Hành trình trở thành triệu phú trên đất Mỹ của Bill Nguyễn khiến nhiều người nể phục khi biết rằng anh vốn xuất phát điểm từ một gia đình nghèo, hoàn toàn gây dựng sự nghiệp từ con số 0.
Bill Nguyễn là nhà sáng lập của 2 công ty gồm Onebox và Lala.com sau này đều được mua lại với giá lần lượt 850 triệu USD và 80 triệu USD. Anh cũng là người được Fobes bình chọn là một trong 40 người dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ.
Hành trình trở thành triệu phú trên đất Mỹ của Bill Nguyễn khiến nhiều người nể phục khi biết rằng anh vốn xuất phát điểm từ một gia đình nghèo, hoàn toàn gây dựng sự nghiệp từ con số 0.
Tự hứa với bản thân không bao giờ để mình khổ như khi còn nhỏ
Bill Nguyễn sinh năm 1971 tại Mỹ và là con của 2 người nhập cư. Vì sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống nghèo khổ luôn ám ảnh Bill Nguyễn. Chính vì vậy anh đã tự hứa với lòng mình rằng khi lớn lên sẽ không để mình phải sống khổ thêm một ngày nào nữa.
Ngay khi 16 tuổi, Bill Nguyễn đã chuyển ra ngoài sống và bắt đầu đi làm thêm. Công việc bán xe cũ không chỉ giúp anh có đủ tiền trả học phí, tiền nhà mà thậm chí là còn dư để mua một chiếc xe riêng.
Đến khi học đại học, Bill Nguyễn làm thêm công việc phân tích tài chính cho hãng American Express và đây là bước đệm quan trọng cho sự nghiệp sau này của Bill Nguyễn.
Đáng tiếc Bill Nguyễn đã phải bỏ dở việc học tại đại học Houston Baptist tại Mỹ nhưng nhờ kinh nghiệm trong ngành tài chính, Bill Nguyễn đã tìm ra được hướng đi đúng đắn cho tương lai.
Thành lập 8 công ty, bán được hàng trăm triệu USD
Sự nghiệp của Bill Nguyễn bắt đầu kể từ khi anh gia nhập Forefront – một công ty phần mềm và khi đó anh mới 21 tuổi. Công ty này thành lập năm 1992 và IPO thành công vào năm 1995. Dù còn khá non trẻ nhưng công ty này đã nhanh chóng đạt mức giá trị 150 triệu USD.
Sau đó, Bill Nguyễn đảm nhận vị trí điều hành 2 công ty khác là Freeloader và Support.com. Đỉnh điểm thành công của Bill Nguyễn là vào năm 1999 khi anh thành lập nên Onebox – phần mềm chuyển tin nhắn và sau đó bán lại cho Phone.com với mức giá không tưởng 850 triệu USD.
Lúc này, tên tuổi của anh xuất hiện trên khắp các mặt báo với sự ngưỡng mộ của tất cả mọi người bởi đây là công ty đầu tiên do anh sáng lập và làm chủ thực sự. Thương vụ mua bán này thậm chí gây chấn động làng công nghệ nhất là khi thông tin Bill Nguyễn chỉ mất 60 triệu để vận hành công ty này trước khi bán cho Phone.com.
Sau đó, vào năm 2000, Bill Nguyễn là sáng lập viên, giám đốc và là thành viên của hội đồng quản trị công ty phần mềm Seven Networks. Phần mềm ứng dụng cho các thiết bị di động hỗ trợ truy cập các dịch vụ dữ liệu của Seven Networks được ứng dụng khá rộng rãi và được các nhà mạng lớn như British Telecom (Anh) và NTT Docomo của Nhật mua bản quyền sử dụng.
Sản phẩm này của Seven Networks đã được tạp chí Networlk Magazine bình chọn là “sản phẩm của năm”. Từ thành công của này, Bill Nguyễn được Tập đoàn truyền thông MSNBC bầu chọn là nhân vật đứng đầu trong số 10 gương mặt triển vọng nhất năm 2001 với lời bình “có khả năng thay đổi bộ mặt CNTT toàn cầu”.
Ấn tượng hơn nữa là đến năm 2009, Bill Nguyễn tiếp tục bán được thêm 2 công ty nữa cho Apple. Cụ thể tháng 12/2009, Bill Nguyễn đã bán một công ty khởi nghiệp nhỏ có tên Lala – dịch vụ kết nối những người có cùng sở thích âm nhạc với nhau và là nơi để mọi người trao đổi đĩa CD cũ với giá chỉ có 1 USD cho Apple.
Điều thú vị là quá trình Bill Nguyễn tìm ra người mua tiềm năng cho Lala. Trên thực tế khởi đầu không phải Google hay Apple mà chính là Nokia có ý định mua lại Lala.
Với lời đề nghị này, Bill Nguyễn đã không vội vàng đồng ý, thay vào đó anh gọi cho Google và nói rằng mình đang tiến hành thỏa thuận với Nokia và thời gian còn lại không nhiều. (Dù vậy trên thực tế Bill Nguyễn tỏ ra không mặn mà với lời đề nghị từ Nokia với giá 11 triệu USD).
Phía Google khi biết thông tin này họ tỏ ra khá lo lắng và sớm đưa ra lời đề nghị mua lại Lala. Nhưng không dừng lại ở đó, Bill Nguyễn bất ngờ thực hiện một bước đi tiếp theo.
Anh gọi cho một vài lãnh đạo của Apple và giải thích rằng 2 gã khổng lồ công nghệ, đối thủ cạnh tranh lớn nhất với hệ điều hành iOS đang đưa ra lời mời mua lại ứng dụng của anh. Phía Apple khi đó hiểu rằng nếu Google có thể sở hữu Lala thì đây rõ ràng là mối nguy hại lớn cho họ.
Đến cuối tháng 11, Bill Nguyễn đã ngồi ăn tối cùng Steve Jobs tại nhà riêng của ông và bàn về kế hoạch mua lại Lala và cuối cùng thương vụ chốt lại với giá 80 triệu USD.
Năm 2011, Bill Nguyễn đã trở thành đề tài sốt dẻo của báo chí Mỹ khi ra mắt Color, ứng dụng chia sẻ ảnh cho điện thoại di động được ví như là mạng xã hội của kỷ nguyên điện thoại di động thông minh (smartphone) như iPhone và máy tính bảng như iPad.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, Color đã lâm vào tình cảnh khó khăn và liên tục phải thay đổi để tồn tại do không thu hút được khách hàng. Đồng sáng lập Peter Phạm đã quyết định dứt áo ra đi chỉ sau 6 tháng điều hành công ty. Ngày 18/10/2012, Bill Nguyễn cũng quyết định nhượng Color cho Apple.
Giá trị của thương vụ mua bán không được tiết lộ chính thức nhưng theo nhiều nguồn tin, Apple đã chi rất hào phóng cho thương vụ này với con số thực lên tới hàng chục triệu USD.
Cho tới nay, sau hơn chục năm lăn lộn trong lĩnh vực Internet, tổng cộng Bill Nguyễn đã thành lập được 8 công ty và sau đó bán chúng với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
Điều trăn trở lớn nhất đối với Bill Nguyễn lúc này là việc chưa thể trở thành tỷ phú. “Điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi có khả năng chịu đựng gian khổ giỏi hơn bất kỳ ai khác, và sẽ tồn tại lâu hơn, bởi vì tôi có thể”.
(Theo Trí Thức Trẻ)