Làng Đại Hoàng, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam nổi tiếng xưa nay với món cá kho truyền thống. Mỗi dịp tết đến xuân về những gia đình có truyền thống làm cá khó lại tất bật với nồi niêu củi lửa.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”nhac xuan” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” theme=”phim”] Nguyên liệu duy nhất được dùng để chế biến món cá kho là loại cá trắm đen có trọng lượng từ 3,5kg trở lên, để có được nguồn cung cấp cá trắm đen thường xuyên, các cơ sở chế biến cá kho phải liên kết với các hộ chăn nuôi cá ở các vùng lân cận.
Để có được những nồi cá kho người làm nghề phải trải qua rất nhiều công đoạn. Người dân chỉ dùng duy nhất một lại củi để kho cá, đó là củi nhãn. Một năm cơ sở chế biến cá kho của ông Luận phải mua từ 45 đến 60 tấn củi nhãn của những người chuyên đi rong cành nhãn. Còn niêu để đựng cá khi kho thì phải đặt mua từ các tỉnh miền trong.
Năm nay, mức giá mỗi nồi cá kho gần như không tăng so với các năm trước. Niêu đất 1 kg giá 400.000-450.000 đồng, 2kg giá 600.000 đồng, đắt nhất là niêu cá kho 4,5kg với giá 1,1 triệu đồng. Mức giá nói trên đã bao gồm tiền vận chuyển cho khách hàng tại khu vực Hà Nội. Đối với những khu vực xa hơn như miền trung hay TP HCM thì sẽ đắt hơn từ 100 đến 200 nghìn do kinh phí vận chuyển.
Chủ một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng cá kho tại làng Đại Hoàng cho biết, năm nay số niêu cá cơ sở này tung ra bán trong dịp Tết khoảng 4.000 – 5.000 niêu, nhiều hơn khoảng 1.000 niêu so với dịp Tết Quý Tỵ. “Chỉ tính sơ sơ, với mức giá bán ra 900.000 đồng/niêu 3,5kg, nếu bán hết 4.000-5.000 niêu như mọi năm, số tiền thu về ước đạt trên dưới 4 tỷ đồng”, chủ cơ sở này khẳng định.
“Nóng hổi” nghề vàng mã cuối năm
Không quảng cáo, không tiếp thị, hàng hóa sản xuất không cần qua khâu kiểm tra chất lượng, không sợ vi phạm bản quyền,… nhưng các loại hàng mã luôn bán chạy và cháy hàng trong dịp cận tết. Giá cả không quan trọng, điều duy nhất người mua cần là… giống như thật.
Như đã thành tục lệ, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là nhà nào cũng sắm đủ một bộ mã đầy đủ để cúng Ông Công, Ông Táo. Một bộ mã đầy đủ sẽ gồm 3 áo, 3 mũ, 3 giày và 3 cá chép cho một Táo bà và 2 Táo ông có giá từ 30 – 40 ngàn đồng.
Với quan niệm “trần sao âm vậy”, những ngày này, thị trường hàng mã nhộn nhịp. Thu hút nhiều khách nhất là những mặt hàng sành điệu như: nhà lầu, xe hơi, điện thoại,…
Dù chỉ là đồ mua về để đốt nhưng tất cả những mặt hàng này đều được gắn các thương hiệu nổi tiếng như túi xách LV, giày Gucci, laptop Apple, ô tô Maybach,… Vài mảnh giấy ghép lại nhưng khi gắn mác hàng hiệu vào, giá của những sản phẩm này cũng được nâng tầm.
Hàng năm, theo thống kê chưa đầy đủ đã có hàng chục tấn giấy và các phụ liệu, hàng ngàn ngày công lao động để có những sản phẩm có giá trị để rồi sau đó tan theo mây khói.
Nghề làm vật dụng trang trí Tết
Những bảng chữ như chúc mừng năm mới, vạn sự như ý; các câu liễn, câu đối trên nền giấy, nhựa hay gỗ được dập, khắc, chạm cầu kỳ; thỏi vàng, dây pháo nổ, đồng tiền vàng, nụ hoa mai vàng giả, hình mẫu thần tài ông địa, đôi bé trai gái mặc trang phục cổ truyền,… là những mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất mỗi dịp Tết đến xuân về.
Bà Diệp Minh Vân (60 tuổi, ngụ Quận 5) chia sẻ, cứ mỗi dịp Tết đến là gia đình bà, trai gái lớn nhỏ đều bắt tay vào làm việc cật lực với ngành nghề thủ công, cắt dán, tạo hình, tô vẽ các loại đồ vật bằng giấy, nhựa được xem là những linh vật, bửu bối, biểu tượng không thể thiếu của năm.
“Với ngành nghề này, có gia đình thu nhập kiếm lợi nhuận từ 50 triệu đến hơn 100 triệu đồng vào những ngày tháng cuối năm” – bà Vân tiết lộ.
Mở cửa cách đây được một tuần lễ, gian hàng ông Mã Thân Đạt (ngụ Hồng Bàng, Q.6) có nhiều kiểu lọ hoa giả do chính tay ông “cắm” tạo ra. Do lượng khách quen đặt hàng từ trước nên những ngày này ông Đạt phải tranh thủ làm ngày làm đêm để kịp giao hàng.
Vẫn còn đậm chất giọng người Hoa, ông Đạt nói lơ lớ tiếng Việt : “Ngộ (tôi) làm nghề này gần mấy chục năm rồi, cái nghề này ngộ tự học rồi tự tìm tòi, sáng tạo ra nhiều cái mới mà không theo một công thức nào. Đẹp hay không là ở cái đầu của mình, biết được thị hiếu khách hàng, góp ý mình lắng nghe, rút kinh nghiệm, với lại giá cả ở đây rất cạnh tranh nên hàng bán cũng chạy lắm”.
Ông Đạt đưa ra tập album với hình ảnh các loại hoa, có nhiều kiểu cắm, tên gọi khác nhau, giá dao động từ 50.000 đồng, vài trăm cho đến 4-5 triệu đồng/lọ. Khi khách hàng nào chọn mã số nào thì ông Đạt sẽ làm theo yêu cầu đó, thời gian giao trong ngày.
Dịch vụ dọn nhà ngày Tết
Dọn dẹp nhà cửa đón Tết là việc cần làm, tuy nhiên với cuộc sống công nghiệp hiện nay, không phải ai cũng có thời gian. Càng những ngày giáp Tết, dịch vụ dọn dẹp nhà cửa được rất nhiều gia đình tìm đến ở nhiều địa điểm khác nhau.
Bên cạnh việc tìm người ở các chợ lao động, nhiều khách hàng đã tìm đến các công ty cung cấp dịch vụ dọn nhà để thuê người về dọn nhà, công ty, văn phòng. Những người làm công việc này thường ở độ tuổi từ 25 – 50. Họ được trang bị từ máy lau nhà 360 độ, máy hút bụi, dung dịch tẩy rửa cho tới các thiết bị làm sạch khác.
Năm nay, giá dịch vụ vệ sinh theo phòng dao động từ 1 triệu đồng đến 1,2 triệu đồng/40m2. Hợp đồng thuê dọn nhà theo giờ chủ yếu là các cơ quan, công ty, còn lại phần lớn là người dân thuê dọn nhà theo diện tích phòng.
Nghề đồng nát
Tết đang đến rất gần, nhiều gia đình bắt đầu tổng vệ sinh nhà cửa đón năm mới. Những thiết bị, đồ gia dụng hỏng, cũ được các gia đình thu dọn để bán đồng nát và đây là thời điểm làm ăn tốt nhất trong năm cho những người làm nghề thu mua phế liệu. Mặc dù đã sát Tết, nhưng tiếng rao của những người thu mua phế liệu vẫn văng vẳng ở đầu đường, cuối phố.
Không chỉ có giấy vụn, nhựa, đồng, nhôm, sắt vụn,… mà có cả đồ điện tử cũ, hỏng cũng được nhiều gia đình bán tống bán tháo cho gọn nhà. Nhờ vậy mà những người thu mua đồ điện cũ, hỏng cũng ăn nên làm ra vào những ngày cận Tết.
Lan Anh (Theo Báo Đất Việt)