Trong bài diễn thuyết dài khoảng 30 phút, Thống đốc Brown đã nói về những chính sách then chốt trong nhiệm kỳ của mình, như dự án đường sắt cao tốc tiểu bang, kế hoạch hệ thống đường ống nước và những cải cách pháp lý hình sự. Ông cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đánh thuế xăng gây tranh cãi hiện nay.
Ông Brown nói rằng: “California đang làm gương cho cả nước. Đúng vậy, có những người chỉ trích, có nhiều án kiện và vô vàn những trở ngại. Nhưng California được xây dựng trên ước mơ và lòng kiên trì. Chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên trên con đường táo bạo này.”
Bài diễn văn được xem như là lời tuyên bố thắng lợi của ông Brown, người đã chấn chỉnh nền chính trị tiểu bang trong gần nửa thập niên cầm quyền. Nền kinh tế California đã tụt dốc không phanh sau cuộc khủng hoảng năm 2011, với mức thâm hụt ngân sách $27 tỉ Mỹ kim. Thế nhưng, ông Brown sẽ rời khỏi chức vị với ngân sách thặng dư lên đến $6.1 tỉ Mỹ kim, theo ngân sách được công bố vào đầu tháng. Tỉ lệ thất nghiệp tiểu bang thấp kỷ lục 4.3%, giảm mạnh từ mức 12% khi ông Brown nhậm chức vào 01/2011.
Ông Brown cho biết: “California đã chứng minh rằng một số chính phủ Mỹ có thể làm được việc – dù rằng đối mặt với những chia rẽ lưỡng đảng.”
Ông cảnh báo sự tàn phá liên tục từ thiên tai; ông dự đoán lũ lụt, cháy rừng và bùn trôi đã tàn phá tiểu bang trong năm qua, sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi khí hậu thay đổi. Ông cho biết ông sẽ triệu tập các nhà khoa học, quan chức ngành lâm nghiệp và các chuyên gia ban ngành liên quan để họp bàn cách thức giúp chính quyền tiểu bang có thể quản trị tốt hơn hàng chục triệu mẫu rừng, trải dài từ biên giới Oregon đến Bắc Los Angeles.
Ông Brown nói: “Chúng ta không thể chống lại thiên nhiên, chỉ có thể học cách thích nghi mà thôi.”
Ngay cả khi các lãnh đạo Dân Chủ ở tiểu bang California đã có những ý kiến trái chiều về việc ngăn Tổng thống Trump xây tường biên giới nhưng ông Brown đã không nhượng bộ.
Ông chỉ trích Tổng thống vì đã nghi ngờ biến đổi khí hậu. Ông nói: “Ở California, chúng ta đi theo một con đường khác.”
Ông Brown còn nhiều dự định dang dở trong 347 ngày tại chức còn lại của mình, trước khi ông rời văn phòng Thống đốc để quay về với nông trại của gia đình ở Quận Colusa. Tuyến đường sắt cao tốc San Francisco – Los Angeles của ông chưa được tiến hành vì chi phí tốn kém. Ông cũng phải cắt giảm dự án xây đường ống nước khổng lồ xuyên xuốt tiểu bang trị giá $17 tỉ Mỹ kim vì bị phản đối chính trị.
Ông Brown lên tiếng bảo vệ cả hai dự án trong bài phát biểu, cho rằng chúng rất cần thiết cho sự phát triển của tiểu bang. Đường tàu hỏa cao tốc xứng đáng để được đầu tư vì “nó sẽ chạy nhanh, không ồn, dùng năng lượng điện tái tạo. Và có thể sử dụng được hàng trăm năm.”
Ông Brown cũng hứa sẽ bảo vệ một số chính sách do ông ký duyệt đang bị đe dọa, như đánh thuế xăng để sửa chữa đường xá được thông qua năm ngoái. Ông Brown phát biểu trong tiếng vỗ tay của các nhà lập pháp Dân Chủ: “Tôi sẽ làm tất cả những gì trong quyền hạn của mình để ngăn chặn dự luật này bị dỡ bỏ.”
Ông Brown hoan nghênh sự thành công của các chính sách về hình sự mà ông đã thúc đẩy để giảm số lượng tù nhân, kể cả khi Đảng Cộng Hòa và một số công tố viên phản đối. Ông Brown cũng khuyến khích những chương trình điều trị sức khỏe tâm thần và cai nghiện.
Ông Brown nói rằng tiểu bang sẽ sử dụng nguồn tài chính từ Dự luật 1, để xây dựng đập mới, hồ chứa và lưu trữ nước ngầm. Ủy ban Nguồn nước California đã cảnh báo các cơ quan thủy lợi rằng 11 dự án trị giá $2.7 tỉ Mỹ kim đã không vượt qua kiểm tra lợi ích chi phí, gây lo ngại rằng không có hoặc chỉ có một ít dự án được tài trợ.
Ông Brown cho biết: “Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu sử dụng ngân quỹ để xây dựng những nơi dự trữ nước mà chúng ta sẽ cần đến trong nhiều thập niên tới. Khi khí hậu biến đổi và mưa mang đến nước nhiều hơn tuyết, chúng ta cần tận dụng cơ hội, và dự trữ nguồn nước kịp thời và hiệu quả.”
Về bảo hiểm sức khỏe, ông đã gửi lời cảm ơn đến những Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống việc dỡ bỏ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền. Ông Brown nói: “Cảm ơn Chúa vì John McCain, Lisa Murkowski và Susan Collins.”
Ông Brown đã không đề cập đến những khó khăn lớn của tiểu bang, bao gồm chi phí nhà ở đắt đỏ, tỉ lệ vô gia cư tăng cao. Ông cũng không nói đến các vụ vê bối tình dục đã khuấy động các cơ quan lập pháp tiểu bang, mặc dù ông có nhắc đến những người biểu tình tham gia vào Tuần hành Phụ nữ vừa qua.
Ông Brown đã kết thúc bài diễn văn bằng một phép ẩn dụ, tưởng nhớ đến ông cố của ông, August Schuckman, một di dân từ Đức, người đã đi thuyền đến Mỹ vào năm 1849.
Ông nói: “Chúng ta sẽ kiên trì chiến đấu chống giông tố, dù lớn hay nhỏ.”
Ông Brown đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ cơ quan lập pháp có Dân Chủ chiếm đa số. Dân biểu Rob Bonta (Dân Chủ – Oakladn) cho biết: “Phải chi ông ấy có thêm 4 năm nữa, chắc chắn ông ấy sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ từ căn phòng này.”
Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa nói rằng họ biết ơn ông Brown đã cân bằng ngân sách trong 8 năm qua nhưng cho rằng ông đã quá lạc quan về tương lai tiểu bang. Dân biểu Brian Dahle (Cộng Hòa – Bieber) cho biết: “Chúng ta đang chết dần vì hàng ngàn công ty ở California đã không thể trụ lại được dù chính phủ đang làm tốt.”
Trong bài diễn văn nhậm chức đầu tiên vào 17/01/1975 – ông Brown khi đó 36 tuổi – đã liệt kê những khó khăn mà California phải đối mặt, bao gồm “cạn kiệt tài nguyên, các mối nguy hại đến môi trường, kinh tế bấp bênh, hệ thống tiền tệ, sự thiếu tín nhiệm vào chính phủ, giảm sút đạo đức và lãnh đạo chính trị.”
43 năm sau, thông điệp ông truyền đạt vẫn nhất quán. Sự khác biệt lớn nhất, theo Barbara O’Connor – cựu chủ tịch ủy ban phát thanh truyền hình công cộng của tiểu bang được ông Brown bổ nhiệm – thì đó chính là ông ấy đã “diễn đạt rõ ràng, súc tích hơn những vẫn tràn đầy nhiệt huyết.”
Nam Phố (Theo Mercury News)