Có thể bạn nghĩ mình là người sử dụng Facebook. Thực chất, bạn đang làm việc không công cho mạng xã hội này, theo cách hết sức đơn giản.
Có thể bạn không tin, nhưng bạn đang làm việc không công cho Facebook.
Bạn không có tấm thẻ nhân viên nào và cũng chẳng được trả công. Tuy nhiên, nếu bạn cũng như khoảng 2 tỷ người dùng Facebook mỗi tháng trên toàn thế giới này, bạn là một coder giá trị của Facebook.
Những cú click, like, chia sẻ của bạn là gợi ý quý giá cho các thuật toán của Facebook để phân phối quảng cáo. Chỉ cần tất cả người dùng rời khỏi, nền tảng này sẽ sụp đổ.
Scandal mới đây khiến nhiều người nhìn nhận đúng hơn về bản chất của Facebook. Ảnh: Mashable. |
Scandal liên quan đến công ty Cambridge Analytica khiến Facebook mất đi một lượng người dùng không nhỏ – chủ yếu là những người cảm thấy bất mãn về việc Facebook thu thập thông tin cá nhân của họ. Nhưng, đừng quên Facebook đang khai thác một thứ khác từ bạn: sức lao động.
Bạn đang làm 2 việc cho Facebook. Thứ nhất, bạn tạo ra dữ liệu và sản xuất nội dung. Facebook về bản chất là một công ty quảng cáo và bất cứ thông tin nào từ bạn đều được nhà quảng cáo sử dụng để tìm cách gây ảnh hưởng đến cách bạn mua hàng.
Đôi khi, nó vô hại (chẳng hạn hiển thị fanpage của một nhãn hàng bạn yêu thích để bạn đăng ký). Tuy nhiên, phần nhiều trường hợp thì không. Dữ liệu là một công cụ mạnh mẽ cho bất cứ ai muốn định hình hành vi của bạn. Trong trường hợp của Cambridge Analytica, bạn đã thấy nó nguy hiểm như nào. Công ty này dùng dữ liệu của 50 triệu người dùng để gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử Mỹ.
Bạn là người tạo ra phần lớn nội dung trên Facebook. Bạn viết bài, chia sẻ hình ảnh, ghi lại các khoảnh khắc, một suy nghĩ cá nhân về bản tin hôm nay – bạn đang làm việc cho Facebook. Bạn giữ cho mạng xã hội này hoạt động, và ngày một nổi bật hơn. Bạn là lý do để những người khác tiếp tục vào Facebook. Do đó, việc thứ 2 của bạn là đưa mọi người đến với Facebook và giữ họ ở lại đó.
Quan trọng hơn, bạn bỏ ra không ít thời gian để làm việc đó. Năm 2016, trung bình mỗi người dành 50 phút/ngày để sử dụng sản phẩm của Facebook, gồm cả Instagram và Messenger. Con số này giảm trong năm nay.
Nếu tính gọn là 35 phút mỗi ngày thì bạn đã bỏ ra 26 ngày làm việc (8 tiếng/ngày) mỗi năm cho Facebook – nhiều hơn bất kỳ hoạt động giải trí nào, theo Cục thống kê Lao động Mỹ, ngoại trừ việc xem truyền hình. Theo New York Times, mỗi người chỉ dành khoảng 19 phút mỗi ngày để đọc, chơi thể thao hoặc thể dục 17 phút và 4 phút cho các hoạt động xã hội.
Giải trí chính là lao động trên Facebook. Người dùng tình nguyện sử dụng ứng dụng này, và ngày càng gắn bó với nó. Thậm chí, nó khiến họ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, kết nối nhiều hơn. Thử dừng lại 1 giây và nghĩ xem bạn sẽ ra sao nếu xóa Facebook? Những album ảnh của bạn sẽ đi đâu? Bạn lấy tin tức ở đâu? Ai sẽ nhớ sinh nhật của bạn?
Doanh thu của Facebook trong 7 năm gần đây. |
Facebook kiếm tiền từ những suy nghĩ như vậy. Người dùng cần duy trì quan hệ bạn bè, gia đình, cập nhật tin tức, chia sẻ quan điểm với thế giới. “Những thứ này được bao bọc dưới dạng chia sẻ miễn phí”, nhà nghiên cứu của Đại hoc Luneburg viết trong bài báo mới đây. “Thực chất, đó là một hình thức lao động không công”.
Bạn không được trả công, còn Facebook thì kiếm một khoản kếch xù. Công ty này thu về khoảng 16 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2017, phần lớn nhờ quảng cáo (gần 50%).
Hình thức dùng khách hàng làm người lao động này không mới. Những trang như Yelp nhờ người dùng đưa ra đánh giá, Spotify yêu cầu người nghe nhạc bổ sung dữ liệu cho các album còn trống, Medium kiếm tiền từ các tay viết nghiệp dư lẫn chuyên gia muốn xuất bản bài. Giống Facebook, các trang này luôn tự nhận là mang đến cho bạn cơ hội để “kết nối” và “chia sẻ”, theo Mashable.
Tất nhiên, vẫn có một số người dùng mạng xã hội tìm ra cách biến công sức của họ thành tiền. Những nhân vật nổi tiếng sử dụng mạng xã hội để tăng thêm sức ảnh hưởng và tạo dựng sự nghiệp. Con số này không nhiều.
Những người còn lại, những người tưởng như mình đang sử dụng mạng xã hội, thực chất chỉ là những nhân công miễn phí cho Facebook mà thôi.