.
Cùng lúc không nhận được sự đồng ý của ông Ed Royce, nhóm của bà Natalia lại được sự ủng hộ của Dân Biểu Dana Rohrabacher từ các thành phố biển ở phía nam Quận Cam. Báo Post cho biết trong mấy năm gần đây, ông Rohrabacher đã hỗ trợ cho một mối liên hệ bang giao thân thiện hơn giữa Mỹ với Nga.
Cảm tình với Nga và với lãnh tụ Vladimir Putin xem có vẻ là một khuynh hướng chung của một số đảng viên bảo thủ Cộng Hòa mà trong đó có cả cựu thị trưởng New York ông Rudolph Giuliani. Họ xem ông Putin là người có tài vì ông vừa tôn trọng Thiên Chúa Giáo, vừa thẳng tay đánh quân Hồi Giáo quá khích, và vừa bảo vệ dân tộc trước bất cứ mối đe dọa nào.
Nhật báo Post cho biết Dân Biểu Rohrabacher đã tìm cách tổ chức một buổi điều trần nhằm mời những người có ý kiến chống Luật Magnitsky đến trình bày lập luận của họ.
Hai dân biểu Edward Royce và Dana Rohrabacher được xem là bạn tốt vì cùng chung đảng Cộng Hòa và cùng chí hướng trong nhiều vấn đề, nhưng chỉ khác trong chính sách đối với Nga, như được thấy qua vụ vận động của người Nga nói trên.
Trở lại với cuộc gặp gỡ của anh Don Jr. với bà Natalia, trong ngày thứ Sáu, báo chí Mỹ cũng nêu thắc mắc về việc ông Donald Trump đã ở đâu trong ngày 9 tháng Sáu, 2016. Một cựu viên chức từng lãnh đạo cuộc tranh cử của ông Trump nói rằng ngày hôm đó ông đã vận động cử tri tại Florida.
Thế nhưng những dữ kiện từ báo chí cho thấy trong ngày hôm đó thì ông Trump đã không bước ra ngoài thành phố New York. Trước cuối ngày, ông còn viết trên Twitter để hăm dọa bà Clinton, về việc hàng ngàn thư email của bà đã đi đâu mất và bà hãy coi chừng.
Vậy thì ông đã có biết gì chăng từ cuộc họp giữa con trai với bà luật sư Nga?