Đợt giá rét kỷ lục hoành hành tại nước Mỹ đã khiến 16 người thiệt mạng, trong khi hàng trăm người bị tổn thương cơ thể do tê cóng có nguy cơ mất chân hoặc tay.
Đợt giá rét kỷ lục khiến nhiều khu vực tại Mỹ chứng kiến nhiệt độ giảm sâu, có nơi tới -30 độ C. Tình hình thời tiến cực đoan khiến các bệnh viện tại nhiều thành phố của nước Mỹ chật kín bệnh nhân.
Nạn nhân tê cóng có thể mất tứ chi
Tại trung tâm y tế Cook County Health ở thành phố Chicago, thành phố được miêu tả là lạnh hơn cả Bắc Cực, hơn 50 bệnh nhân nhập viện do chân tay bị tê cóng.
Trong khi đó, bác sĩ Stathis Poulakidas từ bệnh viện John Stroger (cũng tại Chicago) cho biết cơ sở này có thể tiếp nhận tới 150 bệnh nhân tê cóng, và miêu tả đây là một trong những năm có số ca tê cóng lớn nhất trong suốt cuộc đời hành nghề y của mình.
“Tình hình thật tồi tệ, một số người có thể bị mất chân hoặc tay”, bác sĩ Stathis Poulakidas cho biết.
Một nửa số bệnh nhân nhập viện trong những ngày qua là những người vô gia cư. Số khác là những người mà đặc thù công việc buộc họ phải có mặt ngoài trời trong thời gian giá rét đỉnh điểm.
Bác sĩ Poulakidas cho biết các bệnh nhân gặp chấn thương nghiêm trọng ở tay và chân, một số người thậm chí có thể mất tay chân vì những tổn thương do tê cóng gây ra.
Theo bác sĩ từ bệnh viện John Stroger, trong những ngày giá rét kỷ lục vừa qua, tình trạng tê cóng có thể xuất hiện sau khoảng 3 đến 10 phút, tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng tiếp xúc của cơ thể với không khí, tình trạng ẩm ướt của giày và găng tay.
Trong những ngày rét cực độ tại miền Trung Tây nước Mỹ, ít nhất 16 người được ghi nhận đã thiệt mạng với liên quan tới thời tiết.
Lạnh hơn cả Bắc Cực
Thời tiết giá rét được CNN miêu tả là “tàn bạo” đạt tới đỉnh điểm vào sáng 31/1. Theo Cơ quan khí tượng Mỹ, nhiệt độ tại 11 bang thấp hơn nhiệt độ ghi nhận tại Alaska, bang cực Bắc của nước Mỹ.
Các bang Nam Dakota, Bắc Dakota, Minnesota, Illinois, Iowa, Indiana, Michigan, New Hampshire, Wisconsin, New York và Pennsylvania ghi nhận nhiệt độ giảm xuống dưới -30 độ C. Nhiệt độ này thấp hơn nhiệt độ ghi nhận trong cùng ngày ở thị trấn Barrow tại Bắc Cực.
Đỉnh điểm của giá rét được ghi nhận vào 7 giờ sáng ngày 31/1 (giờ bờ Đông của Mỹ), với 216 triệu người sống tại khu vực có nhiệt độ dưới mức đóng băng, trong khi 84 triệu người hứng chịu giá rét ở mức nhiệt -20 độ C.
Một ôtô lún dưới lớp tuyết dày ở New York. Ảnh: Reuters. |
Chicago, tâm điểm đợt giá rét, có thời điểm chứng kiến nhiệt độ giảm xuống mức -31 độ C, gần chạm mức rét kỷ lục -33 độ C của thành phố này. Thành phố này cũng chịu những cơn gió từ phương Bắc rét tới -40 độ C.
Trong đỉnh điểm giá rét, người dân Chicago chứng kiến hiện tượng khoa học có tên “động đất băng”. Hiện tượng này xuất hiện khi nước dưới lòng đất bị đóng băng, làm thể tích của chúng tăng lên, khiến đất đá bên trên bị nứt vỡ.
Một số người dân tại Chicago đã bị tỉnh giấc trong đêm 31/1 sau những tiếng nổ lớn, hệ quả từ hiện tượng “động đất băng”.
“Tôi cứ nghĩ là mình đã phát điên. Cả đêm tôi không thể ngủ được bởi nghe thấy những tiếng nổ”, Chastity Clark Baker, một cư dân Chicago, chia sẻ với hãng tin WGN.
Các dịch vụ thiết yếu ngưng trệ
Cơ quan dịch vụ bưu chính Mỹ cho biết thời tiết giá rét đã khiến dịch vụ chuyển phát bị gián đoạn tại các bang Illinois, Indiana, Michigan, Ohio, Pennsylvania và Wisconsin.
Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Mỹ cho biết 370 trung tâm hiến máu đã dừng hoạt động trên khắp cả nước do tình trạng thời tiết tồi tệ.
“Hội Chữ thập đỏ hiện có nhu cầu khẩn cấp về tất cả các loại máu và tiểu cầu để giúp đảm bảo điều trị y tế và cấp cứu không bị gián đoạn”, phát ngôn viên của Chữ thập đỏ Mỹ Stephanie Rendon cho biết.
Tại bang Michigan, các văn phòng chính phủ đóng cửa 2 ngày liên tiếp do điều kiện thời tiết khẩn cấp.
Một con tàu đóng băng tại cảng New Bedford, bang Massachusetts. Ảnh: AP. |
Giao thông cũng bị gián đoạn tại nhiều bang của Mỹ. Hơn 2.300 chuyến bay đã bị hủy bỏ trong ngày 31/1. Trong khi đó, 3.600 chuyến bay đến và đi khác từ các sân bay trên lãnh thổ nước Mỹ cũng bị ảnh hưởng về thời gian cất, hạ cánh.
Tuy nhiên, tình hình thời tiết được cho là sẽ sớm tốt lên và nắng ấm sẽ trở lại với người Mỹ vào cuối tuần này.
“Tình hình sẽ tốt dần lên từ ngày 1/2. Nhiệt độ sẽ nhanh chóng tăng trở lại tại những vùng lạnh cực độ, tạo ra hiệu ứng chênh lệch nhiệt độ”, chuyên gia địa chất học Dave Hennen cho biết.
Tại Chicago, nhiệt độ sẽ tăng nhanh từ mức lạnh kỷ lục -30 độ C lên khoảng 10 độ C vào ngày 4/2. Trong khi đó, thành phố Atlanta cũng sẽ sớm thoát khỏi tình trạng rét cực độ, khoảng -28 độ C, và nhiệt độ có thể đạt 18 độ C vào ngày 3/2, thời điểm trận chung kết bóng bầu dục Mỹ (Super Bowl) diễn ra.