Đốt vàng mã: Hại người hại mình
Tục đốt vàng mã chỉ mới tái xuất hiện sau thời đổi mới mở cửa, tức là khoảng 30 năm nay thôi, nhưng những tai nạn đau lòng và hệ lụy xã hội nhức nhối khiến chúng ta không khỏi giật mình.
Ngoài số tiền khổng lồ đã bay theo làn khói cùng với việc đốt vàng mã của đại bộ phận các gia đình, cá nhân vào những dịp lễ Tết, ma chay, tế tư, ngày rằm mồng một, nó còn gây ra hàng loạt tai nạn hỏa hoạn lấy đi tài sản và sinh mạng của biết bao người.
Đơn cử riêng quý 1 năm 2017, thành phố Hà Nội đã xảy ra tổng số 291 vụ cháy. Như vậy cứ một ngày tại Hà Nội trung bình xảy ra khoảng hơn 3 vụ cháy.
Về thiệt hại, các vụ cháy đã làm 1 người chết, tài sản trên 34 tỷ đồng và 4 héc-ta rừng. Đáng chú ý, đốt vàng mã và thắp hương xếp thứ 3 trong các nguyên nhân xảy ra các vụ hỏa hoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Một con số thống kê tương tự ở TP.HCM, trong dịp Tết năm 2017, gần 20 người chết và hàng chục nạn nhân bị thương do hỏa hoạn xuất phát từ việc đốt vàng mã.
Trong những năm gần đây, liên tiếp xảy ra cháy rừng do đốt vàng mã ở các địa phương trong cả nước như ở Huế, Bình Định, Cao Bằng, Kiên Giang, Hải Phòng.
Điển hình là Hải Phòng, mồng 3 Tết năm 2017 cháy 3 héc-ta rừng ở Thủy Nguyên Hải Phòng, và lịch sử lặp lại, đúng đêm giao thừa năm nay (2018) một vụ cháy rừng cũng ở Thủy Nguyên Hải Phòng đã thui rụi 2,5 héc-ta rừng do người dân đốt vàng mã.
Người dân đốt vàng mã “sơ ý” gây cháy rừng, ngoài gây thiệt hại tài sản cá nhân, tổ chức, quốc gia, còn phải chịu cảnh tù tội. Đơn cử như năm 2015, VKSND TP. Quy Nhơn đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Nguyễn Văn L (ngụ phường Thị Nại, TP Quy Nhơn, Bình Định) về hành vi “Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản”, khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù.
Đốt vàng mã: Góp phần làm… nghèo đất nước
Ngoài thiệt hại về người và tài sản do hỏa hoạn gây ra bởi đốt vàng mã, lãng phí thời gian, nhân lực lớn cho các việc mua sắm, lễ bái và đốt vàng mã, riêng số tiền mua vàng mã bay theo làn khói thôi cũng kiến chúng ta kinh ngạc.
Theo PGS.TS Từ Thị Loan quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 800 ngàn lượt khách thập phương đến lễ đền Bà Chúa Kho. Kết quả khảo sát của Viện cho thấy mỗi người đi lễ chi trung bình khoảng 100 ngàn đồng mua sắm đồ vàng mã. Và số tiền thật tại đền Bà Chúa Kho bị biến ra tro là… 80 tỉ đồng.
Theo các nhà nghiên cứu, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn một số tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật đốt cho vàng mã lên tới trên 400 tỷ đồng/năm. Cộng cả 61 tỉnh, thành khác, số tiền bị đốt ra tro lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.
Điều đó có nghĩa là mỗi năm hàng tỷ đô la bị đốt theo vàng mã, trong khi đó hàng năm thâm hụt ngân sách trên 100 tỷ đồng, và thâm hụt thương mại của Việt Nam trong những năm gần đây dao động trên dưới 10 tỷ đô la.
Trong khi đó, cả nước đang có hàng triệu người lâm vào cảnh khó khăn khốn cùng, đói cơm, thiếu áo, bệnh tật không có thuốc men, chờ chết. Hàng ngàn đứa trẻ không có đủ điều kiện để đi học. Hàng ngàn người già không có nơi nương tựa, sống lang thang cô đơn. Có nhiều vùng núi, trẻ em không có quần áo mặc giữa mùa đông giá rét, ăn cơm với muối trắng, có khi còn không có cơm ăn.
Đốt vàng mã: Khởi nguồn từ trò lừa của anh tú tài nghèo Trung Quốc
Tương truyền, có một vị tú tài tên là Vưu Văn Nhất, gian khổ học tập đến chục năm, nhưng lại không lần nào thi đỗ.
Chán nản, ông liền cất bút chuyển theo nghiệp buôn bán, tìm đến một gia đình họ Đại xin học nghề làm giấy. Vưu tú tài vốn thông minh hơn người, được Đại lão gia rất coi trọng, liền đem toàn bộ kỹ thuật gia truyền, truyền lại cho Vưu tú tài.
Đại Lão gia chết, Vưu tú tài kế thừa, nhưng giấy làm ra không bán được, ông rất buồn phiền, mất ăn mất ngủ, cuối cùng nghĩ ra một kế và bàn với vợ thực hiện. Ông không màng cơm nước, nằm trên giường không dậy nổi. Ba ngày sau, Vưu tú tài qua đời mà không nhắm được mắt. Người trong nhà thương tiếc khóc ngất. Bạn bè gần xa biết tin này, cũng đến giúp đỡ sắp xếp tang sự.
Vợ của Vưu tú tài khóc lóc, nói với mọi người: “Gia cảnh chúng tôi nghèo túng, không có gì có thể chôn cùng. Thôi thì đem giấy đốt chôn cùng ông ấy vậy!”.
Thế là, mọi người phái một người đi tới đốt giấy trước linh cữu Vưu tú tài. Tới ngày thứ ba, Vưu tú tài đột nhiên ngồi dậy, miệng còn không ngừng nói: “Mau đốt giấy, mau đốt giấy”.
Mọi người tưởng Vưu tú tài là cương thi, ai nấy đều sợ hãi. Nhưng Vưu tú tài nói: “Đừng sợ, tôi sống lại rồi, là Diêm Vương cho tôi trở về”.
Mọi người đều cảm thấy hết sức kỳ quái, liền hỏi nguyên do:
Vưu tú tài nói: “Là các người đốt giấy đã cứu tôi. Giấy sau khi đốt, tới âm tào Địa phủ liền biến thành tiền. Tôi dùng tiền này để mua thông qua Diêm Vương gia, Diêm Vương liền thả tôi trở về”.
Từ đó tục đốt vàng tiền lan truyền rộng ra, dần dần mở rộng sang thêm đốt mã.
Đốt vàng mã: Thủ phạm là nạn nhân
Xét trên các yếu tố nguồn gốc, tâm linh, kinh tế, xã hội thì tục đốt vàng mã chỉ có trăm điều hại, nhưng tại sao không những không giảm mà vẫn tiếp tục gia tăng chóng mặt?
Khi nói đến nạn đốt vàng mã tràn lan thì những người có trách nhiệm, liên quan thường cho rằng do dân trí thấp. Chẳng lẽ cả nước có hàng trăm trường, đại học, hàng chục nghìn giảng viên đại học, tiến sỹ, hàng trăm nghìn sinh viên ra trường mỗi năm thì quyết không thể là dân trí thấp so với cách đây mấy chục năm.
Có một thực tế là gần đây, có rất nhiều người giàu có, rất nhiều quan chức đi lễ đền, chùa cầu xin được thăng quan tiến chức, công thành danh toại, lộc vào như nước sông Đà, buôn bán phát tài một vốn bốn lời, bình an mạnh khỏe để hưởng phúc lộc, sống thọ tỷ Nam Sơn…
Giới nhà giàu, quan chức đi lễ đền chùa không e ngại. Có ngôi chùa đã công khai đọc vào loa phát thanh tên các vị lãnh đạo cấp cao đăng ký dâng sao giải hạn mà không còn e ngại. Chuyện vị lãnh đạo nọ kia chăm đi lễ bái, cầu cúng… hay thậm chí có làm lễ trình đồng mở phủ hầu bóng giờ đây cũng đã là chuyện thường tình.
Quan chức, công chức đầu năm trốn việc, dùng xe công đi lễ đền chùa nhiều đến mức nhà nước phải ra công văn cấm công chức dùng xe công đi lễ. Tuy có lệnh cấm, nhưng vẫn có người trái lệnh, bị phát hiện. Vậy thì dâng lễ đốt vàng mã thì làm sao có thể khiến người ta ngừng được.
Người xưa nói “Quan đức như phong, dân đức như thảo” (Đức của quan như gió, đức của dân như cỏ), gió thổi thế nào thì cỏ dạt theo thế ấy. Dân thấy giới thượng lưu giàu sang phú quý dâng lễ đốt vàng mã, thì họ nghĩ rằng chắc do dâng lễ to, đốt vàng mà nhiều nên người ta mới giàu sang phú quý thế. Thế là cứ mù quáng bắt chước, học theo.
Các chính giáo như Thiên Chúa, Do Thái, Tin Lành, Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo chân chính không hề có chuyện đốt vàng mã. Các chính giáo này đều khuyên con người hành thiện tích đức, đều giảng nhân quả, cho con người biết mọi phúc lộc hay khổ nạn của con người đều do nghiệp tạo lên.
Không Thần Phật Chúa nào ban phát giàu sang phú quý cho con người chỉ vì anh ta dâng lễ cả. Các Ngài thần thông quảng đại, Pháp lực vô biên, sao cần mấy thứ dơ bẩn ở cõi nhân gian, chốn bụi trần.
Nho giáo đặc biệt coi trọng kính trọng, thờ ông bà tổ tiên “Tổ tông tuy viễn, tế tự bất khả bất thành” (Tổ tông dù xa, thờ cúng không thể không thành tâm). Nho giáo cũng coi trọng tu dưỡng cái tâm, chân thành, thành kính khi làm lễ chứ không phải mâm cao cỗ đầy.
Một số đền chùa cũng góp gió thành bão khi không cấm, nếu không muốn nói là ngầm khuyến khích lễ bái, vàng mã, dâng sao giả hạn. Họ đã làm trái với giáo lý của các pháp môn tu luyện của các bậc Giác Giả, Thánh nhân để lại. Họ làm vậy vì kiếm lợi, kiếm tiền của những người đi lễ bái. Vậy nên, thủ phạm gây ra nạm đốt vàng mã cũng lại chính là nạn nhân, mất tiền dâng lễ, và tiền “tùy tâm” cho các “thầy”.
Bỏ tục đốt vàng mã: Lợi lớn nhưng khó thực hiện
Mấy hôm trước giáo hội Phật giáo Việt Nam có ra công văn đề nghị các Phật tử bỏ tục đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo. Công văn này tuy muộn nhưng vẫn tích cực. Tuy nhiên về kết quả thế nào thì còn phải chờ, nhưng có thể dự đoán được là chỉ có thể giảm bớt tệ nạn chứ không thể ngăn chặn được vì các nguyên nhân sau:
- Chính phủ cấm công chức dùng xe công đi lễ mà còn có người vi phạm nữa là công văn này không có tính pháp lý ép buộc, chỉ kêu gọi, đề nghị.
- Có rất nhiều đền, miếu, điện, cơ sở thờ tự nằm ngoài hệ thống giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Rất nhiều lễ hội khắp các địa phương trên cả nước sử dụng đốt vàng mã, và coi là “tín ngưỡng dân gian”, “văn hóa dân gian”
- Người dân vẫn có thói quen đốt vàng mã ở gia đình
Có người cho rằng phải cần biện pháp hành chính như ra lệnh cấm đốt, cấm sản xuất, hoặc đánh thuế sản xuất cao đối với vàng mã. Tất cả các biện pháp đó chỉ là cái ngọn, cái gốc là lòng người, nếu người dân vẫn muốn đốt thì không thể nào cấm được.
Mà con người hiện nay đã quen với văn hóa cầu xin, tranh giành, lừa bịp, đấu đá, mua chuộc, hối lộ, dụ dỗ… đủ trăm phương nghìn kế để đạt được vinh hoa phú quý, kể cả các biện pháp dị đoan.
Họ tin rằng “có thờ có thiêng”, và lấy cái văn hóa mua chuộc hối lộ của họ đưa vào chùa chiền đền miếu. Đó chẳng phải là suy bụng ta ra bụng… Thánh Thần. Thực sự thì đó chính là phỉ báng Thánh Thần vậy, nên nào có Thánh Thần nào giúp họ, có chăng thì yêu ma quỷ quái mà thôi.
Vậy chỉ có thay đổi được lòng người, khiến cho người dân hiểu và tránh xa các tập tục mê tín dị đoan, các lễ hội đầy rẫy bạo lực tranh cướp chém giết. Nhưng như thế nó sẽ động chạm đến lợi ích của rất nhiều người và nhóm người. Họ “đầu tư” khoản tiền khổng lồ vào “văn hóa tâm linh”, thì ắt phải tìm cách “thu hồi vốn” và “có lãi”, thậm chí còn muốn “nhất bản vạn lợi” (một vốn vạn lời).
Mà thay đổi tư tưởng, suy nghĩ, thói quen, cách sống, giá trị quan, nhân sinh quan của mọi người dân trong xã hội, để sống thiện lương, chân thành, nhân ái như tiêu chuẩn người quân tử “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn thì chớ làm cho người khác) trở thành tiêu chuẩn đạo đức xã hội, khi đó các tệ nạn, hủ tục thâm căn cố đế trong xã hội sẽ tự khắc được nhổ tận gốc.
Nam Phương