Vinasun lập luận GrabTaxi lợi dụng Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho hãng hơn 41 tỷ đồng nên khởi kiện.
Trong khi Vinasun cho rằng Grab vi phạm Quyết định 24 gây thiệt hại cho mình nên khởi kiện, đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hơn 41 tỷ đồng thì phía Grab nói cơ quan xét xử sẽ không thể đưa ra phán quyết hợp lý nào cho những đòi hỏi của Vinasun mà Grab cho rằng thiếu cơ sở.
Vinasun kiện đòi bồi thường 41 tỷ dựa trên cơ sở nào?
Vụ kiện của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (“Vinasun CORP.”) với Grab Việt Nam có nội dung “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Theo đơn khởi kiện (có bổ sung, thay đổi) ngày 15/11/2017 của Vinasun, Grab Việt Nam đã lợi dụng Quyết định số 24 của Bộ GTVT về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (gọi tắt là “Đề án 24”), thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi.
Lập luận của Vinasun, dù tự nhận là “Công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải”, Grab lại là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun. Do Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đã gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun và doanh nghiệp (DN) này khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 41,2 tỷ đồng. Hình thức là yêu cầu GrabTaxi bồi thường một lần.
Theo ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun, trước khi có sự xuất hiện của Grab, Uber, tăng trưởng của doanh nghiệp này luôn ở mức 2 con số. Từ khi có sự xuất hiện của Grab, cụ thể là từ thời điểm Grab được thực hiện thí điểm Quyết định 24, lợi nhuận của hãng này liên tục lao dốc.
Đến hết quý II/2017, hơn 8.000 lao động của Vinasun phải nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi. Vinasun dẫn chứng thêm: “Báo cáo dự án nghiên cứu những thiệt hại của Vinasun từ chương trình khuyến mãi của Uber Việt Nam và GrabTaxi” do Công ty Nghiên cứu thị trường – Quảng cáo NBQ thực hiện xác định tỷ lệ thiệt hại mà GrabTaxi gây ra cho Vinasun từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017 là 52,52%.
Thiệt hại này tương ứng số tiền là 39,9 tỷ đồng.
Đại diện Vinasun cho rằng thiệt hại của doanh nghiệp vì sự xuất hiện của Grab Taxi là rất lớn. Ảnh: Trương Khởi |
Vinasun cũng nói dựa trên văn bản của Sở GTVT TP.HCM, Grab có rất nhiều ưu thế hơn nếu tính từ thời điểm áp dụng thí điểm gọi xe hợp đồng. Tại thời điểm đó, Grab có gần 13.000 xe hoạt động, Vinasun chỉ có xấp xỉ 6.000 xe nhưng số thuế nộp ngân sách Nhà nước năm 2017 của Vinasun rất lớn, trong khi Grab chỉ nộp khoảng 10 tỷ đồng. Điều này là không công bằng và vi phạm các vi phạm các quy định về kinh doanh theo pháp luật Việt Nam.
Trong khi đó, trong văn bản gửi báo chí chiều 6/2, ngay sau phiên xử đầu tiên, Grab Việt Nam cho rằng việc một doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hay thua lỗ phụ thuộc vào chiến lược, chất lượng dịch vụ kinh doanh và quy định quản lý riêng của doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn hoá thị trường lớn như Vinasun, giả sử có giảm sút về doanh thu hoặc lợi nhuận, thì nên tập trung nghiên cứu, đổi mới cách thức kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý doanh nghiệp…. Việc đổ lỗi cho khách quan, có các thông tin sai lệch, bôi xấu các đơn vị khác và về bản chất là không hợp lý trong cơ chế thị trường và sự phát triển của nền kinh tế hiện đại, hướng đến công nghiệp 4.0”, thông cáo này nhấn mạnh.
Ai chịu trách nhiệm cho thiệt hại của Vinasun, Grab hay Bộ GTVT?
Tại phiên xử, luật sư Lưu Tiến Dũng, bảo vệ quyền lợi cho Grab, nói rằng phía Vinasun chưa đưa ra được chứng cứ chứng minh Grab có vi phạm các quy định của Nghị định 24 về thí điểm ứng dụng gọi xe hợp đồng. Đồng thời Vinasun không đưa ra được mối quan hệ nhân quả với Grab trong câu chuyện thiệt hại này cũng như cách tính toán thiệt hại.
“Nếu Vinasun cho rằng vì thực hiện thí điểm mà làm Vinasun bị thiệt hại thì phải đi kiện Bộ GTVT bằng vụ kiện khác. Grab nếu có vi phạm thì chỉ là vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh”, đại diện của Grab cho biết.
Đại diện Grab Taxi cho rằng đơn vị này chỉ thực hiện kinh doanh phần mềm công nghệ kết nối vận tải và không vi phạm quy định của pháp luật. Ảnh: Trương Khởi. |
Qua đó, Grab yêu cầu tòa hủy vụ kiện đòi bồi thường 41 tỷ đồng của Vinasun, hoặc nếu không hủy thì bác toàn bộ các yêu cầu của phía nguyên đơn.
Grab nói theo Quyết định 24, công ty này chỉ đơn thuần kinh doanh phần mềm kết nối xe, tức chỉ làm việc với đơn vị kinh doanh vận tải, cụ thể là các hợp tác xã (HTX) vận tải. Theo hợp đồng, Grab sẽ cài phần mềm gọi xe cho HTX và HTX thực hiện việc kết nối giữa hành khách và tài xế, thu tiền, trả phí cho Grab. Tiền mặt khách hàng trả theo từng chuyến đi là trả cho HTX, tiền trả qua thẻ cũng là trả vào tài khoản của HTX. Giá cũng do HTX đưa ra, Grab không quản lý giá cước cũng như các chương trình quảng cáo, khuyến mãi…
Luật sư Lưu Tiến Dũng, đại diện bảo vệ quyền lợi cho Grab, nói rằng hoạt động tốt của Grab là cho thị trường nên cơ quan quản lý Nhà nước mới cho phép hoạt động. “Nói chúng tôi vi phạm thì tại sao cơ quan quản lý Nhà nước không tuýt còi, trong khi chức năng của quản lý Nhà nước là làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý”, ông Dũng nói.
Luật sư này cũng nói rằng Grab có giá rẻ hơn là tốt cho thị trường, khách hàng có thêm lựa chọn. Vinasun mất khách, lợi nhuận giảm không phải lỗi của Grab mà vì khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, có xe sạch, sang hơn, tài xế chuyên nghiệp hơn, giá cạnh tranh hơn, tiếp cận dịch vụ công nghệ hiện đại hơn…
“Nếu có vi phạm thì Grab chỉ vi phạm hành chính về tổ chức thực hiện và chỉ phạt hành chính. Tôi không nghĩ cơ quan xét xử có thể đưa ra phán quyết hợp lý nào cho một đòi hỏi thiếu cơ sở của Vinasun”, ông Dũng khẳng định.
Grab kinh doanh taxi hay phần mềm kết nối?
Tuy nhiên, theo Vinasun thì thông tin Grab đưa ra hoàn toàn sai với thực tế DN này đang thực hiện. Grab hoạt động đúng như một doanh nghiệp kinh doanh taxi với các phần việc kết nối tài xế, điều xe, đưa ra mức giá cước, phí sự dụng phần mềm, thu tiền, đón khách và thực hiện các chương trình khuyến mãi, tăng giảm giá, cả việc thưởng phạt với tài xế và khách hàng… Đây là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi chứ không phải công ty kinh doanh phần mềm kết nối hành khách và HTX, mà HTX chỉ tồn tại trên giấy.
Tại tòa, Vinasun yêu cầu Grab đưa ra các hợp đồng ký kết cung ứng phần mềm cho HTX để chứng minh cũng như các hóa đơn chứng tỏ HTX vận tải thu tiền và trả phí cho Grab cũng như các chứng từ chứng minh Grab không phải đơn vị điều xe, áp dụng giá cước…
Phía Grab cho rằng các chương trình khuyến mãi chỉ tạo điều kiện cho khách hàng trải nghiệm. Ảnh: Trương Khởi |
Đại diện Grab Taxi không trả lời những câu hỏi cụ thể của Vinasun, cũng không đưa ra các chứng cứ chứng minh doanh nghiệp không hoạt động vận tải như Vinasun cáo buộc, mà cho rằng đây là bí mật kinh doanh.
Trong khi đó, luật sư cũng yêu cầu đại diện Grab thực hiện gọi một cuốc xe để khẳng định HTX vận tải quyết định giá cước, khuyến mãi… đại diện Grab nói app mình cài là cá nhân, không thể sử dụng tại tòa.
Tại sao chỉ Grab bị kiện vi phạm Luật giá, khuyến mãi?
Về khuyến mãi, Vinasun cho rằng Grab đã tự ý khuyến mãi liên tục, khuyến mãi chồng khuyến mãi, trong khi theo quy định của pháp luật thì các chương trình khuyến mãi đều phải đăng ký trước theo quy định. Ngoài ra, theo quy định thì một đợt khuyến mãi không kéo dài quá 45 ngày, cũng như không hơn 90 ngày trong năm. Khuyến mãi cũng áp dụng chung mức giá cho từng nhóm hàng và không vượt 50%.
Tuy nhiên, Grab đã áp dụng khuyến mãi liên tục và không có báo cáo. Các khuyến mãi này được áp dụng với riêng từng chuyến đi, từng nhóm khách hàng cho cùng một đoạn đường, thậm chí nhiều khuyến mãi được thực hiện vượt 50%, có những chuyến đi áp dụng khuyến mãi 100%, tức chuyến 0 đồng.
Cụ thể, Vi bằng lập ngày 16/11/2017 của Thừa phát lại Bình Tân ghi nhận có 40 chương trình khuyến mãi của GrabTaxi được gửi đến khách hàng từ ngày 17/11/2016-15/12/2016 không nằm trong 27 chương trình đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM. Hành vi khuyến mại của GrabTaxi đã vi phạm điều 101 Luật Thương mại; điều 4, điều 39 Luật Cạnh tranh.
Trong khi đó, văn bản Sở Công Thương TP.HCM trả lời TAND TP.HCM về cung cấp các chương trình khuyến mãi của Grab Việt Nam, từ đầu năm 2016 đến tháng 10/2017, Sở Công Thương TP.HCM tiếp nhận 24 hồ sơ thông báo khuyến mãi, 3 hồ sơ đăng ký khuyến mại, tổng cộng là 27 chương trình.
Vinasun nói Grab vi phạm quy định về hoạt động xúc tiến thương mại. Đó là lợi dụng việc thực hiện thí điểm Quyết định 24 tự cho mình quyền tăng, giảm giá cước nhiều lần trong ngày, gây náo loạn thị trường. Việc tùy tiện tăng giảm giá vi phạm Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 04/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
Từ những nội dung nêu trên cho thấy Grab không phải là “Nhà cung cấp dịch vụ vận tải”, đánh tráo khái niệm để né tránh các điều kiện kinh doanh theo luật định, lách luật, trốn thuế.
Tại phiên tòa, Grab “so bì” vì sao Uber và các đơn vị ứng dụng phần mềm gọi xe khác cũng hoạt động như mình nhưng Vinasun chỉ khảo sát và khởi kiện Grab.
Ngoài ra, phía Grab cũng “nói lại” là chính Grab thu tiền của khách hàng theo từng chuyến đi chứ không phải HTX và đây là thỏa thuận thu hộ cho HTX.