(Reuters) – Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sớm nhất vào thứ Ba sẽ yêu cầu 56 biện lý được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm và Thượng viện chuẩn thuận nộp đơn từ chức, theo CNN loan tin vào thứ Hai.
Giới chức Bộ Tư pháp lên kế hoạch điện đàm với các Biện lý Hoa Kỳ để bàn về chuyển quyền, bước đi thông lệ mỗi khi thay đổi chính quyền. Thủ tục được dự báo sẽ mất nhiều vài tuần, nhưng chưa rõ khi nào từ chức mới bắt đầu có hiệu lực.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp của Tổng thống Joe Biden dự tính giữ lại ít nhất 2 công tố viên. Tạm quyền Tổng trưởng Tư pháp Monty Wilkinson trong cuộc điện đàm vào tối thứ Hai đã yêu cầu Biện lý Hoa Kỳ tại Delaware David Weiss vẫn tại nhiệm để tiếp tục cuộc điều tra về con trai Tổng thống, Hunter Biden.
Công tố viên đặc biệt John Durham do cựu Tổng trưởng Tư pháp William Barr bổ nhiệm cũng sẽ được yêu cầu tiếp tục cuộc điều tra về nguồn gốc của cuộc điều tra những mối quan hệ giữa chiến dịch của ông Trump với Nga. Tuy nhiên, Durham sẽ từ chức Biện lý Hoa Kỳ tại Connecticut.
Yêu cầu các Biện lý Hoa Kỳ được chính phủ tiền nhiệm bổ nhiệm từ chức được xem là bước đi thường lệ. Tổng biện lý đầu tiên của ông Trump, Jeff Sessions yêu cầu 46 Biện lý Hoa Kỳ do cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm từ chức. Hiện tại, 25 trong 94 Biện lý đang hoạt động dưới tư cách tạm quyền sau khi một vài vị trí do ông Trump bổ nhiệm đã từ chức sau khi cựu Tổng thống thất cử.
Tạm quyền Biện lý Hoa Kỳ khu vực D.C Michael Sherwin – công tố viên sự nghiệp do William Barr bổ nhiệm – cũng được dự tính tiếp tục các cuộc điều tra vụ bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1.
Tổng thống Biden đề cử Merrick Garland làm Tổng trưởng Tư pháp, nhưng ứng cử viên này chưa được Thượng viện chuẩn thuận. Lẽ ra phiên điều trần chuẩn thuận Garland bắt đầu diễn ra vào thứ Hai, nhưng Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng hoà – South Carolina) – Lãnh đạo Cộng hoà trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện – bác bỏ yêu cầu điều trần chuẩn thuận vào đầu tháng 2 với lý do phiên xét xử luận tội ông Trump.
Hương Giang (Theo Reuters)