Tại Mỹ, ổ dịch lớn nhất của thế giới, số ca mắc mới và tử vong có xu hướng giảm. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, số ca mắc mới trên toàn cầu cũng giảm 17% trong tuần qua. Tuy nhiên, bên cạnh 2 biến chủng virus đáng lo ngại từ Anh (B117) và Nam Phi (B1351), giới chuyên gia lại một lần nữa phải lo lắng bởi biến chủng mới. Đó là B1525, được tìm thấy lần đầu tiên tại Anh.
Biến chủng này chứa đột biến E484K, loại có trong B1351 của Nam Phi và P.1 từ Brazil. Nó từng được các nhà khoa học cảnh báo là có thể kháng vaccine.
Ngày 15/2, các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh (Anh), tình cờ phát hiện biến chủng này sau khi giải trình tự gene các bệnh nhân ở 10 quốc gia như Đan Mạch, Mỹ, Australia. Chỉ sau 3 ngày, biến chủng này đã xuất hiện ở 13 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Thông tin này được cập nhật trên Pango lineages – trang thông tin cập nhật về các biến chủng virus SARS-CoV-2, dựa trên dữ liệu trình tự gene đầy đủ của GISAID. Theo trang này, 13 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận người nhiễm biến chủng B1525 gồm: Anh, Đan Mạch, Nigeria, Mỹ, Canada, Pháp, Ghana, Australia, Jordan, Singapore, Phần Lan, Bỉ, Tây Ban Nha.
Trong đó, Anh là nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm chủng B1525 nhất với tổng số 44 người. Cách đây một ngày, con số này tại Anh là 38.
Đan Mạch ghi nhận 35 trường hợp, trong khi đó, Nigeria mới phát hiện ổ dịch nhiễm biến chủng B1525 gồm 29 người. Mỹ xác nhận có 5 ca nhiễm. Canada và Pháp cùng ghi nhận 5 trường hợp, còn Ghana là 4, Australia cùng Jordan phát hiện ra 2 người. Các quốc gia còn lại ghi nhận một trường hợp đầu tiên.
Giám đốc Yvonne Doyle của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết: “Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng mới (B1525) gây bệnh nặng hơn hoặc có khả năng lây nhiễm cao hơn”. Tuy nhiên, Phó giáo sư về vi sinh tế bào Simon Clarke tại Đại học Reading, Anh, cho rằng biến chủng B1525 là một mối nguy tiềm tàng.