Đối diện với sức ép lớn từ gia đình, hàng xóm mỗi dịp Tết, người đồng tính Trung Quốc chọn cách kết hôn giả. Song điều đó không khiến cuộc sống của họ “dễ thở” hơn.
Cũng như mọi năm, tháng này Tiger Zhao lại rời Bắc Kinh nơi anh làm việc để về quê ăn Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, năm nay anh sẽ không đi cùng một người vợ giả.
Phần lớn thời gian trưởng thành, anh Zhao, một người đồng tính, phải che giấu xu hướng tính dục của mình để làm vui lòng cha mẹ. Anh tìm và cưới một phụ nữ đồng tính, người cũng có nhu cầu tương tự. Tại Trung Quốc, chuyện này được gọi là “hôn nhân hợp tác” hoặc “hôn nhân oải hương”.
Giờ đây, ở tuổi 39, anh đã ly hôn và về nhà ăn tết một mình. Zhao sẵn sàng đối diện với những câu hỏi gây ám ảnh nhiều người trẻ Trung Quốc như “tại sao không kết hôn” hay “có con chưa” theo nhiều giọng điệu khác nhau.
Hôn nhân oải hương
Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm tại Trung Quốc khi hàng trăm triệu người bắt đầu hành trình “xuân vận” để trở về đoàn viên với gia đình. Song đây cũng là thời gian mà cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) ở nước này phải đối mặt với sức ép lớn từ gia đình, họ hàng.
Chính sách mới của chính phủ về việc khuyến khích sinh đẻ củng cố quan điểm truyền thống về việc kết hôn. Hầu hết cha mẹ mong muốn con cái cưới người khác giới và sinh cho họ những đứa cháu.
Một nhóm bạn trẻ tại lễ hội tự hào đồng tính thường niên lần thứ chín ở Thượng Hải vào tháng 6/2017. Ảnh: Getty. |
Điều này khiến xu hướng kết hôn giả ngày càng nở rộ. Đối với một số người, đây là cách để tạm thời làm yên lòng cha mẹ. Một số người khác kết hôn để sinh con vì Trung Quốc không công nhận hôn nhân đồng giới, nên gần như không thể làm cha mẹ hợp pháp nếu không kết hôn.
Không có con số thống kê đáng tin cậy về số vụ kết hôn giả vì mọi người thường không nói về chuyện này. Song hiện tượng phổ biến đến nỗi có những sự kiện mai mối gay và les (đồng tính nam, nữ) cũng như những diễn đàn trực tuyến về việc kết hôn giả. Mới đây, ứng dụng về “hôn nhân oải hương” Queers cũng được giới thiệu.
Ứng dụng này sau đó phải đóng cửa vì không có doanh thu nhưng người sáng lập, Liao Zhuoying, nói anh vẫn nhận được đề nghị giúp đỡ từ các khách hàng cũ.
“Hàng năm, người dùng vẫn gửi email hỏi chúng tôi rằng ‘các bạn có thể tìm giúp một phụ nữ đồng tính để tôi dẫn về nhà dịp tết này không'”, anh nói.
“Tôi không mong đợi đến Tết như tôi từng mong”, anh Zhao nói. Anh đề nghị dùng tên tiếng Anh vì anh chưa “come out” (công khai xu hướng tính dục) với cha mẹ hay đồng nghiệp. “Có rất nhiều áp lực và bạn không biết phải nói gì”.
Nỗi ám ảnh ‘bao giờ lấy vợ’
Anh Zhao chưa từng nghĩ sẽ cưới một cô gái. Anh thích đàn ông. Song cho tới khi anh 35 tuổi, dường như anh không có sự lựa chọn nào khác.
Lớn lên tại vùng đồng bằng Hoa Bắc vào những năm 1980, anh chưa từng nghe nói đến từ “đồng tính”. Anh nhận ra anh là gay từ khi học đại học, nhưng phải đến khi các dịch vụ trò chuyện trực tuyến ra đời anh mới có thể kết nối với đàn ông. Sau đó, khi sinh sống tại thành phố, anh bắt đầu hẹn hò bí mật.
Những năm trước tuổi 30, áp lực kết hôn đè nặng. Mỗi khi anh về quê, mọi người sẽ ép anh lập gia đình. “Họ nói rằng ‘cháu đã 28 rồi, cháu đã 30 rồi, bạn bè cháu đều đã lấy vợ sinh con cả rồi'”, anh kể.
Anh không thấy mình có thể nói với cha mẹ. Anh không muốn làm họ thất vọng hay khiến họ lo lắng về việc không có cháu trai.
Nhiều người đồng tính Trung Quốc chọn cách kết hôn giả để giảm áp lực từ người thân. Ảnh: Getty. |
Nhiều người cũng cảm thấy tương tự. Trong hàng thập kỷ từ khi Trung Quốc phi hình sự hóa hôn nhân đồng giới, cộng đồng LGBT đã đấu tranh và tìm cách để tự do và được chấp nhận, nhất là tại các thành phố lớn.
Tuy nhiên, tương đối ít người cảm thấy an toàn khi công khai xu hướng tính dục. Theo một khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vào năm 2016, chỉ 5% các cộng đồng thiểu số về giới tại Trung Quốc công khai xu hướng tính dục, bản dạng giới hay thể hiện giới tại trường học, nơi làm việc hay tại các cơ sở tôn giáo.
Chỉ 15% cảm thấy họ có thể thoải mái chia sẻ với các thành viên trong gia đình.
Áp lực không chỉ đến từ cha mẹ mà còn từ bà con, hàng xóm.
“Khi họ hàng và bạn bè gặp nhau trong dịp Tết, chủ đề phổ biến nhất của thế hệ bố mẹ chúng tôi là tình trạng hôn nhân của con cái họ”, một nhà hoạt động vì quyền của người LGBT tại Bắc Kinh nói.
Patrick, 30 tuổi, làm việc tại Bắc Kinh, từng lấy hết can đảm để nói với cha mẹ rằng anh thích đàn ông. Sau đó, cha mẹ đưa anh đi bác sĩ để điều trị và ép anh giữ bí mật về xu hướng tính dục.
“Họ vẫn hy vọng tôi có thể thay đổi, rằng nếu tôi lấy vợ, sống với một cô gái, thì tôi sẽ thay đổi”, anh nói. Năm ngoái, anh dẫn một bạn là nữ giới về nhà trong kỳ nghỉ Tết. Họ giả vờ yêu nhau trước mặt những người họ hàng và bạn bè cũ của Patrick. Cha mẹ anh cảm thấy vui vì điều này.
Tuy nhiên năm nay, người bạn đó có kế hoạch khác. Patrick định nói với mọi người, bao gồm cả cha mẹ, rằng “bạn gái” anh bận việc. “Tôi không thể nói với họ rằng chúng tôi chia tay”, anh nói. “Có lẽ là năm tới”.
‘Tôi vẫn gặp ác mộng’
Sau gần chục năm với những chuyến về quê ám ảnh, Zhao bắt đầu lên các diễn đàn kết hôn giả, tìm một người phụ nữ đồng tính để cưới.
Vì số lượng đàn ông đồng tính tìm phụ nữ đồng tính để kết hôn nhiều hơn chiều ngược lại, anh Zhao phải mất một thời gian mới tìm được người phù hợp. Họ gặp nhau 3 lần trước khi làm đám cưới.
Năm sau lễ cưới, anh Zhao trải qua một cái tết yên bình. Cha mẹ anh hào hứng ra mặt còn hàng xóm cũng bớt hỏi han.
Song sau Tết, anh bắt đầu khổ sở khi hai “vợ chồng” sống chung. Họ tranh cãi về mọi thứ từ việc nhà cho đến việc về thăm cha mẹ cho đến việc sinh con.
Chẳng những không giúp anh Zhao bớt cô độc, cuộc hôn nhân càng khiến điều đó trở nên sâu sắc hơn.
Một người đàn ông đồng tính 32 tuổi có 2 năm chung số với người vợ hờ nói rằng ngày anh kết hôn, anh cảm thấy mình như bức tượng nhỏ đặt trên chiếc bánh cưới. Anh yêu cầu dùng biệt danh, Kong Qi.
“Chúng tôi cần cuộc hôn nhân”, anh nói. “Và mọi người xung quanh chúng tôi cũng cần cuộc hôn nhân, nhưng chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì cả”.
Hai người đồng tính nữ tại Thẩm Dương, miền Bắc Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Cả Kong và Zhao đều mô tả việc kết hôn và sống chung với phụ nữ là giai đoạn đau khổ và cô đơn nhất trong đời họ. Đã có lúc Zhao nghĩ đến chuyện tự tử. “Tôi vẫn gặp ác mộng vì việc này”, anh nói.
Vấn đề là nếu thành thật, anh có thể gặp nguy hiểm. Li Yue, một điều phối viên tại Trung tâm Can thiệp Bạo lực Chống Phân biệt giới Cầu Vồng tại Bắc Kinh nói việc một người “come out” trong dịp tết và bị bạo hành về thể xác hoặc tinh thần là chuyện phổ biến. Các bậc cha mẹ thậm chí còn đưa con đi điều trị tâm lý.
Zhao, người ly hôn cách đây 2 năm, hiểu mọi lý do mà người ta muốn lấy nhau để điều này không xảy ra. Song anh nói anh đã học được bài học rằng nếu kết hôn với một người bạn không biết hoặc không yêu thì nỗi đau sẽ chỉ trầm trọng thêm, chứ không hề giảm bớt.
Anh vẫn chưa nói cho cha mẹ biết về bí mật của mình. Cha anh đau ốm và anh không muốn gây áp lực cho ông, đặc biệt là vào thời gian này trong năm.
Song anh đang chờ đợi cho đến ngày anh sẽ nói ra. “Có lẽ họ sẽ không hiểu điều đó nghĩa là gì”, anh nói. “Nhưng họ sẽ vẫn yêu thương tôi”.