Đáng chú ý, vào năm 2012, ông từ bỏ một vụ án liên quan đến hai người con của Trump, trong việc quản trị toà nhà khách sạn-chung cư ở khu Hạ Manhattan. Báo chí lá cải gọi Vance là “Cy Nhu mì,” miêu tả ông là một hướng đạo sinh tốt bụng không đủ bản năng tiêu diệt cần thiết để tóm được những tội phạm cổ cồn trắng lớn nhất ở New York. Cựu Biện lý Hoa Kỳ quận Nam New York, Preet Bharara cho hay, “Tôi nghĩ, ông ấy nhận nhiều chỉ trích không đáng có. Rất khó. Lý lịch chuyên môn không hoàn hảo. Có thể hơi chút cảnh giác, nhưng ông ấy ngay thẳng và đầy chính trực.”
Do Vance đối mặt với một kẻ thù có tính cách hoàn toàn trái ngược với ông, nên một số điểm của ông có thể trở thành điểm mạnh. Trump cáo buộc các công tố viên điều tra ông đang trả thù chính trị. Sau khi Tối cao Pháp viện cho phép Vance thực thi trát đòi, cựu Tổng thống lên án cuộc điều tra “là sự tiếp tục cuộc săn lùng phù thuỷ lớn nhất trong lịch sử quốc gia chúng ta” vì “hoàn toàn được Dân chủ truyền cảm hứng, ở một nơi thuộc về Dân chủ, thành phố và tiểu bang New York.”
Vance có tiếng tỉnh táo và có phương pháp nên những đả kích, tấn công như vậy không đi đến đâu. “Chúng tôi không hoạt động một cách chính trị,” Biện lý Hoa Kỳ nói. Vance chia sẻ, bất cứ khi nào ông ấy vào văn phòng đều đi ngang qua toà nhà toà án số 60 đường Centre. “Có một dòng chữ trên toà nhà khổng lồ ghi: ‘Hành chánh thực sự của công lý là cột trụ vững chắc của một chính phủ tốt.’” Vance lưu ý, câu trích dẫn này của George Washington. “Khi người ta có tất cả quyền lực thì chúng tôi có công tố viên, nó không thể được sử dụng chống lại người ta vì những mục đích chính trị. Chúng tôi truy tố Cộng hoà và Dân chủ, và chúng tôi đã điều tra, và không truy tố Cộng hoà và Dân chủ. Tất cả phải dựa trên sự thật.”
Vance duy trì nguyên tắc này, theo cách của ông, thậm chí ngay cả trong những câu chuyện với bạn bè. Jonathan Alter nhớ, vào khoảng năm 2017, khi ông tìm cách nói về chủ đề truy tố Trump, nhưng Vance từ chối nhắc đến vấn đề này. “Anh ấy giống như Joe Friday – ‘Chỉ có sự thật.’” Alter bảo, Vance cảm nhận về bản thân là người ngay thẳng, trung thực, phản ánh “toàn bộ chuyện càng quyền cao chức trọng càng gánh trách nhiệm xã hội nặng nề,” và “đó là gốc gác của anh ấy.”
Là thế hệ công chức thứ ba, Vance thuộc gia đình danh giá. Bố của ông, Cyrus Vance, Sr., trở thành Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Jimmy Carter sau nhiều năm phục vụ trong chính phủ, kể cả những vai trò hàng đầu trong chính quyền Kennedy và Johnson. Khi Vance Sr. 5 tuổi, bố ông qua đời, và ông được chú họ John W. Davis nuôi dưỡng. Davis từng là ứng cử viên Tổng thống Dân chủ vào năm 1924, nhưng bị Calvin Coolidge đánh bại. Sau đó, ông Davis chuyển sang giúp thành lập hãng luật danh tiếng Davis, Polk và hội đồng tinh nhuệ về đối ngoại. Vance Bố theo con đường tương tự, trở thành luật sư tại hãng luật nổi tiếng Simpson, Thacher & Bartlett trước khi tham gia chính phủ Kennedy và trở thành Bộ trưởng Lục quân.
Như những người đi trước, Vance, Jr. cũng chật vật với những đòi hỏi gay gắt của chính trị bán lẻ. Giống như họ, ông là một thành viên thận trọng của giới thế giá, những người không thoải mái với xã giao và đấu đá nội bộ. Davis vào năm 1924 lên án ku Klux Klan, nhưng vào đầu những năm đầu những năm 1950, ông lại thất bại trong việc bênh vực các trường học “tách biệt nhưng công bằng” trong vụ Brown v. Board of Education trước Tối cao Pháp viện. Cyrus Vance Bố cũng gặp khó khăn trong định hướng chính trị. Ông rõ ràng làm Tổng thống Carter “ngứa mắt” khi xuất hiện trên các chương trình truyền hình. Và vào năm 1980, Vance Bố cảnh báo Carter về kế hoạch quân sự giải cứu các con tin Mỹ ở Iran quá nguy hiểm. Carter phớt lờ cảnh báo này, và cuối cùng chiến dịch bị thất bại, 8 quân nhân bị thiệt mạng và không con tin nào được giải cứu. Vance Sr. từ chức. Vào lúc đó, Vance Jr. đang theo học trường luật Georgetown. “Bố tôi thực sự gặp khó khăn, theo nghĩa, Tổng thống đã không nghe theo lời cố vấn của ông ấy. Tôi nghĩ, ông ấy cảm thấy bị xúc phạm, hoặc bị tổn thương. Nhưng ông ấy không phải là người đi ra ngoài kia để bày tỏ giận dữ hoặc tổn thương,” Biện lý Vance chia sẻ.
Mặc dù rất kính trọng, nhưng Vance Jr. muốn thoát khỏi bóng cha. Ông kể, ban đầu làm việc cho một công ty vận tải Tây Phi nhưng “hoá ra lại là một doanh nhân tệ.” Rồi Vance Jr. hạ cánh ở Văn phòng Biện lý Manhattan vốn có thẩm quyền tài phán về những hồ sơ liên quan đến một số tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới. Dòng dõi của Vance chắc chắn đã đóng vai trò giúp ông được mướn vào đây, vì Biện lý Hoa Kỳ lúc đó là ông Morgenthau thường tuyển những người đàn ông trẻ từ các gia đình nổi tiếng. Vance nhanh chóng trở thành thành viên ban chống tội phạm có tổ chức của Morgenthau – nơi đã khởi tố nhiều vụ án tài chánh thách thức nhất của Văn phòng Biện lý Manhattan.
Năm 1988, Vance quyết định cùng vợ dọn sang Seattle. Ông nhớ lại, khi đang dọn đồ ra xe thì bị bố la rầy một cách khó chịu. “Cy – con đang vẫy cờ trắng nghề nghiệp của mình,” Vance kể. Bố ông muốn con trai mình có chỗ đứng trong xã hội New York. Nhưng ở Seattle, Vance lập văn phòng luật riêng và khá thành công. Một trong những người Vance biện hộ là Thomas Stewart – một ông trùm kinh doanh cánh hữu bị tố cáo nhiều vi phạm tài chánh vận động tranh cử.
Vào năm 2004, Vance quay trở lại New York làm việc cho hãng luật Morvillo, Abramowitz. 5 năm sau, ông ra tranh cử Biện lý Manhattan. Không giống như các vị tiền nhiệm huyền thoại như Thomas Dewey, Frank Hogan, và Morgenthau – những người thích thập tự chinh báo chí, tham vọng chức vụ chính trị cao hơn, Vance là người tập trung vào công việc chính sách cấp tiến quan tâm nhiều hơn đến những chủ đề như các chiến lược giảm tội phạm dựa vào cộng đồng. Ông lịch sự, nhã nhặn nhưng khó gần. Vance cho rằng, cách “xả xú páp” căng thẳng là thiền mỗi ngày. Một nhà chiến lược chính trị ở New York, Bruce Gyory nói về Vance, “Ông ấy không thích chính trị nhiều, và ông ấy chẳng giỏi về chính trị.” Tuy nhiên, bất chấp những gì New York Times gọi là “ác cảm với sự tự cường điệu” gần như chết người, và với sự hậu thuẫn của Morgenthau và các quỹ vận động hào phóng, Vance Jr. thắng cử Biện lý Manhattan.
Hương Giang (Theo The New Yorker)