Khi cạnh tranh đồng nghiệp Mỹ sẽ tìm cách làm tốt nhất có thể còn đồng nghiệp Việt sẽ tìm cách dìm hàng đối phương.
Người Mỹ nghĩ thẳng, người Việt nghĩ cong
“Khi cạnh tranh đồng nghiệp Mỹ sẽ tìm cách làm tốt nhất có thể còn đồng nghiệp Việt sẽ tìm cách dìm hàng đối phương” – là một trong những so sánh thú vị về môi trường làm việc ở Mỹ và Việt Nam.
Hai thái cực đối lập
Chị Hannah Nguyen, hiện đang sống ở Washington, Mỹ chia sẻ về những điểm khách nhau giữa làm việc ở Mỹ và Việt Nam. Chị Hannah có 4 năm làm việc ở Việt Nam, 10 năm làm việc ở Mỹ:
– Khi làm việc ở Mỹ áp lực chính là vì công việc, khi làm việc ở Việt Nam áp lực chính là vì con người.
– Trong môi trường làm việc người Mỹ không quan tâm đến đời sống riêng của mỗi người, mà chỉ quan tâm đến năng lực trong công việc. Điển hình là bạn đồng nghiệp của mình hồi trước làm chung 2 năm mà mình hoàn toàn không biết gì về gia đình bạn ấy mà chỉ biết là bạn ấy sinh ở Beirut (Thủ đô Li Băng).
Trong môi trường ở Việt Nam thì làm việc dựa mối quan hệ tình cảm nhiều hơn là năng lực. Hồi xưa có một em nhân viên làm trong nhóm nấu ăn ngon mà mình không biết thì một chị đồng nghiệp ngạc nhiên bảo là “Ơ, nhân viên của em mà em không biết à? Làm Sếp là phải hiểu rõ đời sống con người ta chứ.” Hồi xưa lúc mình mới về Việt Nam không đi ăn trưa chung với các đồng nghiệp thì được nhân sự nhắc nhở là phải đi ăn cho hòa đồng.
Người Mỹ cảm kích khi được người khác góp ý, người Việt cảm thấy bị tổn thương. |
– Khi được giao việc người Mỹ sẽ không những hoàn thành tốt mà sẽ làm sao cho ấn tượng với Sếp mình, người Việt sẽ làm sao cho xong việc.
– Đồng nghiệp Mỹ có thể bất đồng quan điểm rồi cãi nhau chí chóe để ra được cách giải quyết tốt nhất và sau đó lại bắt tay nhau đi uống bia sau giờ làm. Đồng nghiệp Việt khi bất đồng quan điểm hay ghim trong lòng và đi nói xấu nhau.
– Người Mỹ cảm kích khi được người khác góp ý, người Việt cảm thấy bị tổn thương.
– Người Mỹ nói A là A, còn người Việt nói A có thể là B hoặc C.
– Khi cạnh tranh đồng nghiệp Mỹ sẽ tìm cách làm tốt nhất có thể còn đồng nghiệp Việt sẽ tìm cách dìm hàng đối phương.
“Đây là mình để ý thấy chung chung thôi, đương nhiên không phải ai cũng thế. Đừng ném đá vì nghĩ mình chê bai người Việt nhé. Thật sự người Việt mình thông minh không thua một nước nào trên thế giới, bằng chứng là có rất nhiều người giỏi được cả thế giới công nhận. Nhưng hiện tại năng suất và chất lượng công việc của nước mình còn kém hơn nhiều nước lân cận và theo mình nghĩ lý do chính là vì tư duy làm việc. Khi tư duy tích cực thì kết quả cũng tích cực, và ngược lại?”, chị Hannah Nguyen chia sẻ.
Đau não vì làm việc ở Việt Nam
Rất nhiều người đồng tình với nhận xét của chị Hannah Nguyen, nhiều người còn bổ sung các so sánh, nhận xét độc đáo. Dưới đây là những ý kiến bổ sung của độc giả.
– Người nước ngoài hích làm việc đúng giờ, xong giờ là xong việc, người Việt có thể cày thâu đêm, bất kể, lạm dụng luôn cả giờ cá nhân, cuối tuần, ngày nghỉ…
– Người nước ngoài thích tách công việc và cá nhân. Có thể vui vẻ, nhưng luôn khoảng cách nhất định. Người Việt thì thích kiểu gia đình, chung vui và cái chi cũng chung. Khi đụng chuyện thì rõ ràng dễ xích mích.
– Người nước ngoài suy nghĩ thẳng. Người Việt suy nghĩ cong. Nên đôi khi mình thấy họ quá đơn giản. Thật ra, họ đi thẳng vô vấn đề hơn mình, còn mình thì giỏi linh hoạt, léo lắt để xử việc.
Người Việt ghét ai là tìm cách “dìm hàng”, lôi kéo người khác cùng nói xấu |
– Người Việt làm việc một mình thì giỏi, nhưng làm việc trong một tập thể thì…. hơi dở.
– Tính kỷ luật của nhân viên Việt Nam rất kém, kém hơn người Mỹ, người Nhật, người Hàn và thậm chí kém hơn cả người Trung Quốc . Mặc dù thông minh có thể không kém hơn .
– Nhân viên Việt Nam lai rai làm cốc trà, điếu thuốc lá, cốc cà phê trong giờ làm việc, đi trễ về sớm một tý nghĩ đó là bình thường, tuy nhiên đối với nước ngoài đó là hành vi ăn cắp thời gian làm việc, tương đương với việc ăn cắp tiền của công ty.
– Tính cách hợp tách làm việc theo nhóm của nhân viên Việt Nam cũng kém, khác với Mỹ, mỗi người làm một mảng, hoàn toàn tin tưởng nhau đến lúc cuối rắp lại hoàn thành sản phẩm.
– Ai đi du học về làm ở Việt Nam đều đau não và nhũng não vì đặt nặng tình cảm trong công việc. Tôi từng bị một chị đại diện công đoàn gặp riêng và đề nghị anh nên cải thiện và hòa đồng với nhân viên.
– Người Việt ở trong nước hay ngoài nước đều quen như vậy! Vào một chỗ làm mới toàn người Việt. Đầu tiên sẽ được 1 -2 nhóm người tiếp cận và rủ bạn về phe họ. Họ thích chia phe. Nếu ba chợp ba nháng theo cảm tính hùa vô nói xấu phe còn lại, rồi 1 thời gian sau mới xác định phe kia mới thật ra là phe chính diện. Bạn sẽ bị phe phản diện nắm thóp vì đã từng cùng họ nói xấu phe còn lại. Nên làm chỗ Việt Nam là phải giữ mồm giữ miệng và quan sát. Và thái độ trung lập tại chỗ làm cũng khiến cho xóm nhà lá ghét mình rồi tìm cách hãm hại. Còn làm với tụi Tây, quan sát xem chẳng bao giờ họ nói xấu nhau. Mặc dù rõ ràng có thể đồng nghiệp A ghét B nhưng họ rất văn minh, ngoài mặt vẫn lịch sự. Chứ không lê la rủ thẳng C, D ghét thằng B chung với mình.
– Không riêng gì trong công việc, trong học tập cũng đầy rẫy. Ngồi cùng một lớp, mấy đứa Việt Nam thì lúc nào cũng quan trọng điểm số, nên cứ mượn bài mượn vở chép cho đã, đứa thì hỏi xem ông thầy có dễ không để chép phao. Trong khi mấy thằng bạn Mỹ thì chỉ hỏi xem cách làm bài để họ tự làm ra kết quả đúng. Đa số nhiều người Việt mình hay chọn đường tắt nhanh để hoàn thành công việc hơn là suy tính kĩ càng và làm thật tốt.
K. Minh (tổng hợp)