⏩ Bạo động bùng nổ trong cuộc tuần hành của nhóm da trắng kỳ thị chủng tộc ở bang Virginia

Hàng trăm người la lớn, đấm nhau, ném chai nước, và xịt hóa chất vào mặt lẫn nhau hôm Thứ Bảy, sau khi bạo động bùng nổ trong một cuộc tuần hành của một nhóm da trắng kỳ thị chủng tộc ở Charlottesville, Virginia, theo hãng thông tấn AP.




Trong lúc bạo động nổ ra, một chiếc xe lao vào đám đông làm nhiều người bị thương, sau đó, chiếc xe này chạy lùi lại một đoạn xa, và rồi chạy mất, màn ảnh truyền hình cho thấy.

Đài truyền hình CNN cho biết, có một người chết và 34 người bị thương, 19 người tại chỗ chiếc xe đâm vào, và 15 người tại chỗ tuần hành.

Thị Trưởng Mike Signer viết trên Twitter: “Tôi rất đau lòng là có một người chết. Tôi kêu gọi tất cả mọi người nên tử tế, đi về nhà,”

Ông Signer không cho biết tại sao có một người chết.

Trước đó, cảnh sát Charlottesville nói với CBS News rằng ít nhất có bốn người bị thương.

Phóng viên Bo Erickson của CBS News tường thuật ít nhất có sáu người nằm trên mặt đường.

Người bị thương bao gồm từ nhẹ đến đe dọa tính mạng, CBS News cho biết, dẫn lời giới chức công lực.

Hàng chục nhân viên cấp cứu chăm sóc những người bị thương, có người được bỏ lên băng ca mang đi, phóng viên Paula Reid của CBS News tường thuật.

“Một chiếc xe màu đen, có vẻ là cố tình đâm vào người đi bộ,” các nhân chứng nói với phóng viên Reid.

Thống Đốc Terry McAuliffe tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và cảnh sát trong trang phục chống bạo động phải yêu cầu một người giải tán, theo AP.

Tại cuộc tuần hành, nhiều nhóm nhỏ xuất hiện, phản đối những người da trắng kỳ thị chủng tộc tuần hành trong trật tự tại trung tâm thành phố vào lúc buổi trưa, hô lớn các khẩu hiệu và vẫy cờ.

Trong khi đó, trực thăng cảnh sát quần trên bầu trời.

Cho tới lúc 12 giờ 30 trưa, một nữ phát ngôn viên thành phố cho biết, có một người bị bắt.

Ông Jason Kessler, một blogger người da trắng kỳ thị, gọi đây là cuộc tuần hành “ủng hộ người da trắng” để phản đối quyết định của thành phố dời bức tượng của Tướng Robert E. Lee, một tướng bại trận của miền Nam nước Mỹ trong cuộc nội chiến, khỏi một công viên ở trung tâm thành phố.

Tổng Thống Donald Trump tweet ra rằng: “TẤT CẢ chúng ta phải đoàn kết và lên án tất cả những vì biểu tượng cho sự thù ghét.”

“Bạo động không được chấp nhận tại Hoa Kỳ. Chúng ta hãy đoàn kết lại thành một,” ông Trump tweet thêm sau đó. (Đ.D.)

Vụ lao xe ở thành phố Mỹ qua lời kể của nhân chứng

Các nhân chứng kể lại cảnh hỗn loạn trong vụ lao xe vào “biển người” biểu tình tại thành phố Charlottesville, bang Virginia, Mỹ, ngày 12/8.

Matt Korbon, 22 tuổi, sinh viên Đại học Virginia, cho biết khoảng vài trăm người chống biểu tình đang tuần hành thì họ “bỗng nghe thấy tiếng lốp xe rít lên chói tai”. Một chiếc xe sedan màu bạc không biết từ đâu tới đâm vào một chiếc xe khác, sau đó lùi nhanh, cán qua “biển người”. Hiện trường là nơi dự kiến diễn ra cuộc tuần hành mang tên “Đoàn kết Cánh hữu” do những người theo chủ nghĩa ủng hộ da trắng cùng các nhóm cánh hữu khác tổ chức, Usa Today đưa tin.

Ông Brennan Gilmore, người có mặt tại hiện trường, đã quay lại khoảnh khắc chiếc xe lao vào đám đông trên phố Water và Fourth tại thành phố Charlottesville, bang Virginia. Trong video, chiếc xe đâm vào đám đông với tốc độ cao. Phần đầu xe và kính chắn gió bị hư hỏng sau cú lao mạnh.

“Hắn ta đi chậm lại, xác định đám đông rồi nhấn mạnh ga. Nhiều người bị hất tung lên”, Gilmore kể. “Tất cả chúng tôi bắt đầu chạy tán loạn. Hắn lùi xe và tôi nghĩ hắn có thể sẽ đâm tiếp một cú khác vào đám đông”. Gilmore gọi vụ lao xe là hành vi “khủng bố”. Ông đã chia sẻ đoạn video cho cảnh sát và truyền thông.

vu-lao-xe-o-thanh-pho-my-qua-loi-ke-cua-nhan-chung

Nhiều người bị hất tung lên trời khi chiếc xe lao tới với tốc độ cao. Ảnh: AP.

Jeremiah Knupp, phóng viên ảnh báo Staunton News, chứng kiến sự việc từ một bãi đỗ xe cách hiện trường không xa. Anh đoán chiếc xe lao với vận tốc khoảng 50 km/h.

Cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm gây ra vụ việc. Nhà chức trách xác định y là James Alex Fields Jr., 20 tuổi, đến từ thành phố Maumee, bang Ohio. Nghi phạm bị cáo buộc tội danh giết người và cố ý gây thương tích. Ngoài một người chết, vụ lao xe còn khiến 19 người bị thương.

vu-lao-xe-o-thanh-pho-my-qua-loi-ke-cua-nhan-chung-1

Chân dung nghi phạm James Alex Fields Jr. Ảnh: NBC.

Chiều cùng ngày, một chiếc trực thăng rơi ở khu vực ngoại ô thành phố khiến hai người thiệt mạng. Theo cảnh sát, máy bay lúc bấy giờ đang làm nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng an ninh theo dõi cuộc tuần hành của nhóm ủng hộ da trắng ở Charlottesville.

Thành phố Charlottesville đang đặt trong tình trạng khẩn cấp sau khi hàng trăm người thuộc hai phe theo và chống cuộc tuần hành của nhóm ủng hộ da trắng xảy ra đụng độ tại đây vào sáng 12/8. Chính quyền địa phương đã phải huy động cảnh sát bảo vệ, dựng rào chắn, phun hơi cay nhằm ổn định tình hình song vẫn không thể kiềm chế đám đông quá khích.

Bức tượng đại tướng châm ngòi cho cuối tuần bão tố ở thành phố Mỹ
Tranh cãi quanh tượng đại tướng Lee trở thành nguồn cơn bùng phát bạo lực trong cuộc tuần hành cuối tuần qua ở Charlottesville.

buc-tuong-dai-tuong-cham-ngoi-cho-cuoi-tuan-bao-to-o-thanh-pho-my

Bức tượng đại tướng Robert E. Lee ở Charlottesville, Virginia. Ảnh: US News.

Thành phố yên bình Charlottesville ở Virginia, Mỹ vừa chứng kiến một cơn bão tố kinh hoàng khi cuộc tuần hành bảo vệ một tượng đài ở trung tâm biến thành thảm kịch đâm xe và đụng độ khiến một phụ nữ thiệt mạng và hàng chục người bị thương.



Tâm điểm của cơn bão chính là bức tượng đại tướng Robert E. Lee, tư lệnh Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ thế kỷ 19. Bức tượng khắc họa hình ảnh đại tướng Lee mặc quân phục, cưỡi trên một con chiến mã, tất cả đã ngả sang màu xanh đen theo thời gian, theo NYTimes.

Bức tượng cao gần 8 mét này được chế tác bởi Henry Merwin Shrady, một nhà điêu khắc ở New York, và được nghệ nhân người Italy Leo Lentelli hoàn thiện sau đó. Bức tượng được đặt ở trung tâm Charlottesville vào năm 1924, trong một hội nghị của các cựu chiến binh và con cái cựu binh Liên minh miền Nam với lễ khánh thành hoành tráng. Trong buổi lễ, những người tham dự ca ngợi “sự cống hiến bất tử” của các cựu binh đã chiến đấu cho “Chancellorsville và Gettysburg”, giờ đây vẫn đang nỗ lực để “bảo vệ chủ nghĩa anh hùng của Liên minh khỏi những lời vu khống”.

Bức tượng đã tồn tại ở Charlottesville gần 100 năm, nhưng vài năm gần đây, ngày càng có nhiều người dân và quan chức thành phố kêu gọi dỡ bỏ nó, cho rằng đây là một biểu tượng cho chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng” cần phải bị xóa bỏ khỏi xã hội Mỹ.

Xóa bỏ những di sản của chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng” là một xu thế ngày càng phổ biến ở Mỹ. Ngày càng nhiều bức tượng liên quan đến Liên minh miền Nam bị phá bỏ, những con đường mang tên đại tướng Lee bị đổi tên, các tượng đài bị di dời.

Ở New Orleans, Thị trưởng Mitch Landrieu vừa ra lệnh dỡ bỏ ba tượng đài liên quan đến Liên minh miền Nam và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. “Những tượng đài này là một phần của sự khủng bố tinh thần, giống như cây thập tự bốc cháy của hội kín KKK trước nhà nạn nhân. Chúng được dựng lên để gửi thông điệp mạnh tới mọi người đi qua về quyền lực vẫn thống trị thành phố”, Landrieu giải thích cho quyết định của mình.

Trong Ngày hội Sách Virginia năm 2012, bà Kristin Szakos, ủy viên Hội đồng Thành phố Charlottesville, đã châm ngòi cho một làn sóng tranh cãi dữ dội khi đưa ra gợi ý về việc phá bỏ tượng đại tướng Lee.

Phản ứng của dư luận Charlottesville ập tới nhanh chóng với bà Szakos, với những cuộc gọi và email tràn ngập lời đe dọa. “Tôi có cảm giác như mình vừa cắm một cây gậy xuống mặt đất, bên dưới là một bong bóng xấu xí đang sùng sục”, bà cho biết.

Bình luận của bà Szakos được đưa ra chỉ một tháng sau vụ thanh niên da màu 17 tuổi Trayvon Martin bị bắn chết ở Florida, thổi bùng làn sóng biểu tình Black Lives Matter, đòi quyền bình đẳng cho người da màu.

Đến năm 2015, những cuộc tranh luận về cờ và tượng đài Liên minh miền Nam bắt đầu nóng lên ở các bang phía nam nước Mỹ, trong đó có Nam Carolina, Texas và Louisiana. Những người muốn loại bỏ các tượng đài này cho rằng chúng là biểu tượng của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, trong khi những người phản đối tố cáo họ tìm cách xóa bỏ lịch sử.

Những người muốn bảo vệ tượng đài cho rằng đại tướng Lee là một anh hùng bởi ông đã quyết định đầu hàng để chấm dứt cảnh huynh đệ tương tàn, cũng như “thúc đẩy hòa hợp dân tộc khi nhận ra thất bại”. Họ khẳng định bức tượng không khắc họa hình ảnh Lee cưỡi chiến mã ra trận, mà chỉ là đang trên đường đến Lexington để nhậm chức chủ tịch một trường đại học sau chiến tranh.

Lập luận này bị nhiều người phản đối, cho rằng hình ảnh tướng Lee mặc quân phục, cưỡi chiến mã không hề mang tính biểu tượng cho hòa bình hay hòa hợp dân tộc, mà chỉ là dấu vết của một phong trào, tư tưởng coi những người da màu chỉ là nô lệ mà tướng Lee từng dẫn dắt.

“Những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng ở Charlottesville hiểu rất rõ điều này. Họ biết tướng Lee được tôn thờ không phải vì đã tạo dựng hòa bình, mà do ông đã bảo vệ một xã hội được xây dựng trên nền tảng da trắng thượng đẳng”, cây bút Yoni Appelbaum nhận định trên Atlantic.

buc-tuong-dai-tuong-cham-ngoi-cho-cuoi-tuan-bao-to-o-thanh-pho-my-1

Một thành viên phong trào chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng tấn công người ủng hộ việc dỡ bỏ tượng tướng Lee. Ảnh: CNN.

Năm 2016, Wes Bellamy, ủy viên hội đồng Charlottesville và một phó thị trưởng thành phố phát động chiến dịch mới nhằm tìm cách tháo dỡ tượng đài đại tướng Lee. Trong một cuộc họp báo diễn ra trước tượng đài hồi tháng 3, Bellamy cho biết Hội đồng Thành phố sẽ chỉ định một ủy ban để thảo luận vấn đề này.

“Khi chứng kiến nhiều người ở đây muốn khắc phục điều mà họ cho là cần phải làm từ lâu, tôi thấy có động lực”, ông nói trước đám đông. Một vài người vỗ tay, số khác la ó, cáo buộc ông Bellamy đang tìm cách gây chia rẽ.

Cũng trong tháng 3, học sinh trung học Zyahna Bryant nộp đơn kiến nghị lên Hội đồng Thành phố, yêu cầu dỡ bỏ tượng đại tướng Lee. “Tôi và các bạn thấy rất cần phải bỏ bức tượng này vì nó khiến chúng tôi cảm thấy không thoải mái và nó rất phản cảm”, Bryant viết trong đơn kiến nghị được hàng trăm người ký vào.

Sau khi được Hội đồng Thành phố thành lập vào tháng 5/2016, ủy ban đặc biệt ra báo cáo đề xuất chính quyền di chuyển tượng tướng Lee tới nơi khác hoặc chỉnh sửa nó cùng với việc “bổ sung các thông tin lịch sử chính xác mới”. Phương án bổ sung các thông tin mới cùng những lời giải thích về lịch sử và bài học của bức tượng được một số người bảo vệ tượng tướng Lee nhất trí.

Nhưng đến tháng hai, Hội đồng Thành phố bỏ phiếu nhất trí di chuyển tượng tướng Lee ra khỏi công viên trung tâm. Những người phản đối nộp đơn kiện vào tháng ba, cho rằng hội đồng không có thẩm quyền làm như vậy theo luật của bang Virginia.

Trong lúc chờ tòa án xử lý đơn kiện, bức tượng vẫn nằm nguyên vị trí, nhưng chính quyền thành phố đã đổi tên Công viên Lee, nơi bức tượng tọa lạc, thành Công viên Giải phóng. Công viên này thành điểm tập hợp cho những người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc da trắng hồi tháng 5.

buc-tuong-dai-tuong-cham-ngoi-cho-cuoi-tuan-bao-to-o-thanh-pho-my-2

Cảnh sát chống bạo động canh gác quanh tượng đài tướng Lee. Ảnh: Reuters.

Cuộc biểu tình nhằm phản đối quyết định tháo dỡ tượng tướng Lee hôm 12/8 được tổ chức bởi Jason Kessler, một thành viên mới gia nhập phong trào chủ nghĩa dân tộc da trắng nhưng đã khá nổi tiếng ở Charlottesville. Kessler là người thường xuyên phản đối chính quyền Charlottesville, cáo buộc họ cung cấp nơi ẩn náu cho người nhập cư.

Số phận bức tượng đại tướng Lee ở Charlottesville tùy thuộc vào phán quyết của tòa án, nhưng thảm kịch diễn ra ở thị trấn này hồi cuối tuần là một trong những biến cố đẫm máu nhất trong cuộc đấu tranh xóa bỏ và bảo vệ di sản của Liên minh miền Nam cũng như cuộc chiến cho bình đẳng sắc tộc ở Mỹ.

Trí Dũng

Leave a Reply