Bộ phim này đề cập đến chuyến đi lịch sử của Thủ tướng Hun Sen, khi ông và đồng đội vượt biên sang Việt Nam tìm sự giúp đỡ để cứu đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Quyết định sống còn
Phim dài 98 phút đang tạo sự chú ý đặc biệt tại Campuchia. Trong mấy ngày nay, tất cả đài truyền hình của chính phủ lẫn tư nhân, các trang mạng xã hội… ở Campuchia liên tục chiếu bộ phim này.
Đây là bộ phim được đánh giá giúp nhiều người Campuchia hiểu được sự thật về chuyến đi của ông Hun Sen sang Việt Nam.
Bộ phim ghi lại lời kể của những chứng nhân lịch sử, những người chứng kiến sự khốn khổ của đất nước Campuchia trong thời gian bị cai trị bởi chính quyền Khmer Đỏ. Thời ấy, đói kém, cực hình, đau khổ và cái chết diễn ra khắp đất nước Campuchia.
Trong bối cảnh đó, ngày 21-6-1977 tại làng Koh Thmor (huyện Memot, tỉnh Tbong Khnum), ngôi làng biệt lập ở vùng xa xôi nhất của Campuchia, cách biên giới tỉnh Bình Phước (ngày nay) của Việt Nam chỉ vài cây số, ông Hun Sen mới 27 tuổi, quân hàm trung tá, nắm trong tay một trung đoàn, dẫn theo 4 người lính băng rừng đào thoát sang Việt Nam.
Trong phim, ông Hun Sen kể về chuyến vượt biên qua Việt Nam trong tâm trạng sự giằng xé, nghi ngờ.
Ông nói khi đó ông chỉ có 0,01% hi vọng sẽ được chính quyền Việt Nam hiểu và giúp đỡ. Ông cứ băn khoăn không biết Việt Nam có vì một trung tá “từ trên trời rơi xuống” như ông mà làm ảnh hưởng mối quan hệ với đất nước láng giềng. Nhưng ông vẫn lựa chọn Việt Nam.
Băng qua con đường gian khổ tìm sự sống cho mình và cho đất nước, ông Hun Sen nói may mắn ông gặp được những người Việt Nam rất tốt.
Hôm gặp những người Việt Nam đầu tiên, cũng là ngày đầu tiên sau nhiều năm ông được ăn no. Dù nhóm người của ông bị nghi ngờ nhưng ông vẫn được đối xử tốt. Phải qua nhiều vòng xét hỏi, thử thách, ông Hun Sen mới được chấp nhận tư cách trung tá.
Nỗi lo nhất của ông Hun Sen là bị cán bộ Việt Nam trao trả lại cho phía Campuchia. Ông kể ông đã chuẩn bị những cây kim để nếu có bị trả về Campuchia thì ông sẽ tự vẫn.
Qua những thước phim tài liệu quý giá, rất nhiều người dân Campuchia lần đầu tiên được biết câu chuyện từ khi ông Hun Sen xây dựng quân đội dưới sự giúp đỡ của Việt Nam, đến khi quân đội Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Phnom Penh khỏi ách Khmer Đỏ ngày 7-1-1979.
Khẳng định một sự thật
Trong phim, Thủ tướng Hun Sen một lần nữa nhấn mạnh quyết định chạy sang tìm sự giúp đỡ của Việt Nam là một việc làm đúng đắn. Ông tìm đúng những người bạn tốt. Giá trị của điều đó là mang lại hòa bình cho đất nước Campuchia. Để ông có cơ hội lãnh đạo đất nước của ông phát triển phồn vinh.
Nói về bộ phim, ông Pel Him – một nhà quan sát chính trị ở Phnom Penh – cho rằng đây là lần đầu tiên một bộ phim tài liệu được chiếu rộng khắp các kênh truyền thông ở Campuchia. Bộ phim đang lan tỏa mạnh, gây xúc động lớn.
“Nó không chỉ nói về Samdech Hun Sen, mà còn khẳng định một sự thật về sự giúp đỡ chân tình của Việt Nam. Một sự thật mà có thời gian, một số người không muốn nhớ tới bởi ý đồ chính trị của mình”
Ông Pel Him – một nhà quan sát chính trị ở Phnom Penh nói.
Ông Ly Vann Hong – phó quốc vụ khanh Bộ Thông tin Campuchia – cho rằng bộ phim cho người dân Campuchia biết rõ về sự thật, biết rõ về những gian khó mà Thủ tướng Hun Sen phải trải qua trên con đường cứu đất nước Campuchia.
“Samdech (tức Hun Sen) đã có quyết định sáng suốt giúp đất nước Campuchia vượt qua bóng tối. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia đang rất nồng ấm” – ông Ly Vann Hong nói.
Anh Sopheak Noun – một kỹ sư ở Phnom Penh – khẳng định giá trị của bộ phim “còn hơn cả bộ phim”.
“Nó nhắc lại cho người dân Campuchia nhớ lại một thời khủng khiếp của lịch sử và lúc đó ai đã giúp chúng tôi vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo. Nó cổ súy cho người dân Campuchia đoàn kết, thương yêu nhau hơn, nhất là những người trẻ sinh ra sau chiến tranh” – anh Sopheak Noun nhấn mạnh.
Bộ phim rất chân thực
Chia sẻ bộ phim trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Vũ Quang Minh – đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Campuchia – tâm sự: “Hôm 3-1-2018 tôi đã được xem bộ phim truyền hình với nhiều tư liệu quý về hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân tộc khỏi nạn diệt chủng của Thủ tướng Hun Sen. Đây cũng là minh chứng cho tình đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa hai đất nước Việt Nam – Campuchia”.
“Bộ phim rất chân thực, cảm động. Thủ tướng Hun Sen nhắc lại những giúp đỡ chân tình và quý giá mà nhân dân và quân đội Việt Nam dành cho ông và những người con ưu tú của nhân dân Campuchia đi tìm đường cứu nước. Ông kể rất chi tiết và xúc động khi nhớ lại, Việt Nam lúc ấy còn rất khó khăn thiếu thốn sau chiến tranh nhưng vẫn chia sẻ những gì tốt nhất cho nhân dân Campuchia…”, đại sứ Vũ Quang Minh viết.
Facebook của Thủ tướng Hun Sen
Trang Facebook của Thủ tướng Hun Sen thường xuyên cập nhật, đăng tải những hình ảnh gần gũi, giản dị của ông với người dân – Ảnh: Facebook Thủ tướng Hun Sen
Sau cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia năm 2013, Thủ tướng Hun Sen đã có Facebook cho riêng mình. Facebook của ông thu hút lượng người theo dõi rất lớn, đến nay có trên 9,2 triệu người theo dõi.
Để chăm sóc cho trang Facebook của mình, Thủ tướng Hun Sen có đội ngũ quản trị thường xuyên đăng hình ảnh, trạng thái, những hoạt động mới nhất của ông, của gia đình, đất nước và người dân Campuchia. Trong đó, phần nhiều là những hình ảnh ông Hun Sen tại các buổi tiếp xúc với người dân.
Đáng chú ý, trong những ngày gần đây người ta thấy Facebook của ông thường xuyên đăng những dòng trạng thái liên quan đến ngày Campuchia được giải phóng.
Ngày 3-1, Facebook của ông chia sẻ bộ phim Tìm đường cứu nước tạo “cơn sốt” ở Campuchia với dòng chữ “Hướng đến sự kiện đất nước được cứu thoát khỏi chế độ Pol Pot ngày 7-1-1979”.
Ngày 6-1, trên Facebook của ông lại xuất hiện dòng trạng thái: “Hôm nay, thời tiết Phnom Penh ấm áp với ánh nắng ban mai. Ngày mai, chúng ta sẽ kỷ niệm 39 năm ngày chiến thắng 7-1, khi đất nước chúng ta được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Cảm ơn các bạn vì đã gìn giữ hòa bình…”.
Thủ tướng Hun Sen cũng nổi tiếng là người hết mực yêu vợ. Gần đây, trên Facebook của ông cho đăng hình ảnh gia đình, những đoạn hồi ký và hình ảnh xúc động của ông và người vợ Bun Rany. Khi ấy, ông là một sĩ quan quân đội, bà là cán bộ y tế. Hai người đã vượt qua rất nhiều gian khó dưới chế độ hà khắc, cấm đoán của Khmer Đỏ.
Bà cũng là người được biết đến là có nhiều hi sinh, phải nếm trải đắng cay khi ông bỏ sang Việt Nam tìm đường cứu nước Campuchia. Hai người tái hợp trong niềm hạnh phúc vỡ òa khi ông cùng đoàn quân trở về giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ Pol Pot.
DARA PICH DANH (từ Phnom Penh)