Hollywood được xem là biểu tượng của ngành công nghiệp phim ảnh nổi tiếng trên thế giới.
Hằng năm, có hơn 100,000 diễn viên, từ chuyên nghiệp cho đến không chuyên nghiệp, đến đây để tìm kiếm cơ hội cho mình. Theo thống kê của đài truyền hình PBS, chỉ có 5.3% là diễn viên gốc Á Châu.
Trong số phần trăm ít ỏi đó là sự xuất hiện của Andy Trần, một diễn viên gốc Việt. Gia nhập làng phim ảnh Hollywood trong bảy năm qua, anh đã có những vai diễn lớn, nhỏ trong các bộ phim như “The Last Ship”, “CSI: New York”, “Scorpion”, và gần đây nhất là vai thám tử trong “Criminal Minds”.
Người Việt có dịp trò chuyện với Andy Trần và được anh chia sẻ về công việc, cuộc sống cũng như những thử thách của một diễn viên gốc Á ở Hollywood.
Từ một sinh viên ra trường với bằng tốt nghiệp kinh tế, Andy Trần quyết định chuyển sang diễn xuất và tìm kiếm cơ hội cho mình ở Hollywood. (Hình: nhân vật cung cấp) |
NV: Chào Andy, rất vui khi anh nhận lời mời phỏng vấn của Người Việt. Câu hỏi đầu tiên là cái duyên nào dẫn anh đến với con đường thành diễn viên?
Andy Trần: Tôi đến với nghề diễn viên cũng rất tình cờ, nhưng đó cũng là một quá trình dài tôi luyện để có thể có được một chỗ đứng ở ngành công nghiệp này. Tôi sinh ra và lớn lên ở Houston, Texas. Khi đang theo học ngành kỹ sư và sau đó là ngành kinh tế ở trường University of Texas, Austin, tôi tham gia hội sinh viên Việt Nam (Vietnamese Students Association), gọi tắt là VSA, và có dịp tham gia dàn dựng, viết kịch bản và đóng vai trong các vở diễn của hội. Từ đó, tôi cảm thấy có hứng thú với nghệ thuật. Tôi bắt đầu ghi danh học các lớp diễn trong trường, và dần dần nhận ra đây mới đúng là cái mình thích. Cơ hội đến khi tôi nhận được một vai nhỏ trong bộ phim “Chase” của đài truyền hình NBC ở Dallas. Đó là một sự khởi đầu tốt. Và tôi quyết định đến lúc mình phải cần thay đổi, chuyển đến LA, Hollywood và tìm kiếm cơ hội cho mình.
NV: Ba mẹ anh cảm thấy thế nào khi con của mình từ một sinh viên với tấm bằng đại học kinh tế chuyển sang đi làm diễn viên?
Andy Trần: Bạn cũng biết là ba mẹ gốc Á Châu thường muốn con của mình học một ngành nghề nào tốt, ra trường kiếm được việc làm ổn định, lập gia đình và có một cuộc sống tươm tất. Ba mẹ tôi cũng vậy. Nhưng khi tôi nói quyết định của mình, cả tôi và ba mẹ tôi đều lo lắng. Tôi lo lắng vì không biết là ba mẹ có chấp nhận quyết định này không, còn ba mẹ tôi lo lắng vì không biết tôi sẽ như thế nào. Nhưng cuối cùng, ba mẹ tôi đón nhận cái tin đó bằng sự ủng hộ hết mình vì họ tin rằng, nếu làm những gì tôi thật sự muốn, tôi sẽ thành công.
NV: Điều gì ở nghề diễn viên khiến anh hứng thú như vậy?
Andy Trần: Một trong những lý do khiến tôi thích nghề này là nó cho mình cơ hội để thể hiện bản thân và nhận ra những khía cạnh khác trong cá tính của mình và trong cả cuộc sống. Ngoài ra, lúc còn nhỏ, mỗi lần xem phim trên tivi, tôi thấy các diễn viên dường như đang rất vui, họ như đang chơi đùa với nhau vậy. Lúc đó, tôi thắc mắc rằng, “tại sao họ có thể vui đến thế được?”, và điều đó thu hút tôi.
NV: Kinh đô Hollywood là nơi tập trung các tài năng của ngành công nghiệp phim ảnh Mỹ và thế giới, do đó sẽ có rất nhiều cạnh tranh. Anh gặp khó khăn gì khi chuyển đến đây và theo đuổi sự nghiệp của mình?
Andy Trần: Bạn biết không, mỗi sáng khi thức dậy, tôi đều cảm thấy khó khăn. Công việc diễn viên không phải giống như các công việc khác. Người ta thức dậy, đi làm ngày tám tiếng, trong vòng mấy năm được thăng chức, có nhiều tiền hơn, rồi tiết kiệm mua căn nhà cho mình. Còn diễn viên chúng tôi thì không thấy “tương lai” như vậy. Chúng tôi thức dậy mỗi sáng với hy vọng rằng hôm nay chúng tôi sẽ có được một vai diễn. Cuộc sống của diễn viên là sống ngày qua ngày bằng paycheck. Nghe có vẻ không ổn định, nhưng đồng thời, đối với tôi, đó cũng chính là động lực và sức hút của nghề này. Người nghệ sĩ thường thì không ổn định, đó chính là cách giúp họ sáng tạo. Mỗi ngày bắt đầu đều không theo kế hoạch nào và bạn có thể thỏa thích làm tất cả những gì bạn muốn.
NV: Hầu hết vai diễn chính thường dành cho người Mỹ da trắng và cơ hội thường là rất ít cho những diễn viên gốc khác. Là một diễn viên gốc Á Châu, anh nghĩ thế nào về vấn đề này?
Andy Trần: Tôi nghĩ đây là thời điểm rất đặc biệt đối với cá nhân tôi và những đồng nghiệp màu da khác. Hollywood là một thị trường kinh doanh lâu năm và đầy kinh nghiệm. Xã hội giờ đây đang thay đổi, công nghệ truyền thông đều thay đổi rất nhanh. Vì vậy, nó tạo ra cơ hội hình thành nên sự đa dạng cũng như cơ hội cho nhiều người có nguồn gốc khác nhau. Một bộ phim có càng nhiều diễn viên đa dạng thì bộ phim đó sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
NV: Vai diễn nào của anh mà anh thấy thích nhất?
Andy Trần trong vai Andy Chung trong bộ phim “The Last Ship” trên đài TNT. (Hình: nhân vật cung cấp) |
Andy Trần: Đó chính là bộ phim “The Last Ship”. Đây là vai diễn đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu vì bạn biết đó, chúng tôi phải tìm hiểu kỹ càng về lính hải quân những thuật ngữ về kỹ thuật và tàu chiến. Nó giúp tôi có cơ hội được học thêm về lĩnh vực và điều quan trọng nhất là ekip phim như một gia đình; từ bạn diễn, đạo diễn, cho đến những người hỗ trợ hậu trường, chúng tôi thân nhau và coi nhau như người một nhà.
NV: Anh mong muốn được thử sức ở vai diễn nào?
Andy Trần: Hồi xưa, lúc mới theo nghề, tôi thích mình có thể được thử sức ở vai cao bồi. Bạn biết đó, vì tôi sinh ra ở Texas, tôi thấy John Wayne hay Robert Duvall rất phong độ khi cưỡi ngựa, tôi cũng muốn giống họ. Sau này, tôi muốn đóng vai các anh hùng của Marvel, rồi đến các vai như chính trị gia, hay thậm chí là tổng thống. Nhưng đến ở thời điểm hiện tại, tôi không còn quan trọng chuyện vai diễn nào mình thích hay không thích, mà tôi mong muốn mình có thể thử sức hết ở mọi vai diễn. Đó tạo nên sự đa dạng trong diễn sức của mình.
NV: Anh có lời khuyên cho giới trẻ, nhất là những bạn trẻ gốc Việt cũng muốn theo con đường phim ảnh ở Mỹ?
Andy Trần: Câu hỏi mà tôi sẽ hỏi các bạn trẻ đó là: “Các em có muốn một cuộc sống bình thường không? Các em có thích sau này có nhà đẹp, xe sang và cuộc sống sung túc không? Các em có muốn lập gia đình khi còn trẻ không?” Nếu các bạn ấy trả lời là có, thì tôi sẽ nói rằng, “vậy thì các em nên bỏ nghề diễn viên đi.” Bạn biết đó, diễn viên là nghề không ổn định và nó không dễ dàng. Đó là nghề nghiệp đòi hỏi bạn phải lấy đi ít nhất một thập niên của mình để tập trung vào sự nghiệp và bạn không biết rõ rằng sự nghiệp đó sẽ lên xuống như thế nào. Nếu bạn thật sự đam mê nó, bạn thật sự muốn “sống chết” với nó, thì bạn hãy can đảm đi theo niềm đam mê của mình. Chúng ta cần phải đẩy mạnh và ủng hộ niềm đam mê điện ảnh của người trẻ, đặc biệt là những người gốc Á Châu chúng ta cần phải chứng minh cho thế hệ cha mẹ chúng ta và thế hệ trẻ rằng, nếu chúng ta muốn làm diễn viên, thì chúng ta sẽ làm được.
NV: Đối với anh, thế nào là thành công?
Andy Trần: Đối với tôi, thành công đơn giản là tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc và hứng thú với công việc của mình.
NV: Cám ơn anh nhận lời phỏng vấn của Người Việt. Chúc anh thành công trong sự nghiệp diễn xuất của mình và mọi việc được thuận lợi.