Nga tiếp tục tăng cường chiến dịch quân sự hoặc hai bên đàm phán hòa bình thành công là hai kịch bản – tồi tệ và lý tưởng – mà chuyên gia đưa ra cho tương lai xung đột ở Ukraine.
Tình huống lý tưởng nhất là hòa bình. Ngược lại, tình huống xấu nhất là Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch quân sự, gây ra thiệt hại lớn về tính mạng của cả người Nga và Ukraine”, giáo sư Christian Raffensperger – chủ nhiệm khoa Lịch sử tại Đại học Wittenberg, Mỹ – chia sẻ với Zing về những kịch bản trong tương lai của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2.
Ông Raffensperger tốt nghiệp bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Chicago. Chuyên môn của ông là về giai đoạn châu Âu thời trung cổ, Nga và Ukraine.
Chiến dịch quân sự tại Ukraine bước vào ngày thứ 12, Nga tiếp tục bao vây các thành phố lớn nhưng bước tiến của họ đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine.
Trên bàn đàm phán, sau 3 lần gặp nhau ở biên giới Belarus, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Nhiều nước đang cố gắng làm trung gian hòa giải cho Ukraine và Nga, trong đó có chuyến công du bất ngờ của thủ tướng Israel tới Moscow để thảo luận các vấn đề xoay quanh điểm nóng chính trị này.
Kịch bản 1: Đàm phán hòa bình thành công, nhưng Ukraine sẽ mất mát
Tình huống lý tưởng nhất, tất nhiên, là hòa bình. Giáo sư Raffensperger nhận định hòa bình có thể đạt được thông qua các cuộc đàm phán ở Belarus hoặc từ hội nghị do Israel làm trung gian.
Tuy nhiên, chuyên gia từ Đại học Wittenberg cho rằng khó có thể tưởng tượng hòa bình sẽ tới mà Ukraine không hề mất mát, chẳng hạn Donetsk và Luhansk sẽ độc lập hoàn toàn, hoặc NATO tuyên bố không bao giờ kết nạp Ukraine làm thành viên.
Đề cập tới những yếu tố làm hạ nhiệt căng thẳng, giáo sư Raffensperger cho rằng giao tranh ở Ukraine hiện diễn ra một phần là do vấn đề Ukraine trở thành thành viên của NATO. Nếu như NATO đưa ra lời cam kết rằng Ukraine sẽ không bao giờ là thành viên của liên minh, những cuộc tấn công hiện tại có thể sẽ chấm dứt.
Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định căng thẳng hiện nay nằm ở phía Tổng thống Putin.
“Đây là cuộc chiến của ông Putin, thậm chí giao tranh này không đại diện cho người Nga bởi nhiều người bày tỏ phản đối”, ông đề cập tới các cuộc biểu tình tại Nga vào những ngày diễn ra xung đột ở Ukraine.
Kịch bản 2: Tổng thống Putin thay đổi toan tính
Đây là kịch bản lạc quan nhất mà Carl Schuster – cựu Giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ – dự đoán.
Chuyên gia Schuster khẳng định suy tính của Tổng thống Putin là yếu tố có thể ngăn chặn giao tranh, giúp Ukraine và Nga đạt được thỏa thuận.
“Ông Putin tìm kiếm lệnh ngừng bắn. Các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến việc Nga rút quân khỏi Ukraine trước khi vấn đề này trở nên vượt quá kiểm soát”, ông nói với Zing, đề cập đến việc quyền lực của tổng thống Nga lung lay khi vấp phải sự phản đối nội bộ. “Nếu ông ấy chọn cách này, căng thẳng sẽ dịu bớt”.
Tuy nhiên, điểm khó là làm thế nào để thuyết phục ông Putin chọn phương án rút quân. Thương vong của quân Nga, mức độ thành công của chiến dịch quân sự, hay lòng trung thành của những người thân cận sẽ là yếu tố chính khiến ông Putin thay đổi suy nghĩ, chuyên gia nói.
Chuyên gia cho rằng hàng loạt lệnh trừng phạt mới đây nhằm vào Nga sẽ gây tổn hại “chưa từng có” tới nước Nga nói chung và bản thân ông Putin nói riêng, và điều này có thể ảnh hưởng tới quyền lực của tổng thống.
“Nếu thương vong của Nga và tiếng nói chính trị phản đối cuộc chiến trong nội bộ tiếp tục gia tăng, ông Putin có thể bắt đầu lo lắng” và thay đổi chiến lược, ông nói.
Ông cho rằng tổng thống sẽ tăng cường tấn công bằng không quân, pháo binh và tên lửa trong tuần tới. Tuy nhiên, nếu không đạt được thành công chính trị – quân sự quyết định, ông Putin sẽ đề nghị đàm phán, hoặc ít nhất là ngừng bắn.
Nga đang đối mặt với sự kháng cự quyết liệt hơn từ quân đội Ukraine so với dự đoán. Mặc dù Nga tuyên bố có ưu thế trên không, hệ thống phòng không của Ukraine xung quanh thủ đô Kyiv và các khu vực khác vẫn hoạt động hiệu quả. Rất nhiều người Ukraine cũng tình nguyện tham gia vào các đơn vị bảo vệ lãnh thổ, cộng thêm hỗ trợ tình báo và vũ khí của phương Tây.
Từ đó, ông Schuster kết luận tổng thống Nga sẽ không “sa lầy” lâu dài vào cuộc chiến này. Ngoài ra, thời tiết xấu tại Ukraine vào tháng 3, như bùn lầy, cũng khiến mức độ giao tranh thấp hơn.
“Nếu người Ukraine có thể cầm cự tới lúc đó, giao tranh sẽ dịu xuống”, ông kết luận.
Kịch bản 3: Nga đẩy mạnh tấn công
Tuy nhiên, sự chống trả quyết liệt, cùng với viện trợ của Mỹ và NATO có thể dẫn đến một tình huống khác, khi mà Nga quyết thực hiện tới cùng chiến dịch quân sự này, gây ra thiệt hại lớn về tính mạng của cả người Nga và Ukraine.
“Cuộc giao tranh sẽ trở nên khốc liệt và đẫm máu hơn nữa khi Nga đổ bộ vào khu dân cư, và người Ukraine tiếp tục chống trả”, giáo sư Raffensperger nhận định.
Đồng quan điểm, ông Schuster cũng cho rằng kịch bản tồi tệ nhất sẽ xảy ra khi ông Putin tăng cường các cuộc tấn công bằng pháo binh, không quân và tên lửa vào các thành phố của Ukraine.
Hiện chưa rõ Nga sẽ làm gì trong kịch bản chiến dịch quân sự đạt được các mục tiêu cuối cùng. Tuy nhiên, trong buổi họp báo được phát trên truyền hình ngày 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết lực lượng vũ trang Nga sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi đạt được các mục tiêu đề ra.
Ông Shoigu nhấn mạnh mục tiêu của Moscow là “phi quân sự hóa” tại Ukraine, cũng như bảo vệ Nga khỏi “mối đe dọa quân sự từ phương Tây”.
“Xung đột phần nào đã vượt ra ngoài lãnh thổ Ukraine”
Giáo sư Raffensperger cho rằng xung đột ở Ukraine phần nào đã vượt xa khỏi lãnh thổ nước này. Ông dẫn ví dụ về việc EU lần đầu tiên có động thái mạnh tay khi một cuộc xung đột quân sự diễn ra, ví dụ như chặn máy bay Nga trên không phận hay cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Trong vòng chưa đầy một tuần, Mỹ và đồng minh đã đưa hơn 17.000 vũ khí chống tăng tới Ukraine, bao gồm tên lửa Javelin, qua biên giới Ba Lan và Romania.
“Đây không phải là động thái chung của NATO, mà là phản ứng của từng thành viên”, ông nhận định.
Tuy nhiên, ông cho rằng NATO sẽ không chống lại Nga trực tiếp. Trong khi quân đội và nguồn lực của NATO đang được bổ sung, như các nước Baltic, Ba Lan và Romania, họ sẽ không tiến vào Ukraine.
Ông Schuster cũng có nhận định tương tự. Ông nói rằng chính Tổng thống Putin cũng phải thừa nhận việc tấn công lãnh thổ hay lực lượng NATO không phải là bước đi khôn ngoan bởi điều đó sẽ dẫn đến xung đột, làm lung lay quyền lực của ông.
Do đó, đây không phải là điều mà ông Putin sẽ mạo hiểm, chuyên gia từ Đại học Hawaii Pacific nhận định.
Ông Christian Raffensperger là giáo sư và chủ nhiệm khoa Lịch sử tại Đại học Wittenberg, Mỹ. Ông lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Chicago. Chuyên môn của ông là về giai đoạn châu Âu thời trung cổ, Nga và Ukraine. Ông Raffensperger hiện cũng là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Harvard Ukraine. Gần đây, ông tham gia hội đồng quản trị của Hiệp hội Nghiên cứu Byzantine, Bắc Mỹ và Học viện Lịch sử Ohio.
Ông Carl Schuster là cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ về quan hệ quốc tế, lịch sử. Ông cũng chuyên gia về chủ đề quân sự theo yêu cầu cho CNN International.