Tờ báo đưa tin doanh thu phòng vé quốc nội của phim là 17 triệu USD (tức 390 tỉ đồng, trong khi doanh thu Bố già vừa công bố với báo chí Việt Nam là 420 tỉ đồng).
Còn doanh thu tại Mỹ của Bố già sau 2 tuần chiếu là 820.000 USD. Với việc mở rộng quy mô chiếu từ 19 rạp trong tuần đầu tiên, 38 rạp trong tuần thứ 2 và 45 rạp trong tuần tới, phim có khả năng vượt mốc 1 triệu USD tại Mỹ.
Đại diện hiếm hoi của điện ảnh thương mại Việt Nam
“Bạn từng xem bao nhiêu phim Việt Nam? Hoặc thậm chí chỉ là nghe nói? Với một quốc gia đông dân, từng bị đô hộ vào nửa đầu thế kỷ 20 bởi Pháp – một trong những quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến nhất, thật ngạc nhiên khi Việt Nam có lịch sử điện ảnh mỏng manh như vậy” – nhà phê bình Todd McCarthy viết hôm 8-6.
McCarthy cho rằng đạo diễn Việt Nam duy nhất từng gây được nhiều dấu ấn trên trường quốc tế là Trần Anh Hùng, người thành danh vào thập niên 1990 với các bộ phim như Mùi đu đủ xanh và Xích lô.
Với dẫn chứng đó, có thể nói, sự tiếp cận của nhà phê bình kỳ cựu này với điện ảnh thương mại Việt Nam – không phải dòng phim nghệ thuật tham dự liên hoan phim – gần như là con số 0, cho đến trước khi Bố già ra rạp tại Mỹ, ngày 28-5-2021.
Trước Bố già, một phim Việt khác là Hai Phượng (Furie) chiếu thương mại tại Mỹ vào năm 2019 và có bài phê bình trên các trang điện ảnh phổ biến không kém như Hollywood Reporter, Variety.
Dù sao, rất khó để một nền điện ảnh chỉ có vài phim chiếu quốc tế rải rác trong vài năm có thể ghi dấu ấn đậm sâu trong trí nhớ giới phê bình quốc tế.
Do đó, luồng thông tin khá dày về Bố già trong 2 tuần nay là đáng khích lệ. Đó là các bài phê bình trên Deadline, Film Threat, dòng giới thiệu trên Fandango, số điểm 7,3 trên IMDb (do 264 người dùng chấm, dù một số bài đánh giá từ người dùng lại khá tiêu cực).
Trong dịp cuối tuần từ 28 đến 30-5, doanh thu Bố già vào top 10 Bắc Mỹ, thu 350.000 USD theo Box Office Mojo.
Khen, chê và những lời khích lệ
“Nếu Trấn Thành có thể so sánh với một diễn viên hài Mỹ, thì đó có lẽ là Rodney Dangerfield, nhưng không phải về hình thể hay phong cách, mà vì thực tế là nhân vật Ba Sang của anh luôn bị coi thường và bị bủa vây bởi những lời phàn nàn” – Todd McCarthy viết.
Đây có thể coi là một lời khen, dù không phải khen về diễn xuất.
McCarthy nhìn thấy sự tương đồng giữa nhân vật Ba Sang và tinh thần chung của sự nghiệp Dangerfield, thể hiện qua đĩa hài độc thoại No Respect, sản phẩm giành giải Grammy 1981.
Câu thoại nổi tiếng của Dangerfield là: “Tôi không được một ai tôn trọng cả”, lấy cảm hứng từ thời thơ ấu và cuộc đời bị coi thường của ông.
Chất hài và âm nhạc của Bố già bị McCarthy đánh giá thấp. Ông cho rằng chất hài của phim chỉ là những màn sitcom liên tiếp hoặc những trò đùa ngớ ngẩn.
Những hành động được tua nhanh hoặc quay chậm để chớp được nhân vật trong khoảnh khắc gượng gạo hoặc thô thiển nhất. Những cảnh cãi vã, gây gổ, chửi bới trong con hẻm nhỏ đều được phụ họa bởi nhạc nền gây cười nhưng theo cách thao túng cảm xúc một cách thảm hại.
Về lý do thành công của Bố già tại Việt Nam, McCarthy đưa ra cách giải thích khá kỳ quặc: “Bất kể bạn đang gặp vấn đề gì, sẽ có một người nào đó đang gặp phải vấn đề tồi tệ hơn bạn nhiều”.
Nhìn chung, bài phê bình của Deadline với Bố già không tích cực nhưng không quá bất ngờ vì ngay tại Việt Nam, đã có đánh giá bộ phim chỉ ở tầm trung. Điểm mạnh nhất của Bố già chính là nhà sản xuất kiêm đạo diễn kiêm diễn viên Trấn Thành quá hiểu khán giả.
Trong bài phê bình trên Film Threat hôm 2-6, tác giả Alan Ng nói Bố già gợi liên tưởng “nếu đạo diễn Guy Ritchie làm phim hài gia đình”.
Tác giả khen phim có hình ảnh đầy màu sắc, tốc độ nhanh, những cú máy lướt qua các con hẻm Việt Nam, sử dụng hiệu ứng quay chậm là rất thú vị và tái hiện phong cách quay phim phổ biến trong nhiều phim hành động ngày nay.
Alan Ng có nhiều cảm xúc hơn Todd McCarthy khi xem Bố già, đánh giá cao hình ảnh Sài Gòn trong phim khi vừa quen thuộc vừa mới mẻ.
Đó là triều cường, những sàn nhà ngập nước nhưng chủ nhân chẳng hề quan tâm vì đó là cuộc sống thường ngày của họ. Tác giả cũng cho rằng tính cách nhân vật cực đoan nhưng cảm xúc là chân thực, và “Trấn Thành là ngôi sao của phim”.
Trong khi đó, với đối tượng khán giả mục tiêu là cộng đồng người Việt tại Mỹ, Bố già gây xúc động và gợi nhớ về gia đình, về quê hương Việt Nam.
Diễn viên Hồng Đào cùng người thân đi xem phim hôm 2-6. Chị viết trên trang cá nhân khi rạp sáng đèn trở lại, chị nhìn sang những người em trai đã trưởng thành của mình thì ai cũng đỏ hoe mắt.