Lần đầu tiên sau Thế chiến II, bang Minnesota huy động Vệ binh Quốc gia ở quy mô toàn diện, một số địa phương tại Mỹ ra lệnh giới nghiêm trước nguy cơ biểu tình leo thang bạo lực.
Làn sóng phản ứng kịch liệt trước cái chết của George Floyd đã lan rộng trên khắp nước Mỹ. Floyd là một người đàn ông người Mỹ gốc Phi hơn 40 tuổi bị cảnh sát ghì đầu gối lên cổ trong quá trình bắt giữ dẫn đến tử vong vào tuần qua. Các cuộc biểu tình nổ ra tại ít nhất 30 thành phố, trong đó có cả thủ đô Washington D.C. Đã xảy ra một số vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Ảnh: Reuters. |
Thống đốc bang Minnesota, Tim Walz, đã kêu gọi người dân đừng ra khỏi nhà trong chiều tối 30/5. Ông thông báo đã ký một sắc lệnh cho phép sử dụng các nguồn lực liên hợp, giữa các hạt và thành phố nằm gần nhau, để ứng phó tình trạng khẩn cấp. Lần đầu tiên sau Thế chiến II, bang Minnesotia cũng kích hoạt toàn diện lực lượng Vệ binh quốc gia để khôi phục trật tự cho thành phố Minneapolis, nơi George Floyd thiệt mạng. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, cảnh sát New York đã tiến hành hơn 20 vụ bắt giữ có liên quan đến biểu tình trong ngày 30/5. Một số nghi phạm ném bom xăng Molotov, trong đó có vụ việc đốt xe cảnh sát tại thành phố vào ngày 29/3 chở 4 cảnh sát, đã bị khởi tố cấp liên bang. Ảnh: Reuters. |
Chạm trán giữa người biểu tình và cảnh sát leo thang căng thẳng, bùng phát bạo lực tại một số nơi. Tại Philadelphia, một số hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy có đám cháy và khói đen bùng phát gần tòa thị chính. Ảnh: Reuters. |
Thị trưởng thành phố Los Angeles, ông Eric Garcetti, ngày 30/5 tuyên bố áp dụng lệnh giới nghiêm kéo dài từ 20h đến 5h sáng hôm sau. Thông báo trên mạng xã hội, ông khẳng định người dân có quyền tự do ngôn luận, lẫn quyền “được sống không sợ hãi và phá hoại”. Garcetti nhấn mạnh lệnh giới nghiêm nhằm tăng sự an toàn cho người biểu tình, người chấp pháp và mọi công dân. Ảnh: Reuters. |
Làn sóng biểu tình trước cái chết của George Floyd bùng phát giữa lúc nước Mỹ vẫn đang đối diện rủi ro tái bùng phát dịch Covid-19 trên diện rộng. Thống đốc một số bang đã nỗ lực kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc và tái lập trật tự. Ảnh: Reuters. |
Theo CNN, ít nhất 7 bang tại Mỹ cùng thủ đô Washington D.C đã kích hoạt hoặc đề nghị Vệ binh Quốc gia tham gia ứng phó biểu tình. Bang mới nhất là Utah. Thống đốc Gary Herbert đã thông báo huy động Vệ binh Quốc gia để đối phó biểu tình ở thành phố Salt Lake, nơi xuất hiện tình trạng leo thang bạo lực và hôi của tại khu trung tâm. Ông kêu gọi người biểu tình hành động một cách hòa bình. Ảnh: Reuters. |
Thành phố Cleveland, bang Ohio, đã tiếp bước Los Angeles và áp dụng lệnh giới nghiêm. Lệnh bắt đầu có hiệu lực từ 20h đêm 30/5 (giờ địa phương) và kéo dài đến 8h sáng ngày hôm sau. Cảnh sát thông báo biện pháp này nhằm đối phó với “bạo lực và bất ổn”. Tình trạng này đang leo thang đáng báo động ở nhiều thành phố Mỹ. Cảnh sát thành phố Seattle, bang Washington, ngày 30/5 mô tả người biểu tình đã trở nên hung hăng và bạo lực. Ảnh: Reuters. |
Thành phố Atlanta, thủ phủ bang Georgia, cũng diễn ra biểu tình nghiêm trọng khiến Thị trưởng Keisha Bottoms phải tuyên bố lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 21h đêm 30/5 (giờ địa phương) cho đến rạng sáng ngày hôm sau. Bà cho biết đợt biểu tình đêm 29/5 đã dẫn đến bất ổn và hôi của nghiêm trọng. Lệnh giới nghiêm nhằm “khôi phục lại thành phố”. Ảnh: Reuters. |
Nước Mỹ dự kiến sẽ phải gồng mình qua thêm một đêm biểu tình đầy hỗn loạn, với tâm lý phẫn nộ của người dân tăng cao. Họ đòi công lý cho cái chết của ông George Floyd và siết chặt kiểm soát cảnh sát, phản đối phân biệt chủng tộc. Ảnh: Reuters. |
Tại Miami, người biểu tình đã tập trung gần trụ sở chính của cảnh sát khiến nhiều người lo ngại tái diễn cảnh đốt phá đồn cảnh sát như ở Minnesota. Ảnh: Reuters. |