Một lần nữa, một lá thư kêu cứu của tù nhân Trung Quốc đã được một người mua sắm ở Mỹ tình cờ phát hiện, hé lộ sự thật về một nền sản xuất sử dụng “nô lệ thời hiện đại” của Trung Quốc.
Tờ The Epoch Times cho hay, sau khi nhận được thông tin phản ảnh từ người vô tình phát hiện bức thư, phóng viên của kênh truyền thông Vox, Hoa Kỳ, đã lần theo địa chỉ nhà tù trong bức thư để tìm hiểu câu chuyện về những tù nhân đang bị ngược đãi ở đó và chuỗi cung ứng các sản phẩm gia công xuất khẩu của Trung Quốc.
Vào tháng 3/2017, bà Christel Wallace ở Arizona đã phát hiện một lá thư gấp nhỏ giấu kín dưới đáy chiếc túi xách màu hạt dẻ mà cô mua từ một cửa hiệu của nhà cung cấp sản phẩm túi da Walmart vài tháng trước đó.
Bức thư được viết bằng tiếng Trung, với nội dung: “Các tù nhân tại nhà tù Yingshan ở Quảng Tây, Trung Quốc phải làm việc 14 tiếng một ngày và không được phép nghỉ trưa. Chúng tôi phải làm thêm giờ cho đến nửa đêm. Mọi người bị đánh đập nếu không hoàn thành công việc được giao. Không có muối và dầu trong bữa ăn của chúng tôi. Tất cả đồ thăm nuôi bị các cai ngục ăn chặn. Các tù nhân mắc bệnh bị khấu trừ tiền thuốc vào lương. Tù nhân ở Trung Quốc bị đối xử không bằng ngựa, bò, dê, lợn hay chó ở Mỹ”.
Một tháng sau khi bức thư được phát hiện, con dâu của bà Wallace, chị Laura Wallace, đăng hình ảnh chụp bức thư kèm ghi chú lên Facebook, thông tin này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng. Sau đó các cơ quan truyền thông địa phương đã cử phóng viên tìm hiểu về câu chuyện có phần ly kỳ này.
Vào thời điểm đó, phát ngôn viên của Walmart nói với KVOA, một cơ quan truyền thông trực thuộc hãng truyền thông NBC, rằng công ty không thể đưa ra bình luận vì “không có cách nào để xác minh tính chân thực của bức thư”. Vì điều này, nữ nhà báo Rossalyn A. Warren đã tới Trung Quốc để tìm tới nhà tù, nơi sản xuất các túi da mà Walmart nhập, nhằm làm sáng tỏ mọi chuyện. Những phát hiện của cô được ghi lại trong bài báo đăng trên Vox ngày 10/10/2018.
Kết quả điều tra của Vox
Theo thông tin trên bức thư, và nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Laogai (LRF), chuyên nghiên cứu về các nhà tù và trại cưỡng bức lao động ở Trung Quốc, nhà báo Warren đã tìm tới Quế Lâm, một thành phố thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để khám phá sự thật.
Khi tới nơi cô nhận được thông tin nhà tù Yingshan đã đóng cửa trước đó. Nói chuyện với cư dân xung quanh nhà tù, mọi người đều xác nhận đã từng tồn tại một nhà tù ở đó. Nhiều người nói rằng đã từng hoặc có người thân làm việc cho nhà tù này.
Một người dân tên Zhenzhu cho biết chồng bà đã từng là công nhân tham gia xây dựng nhà tù. Và thường xuyên quay lại sau khi nhà tù đã xây xong để thực hiện công tác bảo trì.
Các xe tải từ tỉnh Quảng Đông thường xuyên ra vào nhà tù này để lấy hàng, chồng của bà Zhenzhu nói với Warren.
Khi Warrren liên lạc với công ty Walmart thì được biết công ty này sau khi tổ chức một cuộc điều tra nội bộ đã thấy rằng ví da được cung cấp từ đối tác Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chuẩn của mình vì thế đã ngừng hợp tác với họ.
Walmart đã từ chối trả lời câu hỏi rằng công ty này có biết các ví da nhập từ Trung Quốc được sản xuất bởi các tù nhân của nhà tù Yingshan hay không.
Lá thư từ nhà tù
Câu chuyện này tương tự câu chuyện được kể trong bộ phim tài liệu “Lá thư từ Mã Tam Gia”.
Vào năm 2011, một phụ nữ có tên Julie Keith, cư dân vùng Oregon (Hoa Kỳ), đã phát hiện một lá thư trong món đồ chơi mà cô mua về trong dịp Halloween. Nội dung bức thư được viết bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, mô tả điều kiện sống khủng khiếp trong trại cải tạo Mã Tam Gia, một trại lao động mà giới chức Trung Quốc dùng để bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Tác giả của bức thư mà cô Keith phát hiện được là Tôn Nghị, một học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia.
Không những phải chịu đựng nhiều cuộc tra tấn tàn độc và kéo dài, ông Tôn còn bị ép làm việc trong chế độ khổ sai khoảng 20 tiếng mỗi ngày. Công việc mà ông phải thực hiện là sản xuất đồ chơi, trong đó có các đồ chơi dùng cho dịp Halloween.
Một lần, ông Tôn đã thực hiện một kế hoạch liều lĩnh khi bí mật bỏ 20 bức thư vào trong các sản phẩm mà các tù nhân của Mã Tam Gia sản xuất. Những đồ chơi này sau đó được xuất sang Hoa Kỳ và cô Keith là người đã mua một trong số đó.
Sau khi bộ phim về trại cải tạo Mã Tam Gia được công chiếu, dưới sức ép của quốc tế và giới truyền thông, vào năm 2013 nhà chức trách Trung Quốc đã buộc phải tuyên bố xóa bỏ các trại cưỡng bức lao động trên toàn quốc.
Nhưng theo The Epoch Times, nhiều tù nhân tại các trại cải tạo không được phóng thích mà bị chuyển tới những nhà tù khác.
Chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu “Made in China”
Sự cố nhà tù Yingshan và những nhà tù khác cho thấy một phần không nhỏ các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc được sản xuất trong các nhà tù, và cách các công ty phương Tây vô tình đã trở thành nhân tố hỗ trợ nền kinh tế nô lệ của Trung Quốc.
“Ở Trung Quốc, tất cả các số liệu thống kê liên quan tới các trại lao động cưỡng bức đều thuộc về ‘bí mật quốc gia’, thị trường quốc tế rất khó thẩm tra được nguồn gốc của các sản phẩm sản xuất bởi các nhà tù ở quốc gia này”, LRF viết trong một báo cáo vào tháng 8/2018.
Quan chức Hoa Kỳ đều bị nhà cầm quyền Bắc Kinh từ chối khi đưa ra đề nghị cho thăm những cơ sở sản xuất các mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc.
Báo cáo của LFR cũng cho thấy các công ty Trung Quốc khi xuất khẩu hàng hóa của mình sang thị trường nước ngoài, để che dấu nguồn gốc sản phầm từ các nhà tù, đã sử dụng tên các công ty khác thay thế.
Trong một số trường hợp, các công ty Trung Quốc đã không giấu giếm việc sử dụng lao động là các tù nhân để sản xuất các sản phẩm của mình, theo một điều tra của Tổ chức thế giới điều tra về cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) công bố hồi tháng 4/2018.
WOIPFG nắm trong tay rất nhiều tài liệu ghi nhận câu chuyện về nhiều học viên Pháp Luân Công bị kết án vô lý và bị tra tấn trong các trại cải tạo ở khắp Trung Quốc.
Dương Nghi