Sau lụt Hồng thủy, Noah không bao giờ đóng tàu nữa và ông tiếp tục sống thêm ba trăm năm mươi năm. Ông canh tác đất đai của mình, làm việc trong vườn nho và quan sát cái gia đình khổng lồ của mình ngày càng đông đúc. Tới tuổi chín trăm năm mươi, ông qua đời, biết rõ rằng các con trai của mình là tổ tiên của các dân tộc trên thế giới.
Từ bảy con trai của Japheth mà ra những người không phải chủng tộc dân Hebrew, hoặc những dân tộc không phải Hebrew. Năm con trai của Sem sẽ là tổ tiên của người Semit, hoặc người Hebrew; và từ dòng tộc này sẽ sinh ra hai người nổi bật là Abram và Lot. Bốn con trai của Ham sẽ lên đường và cư trú ở châu Phi và cũng là tổ tiên của cư dân không phải Hebrew ở Canaan. Kết quả là hậu duệ của Sem, mà về sau được gọi là người Israel, sẽ đánh nhau triền miên với người Canaan, hậu duệ của Ham, nhưng việc đó chưa xảy ra trong nhiều nhiều năm sau cái chết của Noah.
Các hậu duệ của Noah rời miền Núi Arrarat, đi về phương nam vào thung lũng Euphrates. Họ tìm thấy vùng đồng bằng Sinai màu mỡ, thuộc phần đất của xứ sở Babylon và định cư lập nghiệp ở đó.
Họ bảo nhau, “Chúng ta hãy làm ra gạch và hồ vữa. Và chúng ta hãy xây dựng một thành để có thể chung sống với nhau tại đó. Và chúng ta hãy xây một cái tháp, thật lớn và cao ngất tới nỗi chóp đỉnh của nó sẽ chạm bầu trời. Chúng ta sẽ làm cho chúng ta vang danh bằng cái tháp đó, và chúng ta sẽ là một dân tộc thay vì bị phân tán ra khắp mặt đất.”
Họ khởi sự làm việc, và phải nói rằng họ làm việc hết sức lực của mình. Họ nắn gạch, rất nhiều gạch, và chuyên chở nặng nề tới khu vực xây cất. Họ chồng gạch với hồ vữa càng ngày càng cao cho tới khi cái tháp cao ngất và tráng lệ như một ngôi đền thờ thần ngoại đạo. Và họ vẫn tiếp tục xây lên. Họ không cần có một cái tháp trau chuốt và rộng thênh thang, nhưng họ muốn cái tháp của họ là một công trình xây dựng vĩ đại nhất thế gian để họ có thể chỉ tay vào nó với niềm kiêu hãnh về thành tựu của mình.
Và rồi Thiên Chúa nhìn xuống cái thành và cái tháp mà con cháu loài người đang xây cất. Ngài không thích cái tháp và điều mà cái tháp đó có ý nói với ngài về sự kiêu hãnh của loài người. Ngài nghĩ, “Hết thảy người ta ở mặt đất là một dân duy nhất và chúng chỉ có một thứ tiếng nói độc nhất. Đã như thế rồi mà chúng còn làm việc này để giữ chúng lại với nhau. Nếu chúng có thể làm một việc như thế này thì chắc chắn sẽ không gì có thể ngăn cản chúng làm bất cứ điều gì chúng mơ ước. Nhưng nỗi lòng kiêu hãnh là đủ có tội rồi. “Vì quả thật như thể họ lại hoàn toàn quên Thiên Chúa và bắt đầu tôn thờ những tạo phẩm do tay mình làm ra. “Ta hãy xuống đó và làm xáo trộn lung tung tiếng nói của chúng,” Chúa nói, “để chúng không hiểu được lời nói của nhau”.
Và thình lình, những người đang xây thành và cái tháp không hiểu được nhau. Công việc lập tức ngừng lại. Không thể tiếp tục xây dựng khi các công nhân đều nói bằng các thứ tiếng khác nhau. Khắp trong thành đều xảy ra điều giống như vậy. Những ai có thể hiểu nhau thì đến với nhau hoặc bỏ đi để sống với nhau. Chẳng bao lâu xuất hiện khắp mặt đất các nhóm dân tộc nhỏ nhoi nói thứ tiếng riêng của mình. Những ai bị ở lại thành ấy thì hoàn toàn bỏ dở việc xây cất vì hầu hết cư dân trong thành đã phân tán đi rất xa và rất nhiều nơi. Và đó là lý do thành ấy được đặt tên là Babel; chính ở đó Thiên Chúa làm lộn xộn tiếng nói chung của thế giới, và từ nơi đó, người ta phân tán tới những góc xa xôi của mặt đất để lập nên các dân tộc riêng rẽ, mỗi dân tộc có một thứ tiếng của chính nó.
Lời bàn:
Cũng như con tàu Noah, khoa học đã khám phá ra manh mối của tháp Babel.
Như đã từng nhận định ở kỳ trước, trận lụt Hồng thủy là công cụ để Thiên Chúa làm tinh sạch mọi tội và nghiệp của loài người đã sa đọa, để chúng sinh lại bước vào một kỷ nguyên mới tinh tươm nơi con người lại trong trắng và thiên nhiên không còn mang nghiệp lực.
Người Trung Quốc có câu: “Biết đâu năm trăm năm trước chúng ta là người một nhà”. Câu này đa nghĩa, nhưng có ý rằng chúng ta có chung tổ tiên. Gia đình Noah cũng là một gốc như thế, từ mấy cá nhân còn sót lại của gia đình này mà sinh sôi nảy nở ra nhiều con cháu, nhiều thế hệ và tỏa đi khắp nơi. Chẳng mấy chốc loài người lại trở nên đông đúc.
Nhưng hình như cứ khi trở nên đông đúc và có chút thành tựu là con người lại trở nên kiêu ngạo và mê mờ hơn. Khi thế giới còn hoang sơ, họ chất phác bao nhiêu thì giờ đây họ tinh ranh bấy nhiêu. Sau rất nhiều năm cố gắng tồn tại, va chạm với thiên nhiên và đời sống, họ đã hình thành rất nhiều quan niệm. Họ cho rằng nhờ đó mà họ thành công. Từ đó, họ cảm thấy mình tài tình. Họ muốn trở nên vĩ đại bằng thành tựu của riêng mình. Họ đã quên mất ai là người đã tạo ra họ, đã ban cho họ mọi trí tuệ, sức mạnh và mọi thứ để họ hưởng dụng: Thiên Chúa. Và lần này cũng thế, họ muốn xây dựng một kỳ quan: tháp Babel.
Ngọn tháp này thật là kỳ vĩ, “thật lớn và cao ngất tới nỗi chóp đỉnh của nó sẽ chạm bầu trời”. Họ muốn vang danh thiên hạ bằng cái tháp đó, muốn là một dân tộc vĩ đại vì có chung công trình có một không hai đó.
Người ta quên rằng, họ là một dân tộc chỉ vì họ có cùng một thứ tiếng nói: ca ngợi về Thiên Chúa của họ. Chính là vì họ có chung Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo ra họ, chứ không phải vì những của cải vật chất họ chung tay làm ra. Tiếc thay, tín ngưỡng thiêng liêng đã bị thay thế bằng vật chất tầm thường. Họ đã chối bỏ nguồn gốc linh thiêng của mình mất rồi.
Có những người cho rằng, mỗi sắc dân đều có Đấng Sáng Tạo của riêng mình. Chủng da trắng được sáng tạo bởi Thiên Chúa Jehovah, chủng da vàng được sáng tạo bởi bà Nữ Oa và các vị Thần phương Đông khác. Nhưng dù thế nào thì cái gốc của con người là thần thánh. Chối bỏ thần thánh là có tội.
Giả sử khi ngọn tháp Babel này xây xong, loài người sẽ làm gì tiếp theo? Chắc hẳn khi đứng dưới tháp vỗ tay và ngước nhìn lên đỉnh ngọn tháp chọc vào trong mây, con người sẽ nghĩ rằng: “Ồ, con người chúng ta thật là vĩ đại, tự tay chúng ta làm được điều này. Chúng ta không kém gì các Thần. Chúng ta có thể thay thế bọn họ. Nếu quả thật có Thần thì cũng chỉ làm được đến thế mà thôi.”
Một niệm ấy nếu nảy sinh, cả đất trời đều biết. Cho nên, Thiên Chúa hết sức không hài lòng với họ. Cũng như trong các tín ngưỡng phương Đông, trong Thiên Chúa giáo cũng đề cao đức khiêm nhường. Nên sự kiêu hãnh hay kiêu ngạo chính là một tội. Khi hoàn thành một công việc, con người thấy tự hào nhưng đồng thời tự nhủ mình còn phải làm nhiều điều tốt hơn nữa. Đó không phải là kiêu ngạo. Lòng kiêu ngạo là khi người ta tự mãn và coi thường hết thảy thì tội lỗi ấy sẽ cản trở người ta tìm đến Thiên Chúa. Thi Thiên 10:4 giải thích rằng những kẻ kiêu ngạo bị lấp đầy bởi chính bản thân họ đến nỗi tư tưởng của họ cách xa Thiên Chúa: “Kẻ ác lên mặt kiêu ngạo, không tìm kiếm Ngài. Không có Đức Chúa Trời trong mọi suy tư của hắn”. Châm ngôn 16:18-19 cho chúng ta biết rằng: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tính tự cao đi trước sự sa ngã. Thà khiêm nhượng mà ở với người cùng khốn còn hơn là chia của cướp cùng kẻ kiêu ngạo”. Trong 2 Cô-rinh-tô 10:13, lời thánh Paul (Phao lô, Paulus) có ý nói rằng: Chúng ta không phải là để khoe khoang về chính bản thân mình; nếu chúng ta muốn khoe mình, chúng ta là để công bố sự vinh quang của Thiên Chúa. Những điều chúng ta nói về bản thân mình không có ý nghĩa gì trong công việc của Thiên Chúa. Chúa nói những gì về chúng ta, đó mới là điều làm nên sự khác biệt.
Thực ra, nếu người ta chấp nhận Thiên Chúa hay Đấng Sáng Tạo là Đấng đã tạo ra mình thì có gì để khoe khoang? vì hết thảy những bản lãnh mà con người ta có được đâu phải do tự thân mà là được ban cho. “Điều mà anh chị em có không phải do anh chị em đã nhận lãnh sao? Nếu anh chị em đã nhận lãnh tại sao anh chị em lại khoe khoang như chưa bao giờ phải nhận lãnh?” (1 Cô-rinh-tô 4:7).
Satan vốn ban đầu cũng là một Thiên Sứ, nhưng lòng kiêu ngạo muốn thay thế Chúa Trời đã khiến hắn mù quáng và bị ném khỏi Thiên đàng và sẽ bị quăng vào địa ngục khi sự phán xét cuối cùng của Thiên Chúa đến (Ê-sai 14:12-15, Ê-sai 14:22).
Ở phương Đông, những người tu luyện theo đường lối Phật gia cũng hết sức tránh sự kiêu ngạo. Nhưng người ta gọi nó với cái tên khác: Tâm hiển thị. Khi con người có tâm hiển thị thì đã tự tách mình ra khỏi vũ trụ nhất thể, lúc đó họ hoàn toàn đơn độc và yếu đuối. Những người tu có thành tựu mà xuất tâm hiển thị cũng dễ sa ngã, đi vào ma đạo và hoàn toàn không thể tu thành.
Cho nên, Thiên Chúa thấy rằng Ngài cần ngăn chặn việc này từ sớm. Nếu không, biết đâu loài người có ngày sẽ chống đối với ngài bằng khoa học kỹ thuật của họ?
Biện pháp của Thiên Chúa là khiến họ bất đồng ngôn ngữ vì vậy họ không thể hợp tác được với nhau nữa và công việc bị bỏ dở. Hóa ra ước nguyện của họ khi xây tháp lại bị phản tác dụng. Thay vì họ hợp lại thành một dân tộc lớn mạnh, giờ đây họ lại bị chia rẽ thành nhiều nhóm nhỏ. Dĩ nhiên, người ta chỉ đến với nhau nếu họ hiểu được nhau. Và đấy là nguồn gốc của các dân tộc được giải thích theo nghĩa bề mặt.
Ở một góc nhìn khác, chúng ta cũng có thể coi tháp Babel mang một ý nghĩa biểu tượng. Đó là một công trình phải tập trung hết thảy mọi kỹ thuật, mọi trí tuệ của con người. Do vậy, tháp Babel là sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, khi tri thức nhân loại càng tăng lên theo chiều dài của lịch sử thì sẽ đến một lúc nó vượt quá khả năng nhận thức của một cá nhân. Xã hội sẽ thêm rất nhiều ngành nghề mới, hoặc từ một nghề sẽ chia ra thành nhiều lĩnh vực nhỏ tinh vi chi tiết hơn.
Ví dụ, thời xưa người ta chỉ mới biết một vài nguyên tắc vật lý cơ bản. Ngày nay, ngành vật lý chia ra rất nhiều chuyên ngành khác nhau. Riêng Cơ học đã chia ra nào là: cơ học chất lưu, cơ học sinh học, thủy lực học, cơ học lý thuyết, cơ học lượng tử… những ngành học càng đi sâu vào thì càng chuyên biệt và tất nhiên người trong nghề có những ngôn ngữ riêng mà người ngoài không thể hiểu được. Chúng ta hãy thử một lần ngồi trong một nhóm toàn các kỹ sư IT thảo luận về nghề nghiệp với nhau, ta sẽ thấy rằng, cùng là dân một nước với ta nhưng họ đang nói một ngôn ngữ khác. Những vấn đề này trước đây không rõ ràng lắm, nhưng hiện nay ngày càng nổi bật và phân hóa mạnh thuận theo đà tiến lên của khoa học kỹ thuật. Đến nỗi đã có người có ý tưởng cấy chíp vào đầu người để có thể tiếp nhận nhiều kiến thức hơn. Đấy là một vấn đề hết sức sai lầm và nghiêm trọng. Tuy nhiên, đó là gì nếu không phải sự bất đồng ngôn ngữ do tri thức khoa học kỹ thuật của nhân loại ngày càng nhiều lên.
Vậy thì, một công trình như tháp Babel sẽ cần đến bao nhiêu kỹ sư, bao nhiêu loại kiến thức phức tạp… thì sẽ có bấy nhiêu ngôn ngữ chuyên môn khác nhau. Và nếu Thiên Chúa không làm như ta đã đọc được, thì bản thân công việc xây dựng tháp Babel đã là một thử thách to lớn về sự phối hợp do bất đồng ngôn ngữ. Giống như Adam mà Eva đã ăn trái cấm của cây Biết Tốt Biết Xấu để có kiến thức và để trở nên khôn ngoan hiểu biết như Thiên Chúa, các con cháu của họ cũng muốn vươn tới tầm cao của Thiên Chúa bằng con đường khoa học kỹ thuật. Nhưng họ có làm được không? Tháp Babel sẽ vĩnh viễn là sai lầm lặp đi lặp lại của các nền văn minh nhân loại.
Chúng ta thấy bao nhiêu những công trình kiến trúc vô cùng đồ sộ, tráng lệ, kỹ thuật siêu cao có niên đại hàng vạn năm, hàng triệu năm trước đã bị vùi lấp trong lòng đất và lòng biển. Các công trình này đều thuộc về những nền văn minh quá khứ còn cao hơn nền văn minh đương đại của con người. Vậy mà con người thời ấy đâu rồi?
Ví dụ như Kim Tự Tháp Yonaguni ở khu vực thềm lục địa Okinawa Nhật Bản, các Kim Tự Tháp khổng lồ dưới đáy Bermuda và các công trình kiến trúc khổng lồ bị vùi lấp khác cũng là một dạng biểu tượng giống như tháp Babel mà thôi. Cho nên, lịch sử lặp lại với cùng một tư duy sai lầm của con người. Chỉ có bỏ đi tâm phân biệt, sự truy cầu kiến thức, thói ích kỷ và kiêu mạn; trở nên thuần phác, đơn giản và có một đức tin mãnh liệt để làm theo những lời dạy của Đấng Sáng Tạo mới là con đường trở về của nhân loại với hạnh phúc và trí tuệ thực sự. Bởi khi người ta biết sửa mình theo những nguyên tắc mà Đấng Sáng Tạo đặt ra, thì người ta mới trở lại làm một với Đấng Sáng Tạo và vũ trụ.
Vậy nên, tháp Babel tiếng Hebrew (Do Thái) chính là sự lộn xộn.
Ngẫm lại, chúng ta chẳng đang tiếp tục xây những tháp Babel hay sao?
Bình Nguyên