Thời gian gần đây, người ta thấy trong làng nhạc Việt tại hải ngoại xuất hiện một chàng ca sĩ vóc dáng cao ráo, mảnh khảnh, khuôn mặt khôi ngô với nụ cười bẽn lẽn mỗi khi tiếp xúc trả lời phỏng vấn truyền thông báo chí. Đó là nam ca sĩ Nguyên Lê, vốn là anh trai của nghệ sĩ Quang Lê.
Mặc dù số lượng ca khúc phát hành của Nguyên Lê vẫn còn khiêm tốn, nhưng với chất giọng trầm ấm, êm đềm, biểu cảm, chọn dòng nhạc quê hương là “bến đỗ”, chàng ca sĩ này dường như đang từng bước chiếm lĩnh được cảm tình của đông đảo công chúng yêu nhạc, bằng giọng hát truyền cảm, đầy nội lực và rất triển vọng.
Thực ra, ai đã nghe và trót yêu mến nam ca sĩ Quang Lê, một trong những giọng hát trữ tình hàng đầu của làng âm nhạc Việt Nam hiện nay, thì chắc hẳn không thể không biết tới Nguyên Lê, bởi cả hai ca sĩ này chính là anh em một nhà.
Cũng như biết bao các gia đình nghệ sĩ khác, khi có nhiều người hoạt động nghệ thuật trong cùng một lĩnh vực, thì ngoài yếu tố thuận lợi, nhìn chung bao giờ cũng ít nhiều đồng hành với một vài rủi ro …
Thuận lợi, bởi đó sẽ luôn là môi trường lý tưởng để anh chị em một nhà có thể sẻ chia những kinh nghiệm nghề nghiệp, trau dồi học hỏi thêm kiến thức âm nhạc. Tuy nhiên, rủi ro cũng là điều khó tránh khỏi, bởi họ luôn là mục tiêu so sánh đôi khi mang tính chủ quan áp đặt của một vài bộ phận công chúng, thậm chí, nhiều khi thành công của người này, lại là sự cản trở của người kia, đó là về mặt lý thuyêt.
Ấy vậy, trên thực tế, nếu quan sát, chúng ta thấy phần đông các gia đình có nhiều thành viên hoạt động trong cùng một lĩnh vực nghệ thuật, những yếu tố thuận lợi thường đóng vai trò chủ đạo. Ở những gia đình nghệ sĩ này, dường như họ đã biết phát huy triệt để các thế mạnh giá trị văn hóa nghệ thuật, để rồi không bỏ lỡ cơ hội khẳng định tên tuổi của mình trong lòng công chúng, mỗi người một cá tính, một phong cách.
Có thể viện dẫn ra đây rất nhiều ví dụ điển hình mà những thành viên của gia đình đó, mỗi người hướng đến tìm được cho mình một vị trí riêng trong lòng người yêu nhạc, như gia đình của hai chị em ca sĩ Nhã Phương, Bảo Yến, gia đình của nam ca sĩ Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lưu Bích, hay gia đình của ba chị em ca sĩ Hà Phương, Cẩm Ly, Minh Tuyết… vv
Có lẽ trường hợp của Nguyên Lê và Quang Lê cũng sẽ không là ngoại lệ. Điều khác biệt nếu có chắc là ở chỗ Quang Lê thì đã khởi nghiệp âm nhạc từ khá sớm, và dường như đã đạt đến đỉnh điểm thành công của nghề nghiệp, còn Nguyên Lê thì mới bắt đầu trên con đường tìm tòi khẳng định mình trong âm nhạc, mặc dù đó là chặng đường dài còn nhiều chông gai. Tuy nhiên, bước đầu đã thấy xuất hiện nhiều tín hiệu đáng khích lệ, có nhiều phản ứng tích cực cho rằng, Nguyên Lê thể hiện các ca khúc càng ngày càng thuyết phục hơn.
Thực ra, Nguyên Lê chính thức đi hát từ năm 2007, nhưng sự khởi đầu dường như không suôn sẻ, nên anh đã ngừng hát và quay sang tập trung vào công việc quản lý trợ giúp cho em trai của mình là nam ca sĩ Quang Lê. Thế rồi như một định mệnh, duyên nợ trong âm nhạc dường như không thể dứt bỏ, một số người tổ chức các chương trình ca nhạc cũng đã tìm đến Nguyên Lê để mời anh tham gia hát trong các show diễn khắp các tiểu bang trên đất Mỹ.
Song song với việc đi diễn các show nhạc, Nguyên Lê bắt đầu chú trọng chăm chút hơn cho nghề nghiệp, bằng cách ghi tên theo học các lớp thanh nhạc và thường xuyên tập dượt trong các vũ trường ngay tại quận Cam (California) nơi anh cư ngụ. Từ những show diễn cho cộng đồng người Việt trên đất Mỹ, dần dần Nguyên Lê cũng được các bầu show biết đến và mời đi diễn ở những nơi xa hơn, như bên Châu Âu, Úc hay Canada …
Việc Nguyên Lê xuất hiện trong cuốn DVD Thúy Nga số 104, qua nhạc phẩm “Phút Ban Đầu” của Hoàng Thi Thơ, hát song ca cùng nữ ca sĩ Quỳnh Dung cũng là một dấu mốc đáng ghi nhận trong hoạt động âm nhạc của anh.
Rồi kế đến, trong show diễn tri ân khán giả quê nhà của em trai mình vào tháng 10/2011, Nguyên Lê cũng tham gia hát song ca cùng Quang Lê một liên khúc của nhạc sĩ Trúc Phương : “Mưa Nửa Đêm – Ai Cho Tôi Tình Yêu”, thể hiện tâm trạng cảm xúc ngọt ngào đến nỗi vừa chỉ cất tiếng hát lên, là khán giả quê nhà đã dành cho hai anh em ca sĩ những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Từ ý tưởng đó, bộ đôi anh em “nhà Lê” đã tiến hành cho ra đời CD nhạc chung mang chủ đề “Ai cho tôi tình yêu”, Album do trung tâm Thúy Nga phát hành, bao gồm 10 ca khúc trữ tình, qua dòng nhạc Bolero, được chọn lọc và biên tập với những bản phối công phu kỹ lưỡng, phát huy chất giọng trầm ấm, giàu xúc cảm của cả hai, kết hợp với cách luyến láy nhả chữ nhuần nhuyễn, mềm mại, rất đặc trưng của những giọng ca xuất thân từ Huế.
Chúng ta đã từng có nhiều dịp nghe các nhạc phẩm mang âm hưởng Huế qua tiếng hát của Quang Lê. Xét đến thời điểm hiện tại, có lẽ Quang Lê vẫn là nam ca sĩ thế hiện những khúc tình ca Huế thành công nhất, thế nhưng khi nghe phần trình diễn của Nguyên Lê, vẫn bản tình ca Huế ấy, chúng ta lại có dịp được khám phá một phiên bản khác, có thể xem như “mười phân vẹn mười” so với Quang Lê.
Thế mới biết chỉ có những giọng ca gốc Huế mới đủ chiều sâu để lột tả tâm hồn Huế. Để minh chứng cho điều đó, mời quý thính giả cùng lắng nghe nhạc phẩm “Thương Về Cố Đô”, một sáng tác của cố nhạc sĩ Thanh Sơn, qua phần thể hiện của Nguyên Lê, và đó cũng là ca khúc khép lại chuyên mục âm nhạc tuần này.