Sau khi chi tiền mua lại trạm thu phí An Phú từ chủ đầu tư BOT, tỉnh Bình Dương đã quyết định xóa bỏ trạm.
Nhiều năm nay, ĐT743 là con đường có lượng xe tải, xe container qua lại rất lớn để vào các khu công nghiệp, cảng như VSIP 1, ICD Tân Cảng – Sóng Thần của tỉnh Bình Dương.
Đây cũng là con đường kết nối Bình Dương với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe qua lại.
Trạm BOT An Phú. Ảnh: NLĐ |
Trên đường ĐT743 có đặt trạm thu phí An Phú (phường An Phú, thị xã Thuận An) do công ty CP Vật liệu và xây dựng Bình Dương làm chủ đầu tư.
Trạm nằm trên đoạn đường khá hẹp khiến giao thông thường xuyên ách tắc.
Đường ĐT743 vì thế cũng trở thành “điểm nóng” về kẹt xe khiến các ban ngành tỉnh Bình Dương đau đầu tìm cách giải quyết. CSGT được bố trí làm việc liên tục nhưng không giải quyết được vấn đề.
Tháng 8/2016, tỉnh Bình Dương quyết định mua lại trạm thu phí An Phú rồi xóa bỏ.
Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Lượng cho biết, tỉnh mua lại trạm thu phí An Phú là để giải quyết vấn đề kẹt xe.
Ngoài ra, tỉnh muốn mở rộng con đường huyết mạch lên 6 làn xe. Vị trí đặt trạm thu không thích hợp nên đã quyết định mua lại trạm thu phí và xóa bỏ, ông Lượng thông tin.
Ngay khi có chủ trương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã giao các sở ngành rà soát lại hợp đồng BOT với nhà đầu tư: thời gian thu phí, giá trị còn lại của trạm thu phí… để bố trí ngân sách.
Ông Lượng cho biết, chủ trương mua lại trạm thu phí được các ban ngành, người dân ủng hộ. Phía chủ đầu tư không có ý kiến mà chỉ mong muốn xem xét lại hợp đồng rõ ràng.
Tỉnh Bình Dương khi ấy đã đồng ý chi gần 30 tỷ đồng để mua lại trạm thu phí An Phú.
Khu vực đặt trạm thu phí An Phú sau hơn 1 năm bị dỡ bỏ |
“Mua lại trạm thu phí An Phú là vì sự phát triển chung của tỉnh, không vì lợi ích của nhà đầu tư mà cố cho thu phí” – Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Theo ông Lượng, các dự án BOT đã giúp cho hạ tầng giao thông của tỉnh tốt lên bên cạnh đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, hiện tỉnh không có ý định phát triển hạ tầng giao thông bằng hình thức thu phí hoàn vốn (BOT), thay vào đó là hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong tương lai, nếu nguồn ngân sách tỉnh có điều kiện, sẽ tính toán để mua lại một số trạm thu phí BOT trên địa bàn, Chánh văn phòng tỉnh Bình Dương nói.
Hiện dự án mở rộng 12,3km đường ĐT743 từ cầu vượt Sóng Thần đến miếu Ông Cù với chi phí 1.329 tỷ đồng (chỉ tính riêng giá trị xây lắp) đang cắm mốc, đền bù giải phóng mặt bằng.
Tỉnh Bình Dương hi vọng việc nâng cấp, mở rộng con đường này sẽ giúp giải bài toán ách tắc giao thông tồn tại lâu nay và kết nối vùng thuận lợi hơn.