TTO – Giới phân tích cho rằng tuyên bố áp thuế mới lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1-9 của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng hai nước cùng chịu thiệt hại.
Người Mỹ hoang mang
Ngay sau loạt tweet gây chấn động thông báo Mỹ sẽ áp gói thuế bổ sung 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ ngày 1-9 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những phát biểu trấn an người dân Mỹ.
“Hoàn toàn không có lạm phát và thật lòng mà nói, gói thuế cũng không khiến người tiêu dùng của chúng ta (Mỹ) mất mát bất kỳ thứ gì. Trung Quốc mới mất mát” – ông Trump nói với các phóng viên khi ông lên đường tham gia chiến dịch vận động tranh cử ở thành phố Cincinnati, bang Ohio ngày 1-8 (giờ Mỹ).
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích gói thuế mới đề xuất của ông Trump thật sự là tin xấu với người tiêu dùng Mỹ. Theo Hãng tin AFP, các gói thuế trước đây được ông Trump áp dụng với Trung Quốc chỉ là một “tai họa vụt qua”, nhưng gói thuế lần này sẽ khác.
“Gói thuế mới đánh thẳng vào người tiêu dùng. Đây đều là những sản phẩm đã được hoàn thiện, không phải là nguyên liệu thô” – ông Steve Pasierb, chủ tịch Hiệp hội Đồ chơi (TA) của Mỹ, nhận định.
Các sản phẩm có thể sẽ chịu mức thuế bổ sung trên gồm máy sấy tóc, tivi màn hình phẳng, giày thể thao, điện thoại, laptop, đồ chơi…
Với gói thuế mới, gần như toàn bộ hàng hóa nhập từ Trung Quốc sẽ chịu thuế nhập khẩu bổ sung của Mỹ. Ông Trump nói rằng chúng sẽ tạo ra hàng tỉ USD thu nhập cho Bộ Tài chính Mỹ nhờ vào tiền thuế từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, đó không phải là cách thức hoạt động của thuế quan, theo Hãng tin Reuters. Chính phủ và các công ty Trung Quốc sẽ không chi trả thuế quan Mỹ trực tiếp. Thuế quan là thuế đánh lên các hàng nhập khẩu và sẽ được chi trả bởi các công ty đăng ký ở Mỹ cho hải quan Mỹ khi hàng hóa đi vào nước Mỹ.
Các nhà nhập khẩu này thông thường sẽ chuyển các chi phí từ thuế quan sang cho khách hàng gánh – mà trong trường hợp này là người tiêu dùng ở Mỹ – bằng cách nâng giá hàng hóa.
“Thuế quan là khoản thuế đánh vào người tiêu dùng Mỹ. Quyết định của Tổng thống Trump khi tăng thêm chi phí cho các gia đình lao động vất vả ở Mỹ thật sự gây sốc” – ông Rick Helfenbein, chủ tịch Hiệp hội Quần áo và giày dép Mỹ (AAFA), bình luận.
Đó là lý do ngay sau khi ông Trump công bố áp gói thuế bổ sung 10%, các nhà bán lẻ của Mỹ đã chỉ trích đây là “một đợt tăng thuế khác lên các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ”.
Họ cảnh báo động thái này sẽ đe dọa tới việc làm và khiến các gia đình ở Mỹ phải chi trả nhiều hơn.
“Các gia đình Mỹ không nên là con tốt trong cuộc chiến thương mại này. Tuyên bố của ông Trump hôm nay sẽ chỉ khiến chúng ta trở thành những người tiêu dùng chịu mũi dùi thương đau” – bà Hun Quach, phó chủ tịch thương mại quốc tế của Hiệp hội Các nhà lãnh đạo công nghiệp bán lẻ Mỹ, tuyên bố.
Mỹ săn tìm nguồn cung khác?
Tuy vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng là bên chịu thiệt một khi đợt áp thuế mới của ông Trump chính thức có hiệu lực.
Các nhà cung cấp của Trung Quốc cũng gánh một số chi phí từ thuế quan Mỹ theo các cách gián tiếp. Chẳng hạn, các nhà xuất khẩu đôi lúc có thể bán hạ giá cho các nhà nhập khẩu để giúp thanh toán khoản thuế nhập khẩu cao, duy trì các hợp đồng và quan hệ làm ăn.
Với mức thuế nhập khẩu tăng được Mỹ áp dụng, các công ty Trung Quốc đang mất nhiều mối làm ăn khi các nhà nhập khẩu Mỹ săn tìm các nguồn cung rẻ hơn hoặc thậm chí miễn thuế ở các nước khác.
Chính ông Trump và các thành viên cấp cao trong nội các của ông cũng cho biết những đòn thuế của Mỹ đang khiến nhiều công ty di dời nhà máy khỏi Trung Quốc sang những nước khác để né thuế.
“Chúng tôi ủng hộ mục tiêu của chính quyền ông Trump nhằm tái tổ chức quan hệ thương mại Mỹ – Trung. Nhưng chúng tôi thất vọng khi chính quyền tiếp tục làm như vậy dựa trên một chiến lược thuế quan có lỗ hổng” – phó chủ tịch David French tại Liên đoàn Bán lẻ quốc gia (NRF) ở Mỹ chia sẻ.
Theo trang Washington Examiner, năm ngoái Mỹ đã nhập khẩu số hàng hóa Trung Quốc trị giá 540 tỉ USD, trong khi đó chỉ xuất sang Trung Quốc số hàng hóa trị giá 120 tỉ USD. Vấn đề thâm hụt thương mại này là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến ông Trump có các bước đi mạnh tay với Bắc Kinh.
Ông Trump từng đe dọa áp thêm 10% thuế quan lên số hàng hóa còn lại của Trung Quốc sau khi cuộc đàm phán thương mại song phương rơi vào bế tắc hồi tháng 5. Sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản cuối tháng 6, ông Trump đã tuyên bố tạm hoãn áp thuế.
Tuy nhiên, động thái mới nhất phần nào cho thấy ông Trump đã không hài lòng với Trung Quốc. Không rõ kết quả của cuộc đàm phán trực diện giữa các quan chức cấp cao hai bên ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào cuối tháng 7 vừa qua có phải là nguyên nhân dẫn tới quyết định của ông Trump hay không.
Hiện Trung Quốc có thêm 4 tuần để quyết định liệu sẽ chốt thỏa thuận thương mại với Mỹ hay không, nếu không đòn thuế mới sẽ chính thức có hiệu lực.
Ông Trump: Trung Quốc trả Mỹ chục tỉ đô, dân Mỹ không tốn xu nào
TTO – Tổng thống Trump tiếp tục trấn an người tiêu dùng khi tuyên bố Trung Quốc đang trả cho Mỹ hàng chục tỉ USD và rằng người tiêu dùng nước này không mất mát gì. Ông nói: “Mọi thứ đang diễn ra rất tốt đẹp liên quan tới vấn đề Trung Quốc”.
“Mọi thứ đang diễn ra rất tốt đẹp liên quan tới vấn đề Trung Quốc. Họ (Trung Quốc) đang trả cho chúng ta (Mỹ) hàng chục tỉ USD, có thể nhờ vào việc họ bị mất giá tiền tệ và bơm lượng lớn tiền mặt để duy trì hệ thống của họ” – Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter hôm nay (3-8).
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: “Cho đến nay, người tiêu dùng của chúng ta không phải trả gì cả và cũng không có lạm phát. Không cần sự giúp đỡ từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ!”.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump tuyên bố Trung Quốc mất mát một lượng tiền lớn và người dân Mỹ không mất mát gì trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Hôm 1-8 (giờ Mỹ), ngay sau loạt tweet gây chấn động thông báo Mỹ sẽ áp gói thuế mới lên hàng Trung Quốc, ông Trump cũng tuyên bố: “Hoàn toàn không có lạm phát và thật lòng mà nói, gói thuế mới cũng không khiến người tiêu dùng của chúng ta (Mỹ) mất mát bất kỳ thứ gì. Trung Quốc mới mất mát”.
Cũng đăng trên Twitter ngày 3-8, Tổng thống Trump cho biết: nhiều nước đang muốn đàm phán các thỏa thuận thương mại thực chất với Mỹ. Ông giải thích: “Họ không muốn bị Mỹ nhắm thuế”.
Thương chiến Mỹ – Trung đã tăng lên cấp mới sau khi ông Trump tuyên bố sẽ áp gói thuế bổ sung 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ ngày 1-9 tới. Như vậy, hơn 500 tỉ USD hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ sẽ chịu các gói thuế nhập khẩu bổ sung.
Đáp trả, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 2-8 tuyên bố: Bắc Kinh không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng sẵn sàng tham chiến, đồng thời dọa sẽ có biện pháp đáp trả cần thiết.
Các chuyên gia cho biết chính phủ và các công ty Trung Quốc sẽ không chi trả thuế quan Mỹ trực tiếp. Thuế quan là thuế đánh lên các hàng nhập khẩu và sẽ được chi trả bởi các công ty đăng ký ở Mỹ cho hải quan Mỹ khi hàng hóa đi vào nước Mỹ.
Các nhà nhập khẩu này thông thường sẽ chuyển các chi phí từ thuế quan sang cho khách hàng gánh – mà trong trường hợp này là người tiêu dùng ở Mỹ – bằng cách nâng giá hàng hóa, theo Hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp của Trung Quốc cũng gánh một số chi phí từ thuế quan Mỹ theo các cách gián tiếp. Chẳng hạn, các nhà xuất khẩu đôi lúc có thể bán hạ giá cho các nhà nhập khẩu để giúp thanh toán khoản thuế nhập khẩu cao, duy trì các hợp đồng và quan hệ làm ăn.
Với mức thuế nhập khẩu tăng được Mỹ áp dụng, các công ty Trung Quốc đang mất nhiều mối làm ăn khi các nhà nhập khẩu Mỹ săn tìm các nguồn cung rẻ hơn hoặc thậm chí miễn thuế ở các nước khác.
Chuyên gia nhận định Mỹ cũng đang sẵn sàng chấp nhận một số tổn thất kinh tế để đạt được mục tiêu chiến lược lớn hơn là kiềm chế Trung Quốc.
Mặt khác, nếu Mỹ duy trì được nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ thay thế từ các quốc gia khác, tác động của sự leo thang chiến tranh thương mại lên người tiêu dùng Mỹ có thể không đáng kể.