Tuấn Ngọc, tên thật là Lữ Anh Tuấn, một trong những giọng ca nam xuất sắc của tân nhạc Việt Nam. Xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ, cha là nghệ sĩ Lữ Liên, anh chị em là Bích Chiêu, Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, Lan Anh, Lưu Bích, Tuấn Ngọc có cơ hội đến với âm nhạc từ rất sớm. Mười bảy tuổi, Tuấn Ngọc đã là một giọng ca quen thuộc trong các vũ trường Sài Gòn với nhiều ca khúc nổi tiếng bằng tiếng Anh. Sang Mỹ định cư, Tuấn Ngọc bắt đầu trở nên nổi tiếng từ giữa thập niên 80.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”Tuấn Ngọc paris by night” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” ] Nhân dịp Tuấn Ngọc tham dự chương trình “Autumn Concert – Hoàng Công Luận and Friends” vào ngày 11 Tháng Mười tới đây tại San Diego, phóng viên Người Việt đã có cuộc chuyện trò cùng nam ca sĩ có giọng hát và phong cách đặc biệt này.
Ngọc Lan (NV): Hạnh phúc của người nghệ sĩ là người được sống với nghề của mình. Riêng với anh, ngoài ca hát anh còn làm những công việc gì khác?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Tôi cũng là một người tị nạn, lúc mới sang cũng khó khăn, cũng đi học. Tôi là ‘electronic technician,’ cũng đi làm một thời gian về computer. Cuối tuần thì đi hát với các em, sáng sớm Thứ Hai thì lại dậy đi sửa computer. Tôi nhận thấy có điều gì đó không phù hợp. Cuối cùng, tôi cắn răng bỏ nghề ban ngày để hoàn toàn chú tâm về âm nhạc, nghề mà tôi đã đi hát từ lúc 5, 6 tuổi. Cũng may mắn là khán giả đã giúp cho tôi sống bằng nghề âm nhạc, không phải đi làm thêm nghề nào khác ban ngày
NV: Sống trong gia đình toàn là người làm trong lãnh vực nghệ thuật, anh có cảm thấy mình bị áp lực gì không?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Không, bởi vì anh em không à, hơn nữa anh chị em mình có nổi tiếng hơn thì mình cũng vui chứ đâu có nghĩ gì đâu. Nhưng lúc nào tôi cũng áp lực với chính tôi, vì tôi là loại người làm gì cũng muốn làm cho đàng hoàng, nhất là khi mình trong ngành âm nhạc. Mình hát cho khán giả thì phải làm hết sức, còn đến đâu thì tính sau, đó là áp lực với tôi. Còn gia đình thì không có áp lực.
Ca sĩ Tuấn Ngọc (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) |
NV: Làm hoài một điều gì có thể đưa đến sự nhàm chán. Vậy đối với một ca sĩ, làm sao có thể giữ được cảm xúc của mình qua bao nhiêu năm với cùng một bài hát cứ được yêu cầu hết lần này đến lần khác?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Có nhiều chuyện trên đời, cứ làm đi làm lại nhưng vẫn có cảm xúc như thường nếu như mình thích. Với âm nhạc, nếu tôi có một hoàn cảnh tốt, một ban nhạc hay, âm thanh hay, những người khán giả dễ thương yêu nhạc thì tôi vẫn thấy hay, thấy hạnh phúc, không thấy chán. Tùy hoàn cảnh thôi. Hơn nữa chẳng lúc nào mình hát giống lúc nào, chẳng ban nhạc nào chơi giống ban nhạc nào. Thành ra nếu nói là chán thì thực ra với nghề nào, đôi lúc mình cũng nhận thấy có điều gì đó chán nản. Nhưng nói chung lại thì tôi thấy với nghệ thuật âm nhạc thì may mắn lắm mình mới sống được với nó, thành ra chán thì ít lắm.
NV: Lúc mà anh thấy chán nản nhất là lúc nào và vì điều gì khiến anh cảm thấy như vậy?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Lúc mà tôi chán có thể là lúc mình đi hát gặp ban tổ chức không đứng đắn hay ban nhạc không vừa ý tôi, không tập dợt kỹ hay do không đủ thời giờ tập dợt khiến mình không vừa ý đâm ra chán. Cũng có thể nghệ sĩ Việt Nam mình không may mắn có ban nhạc riêng cho nên thay vì khi đi đến nơi trình diễn, người ca sĩ chỉ ngồi nghỉ ngơi chờ đến giờ, còn mình thì phải lo tập với ban nhạc… Đó là những điều có thể gây chán. Chứ như tôi vẫn còn được đi hát đến từng tuổi này thì là may mắn lắm!
NV: Trong cuộc đời ca hát của mình, lúc nào là lúc anh thấy mình tìm được niềm vui nhiều nhất để có thể hát tràn trề sinh lực như không hề biết chán?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Muốn hát không mệt mỏi thì mình cần phải giữ sức khỏe, cần phải ngủ nhiều thì mình sẽ thấy hưng phấn nhiều. Như đã nói, âm nhạc có nhiều yếu tố để làm thành một chương trình hay, từ âm thanh, ban nhạc, khán giả… cho nên khi mình làm gì mà có sự chuẩn bị trước và mọi việc diễn ra theo ý mình thì mình thấy vui, hạnh phúc.
NV: Không chỉ là một ca sĩ, anh còn là nhà tổ chức biểu diễn, hòa âm, viết nhạc. Trong tất cả công việc đó, anh thích làm gì nhất?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Tôi thích hòa âm nhất, nhưng vì tôi là ca sĩ nên không có thì giờ học hỏi nhiều về hòa âm. Tôi rất yêu nhạc, đó là lý do vì sao tôi chọn học nhạc và có thể biết nhạc được nhiều hơn phần đông những người ca sĩ. Thường thường ca sĩ chỉ lo tập hát thôi, còn tôi thì phải mất thì giờ học nhạc nữa. Tôi thích hòa âm, nếu mà nói thích hơn hát thì cũng khó nói lắm. Nhưng mà tôi thấy tôi hạnh phúc lắm vì bất cứ ngành nghề nào mình biết nhiều hơn thì mình sẽ thích nó nhiều hơn.
NV: Anh có thể chơi được những loại nhạc cụ nào?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Tôi có thể chơi đàn guitar, piano, đánh được hết nhưng chỉ có điều không hay thôi. Có nghĩa là “nghe anh đánh thì tôi thích lắm nhưng anh không đánh thì tôi thích hơn.”
NV: Tuấn Ngọc xuất hiện trên sân khấu có một nét mà có nhiều người thích nhưng cũng có nhiều người không thích, đó là anh hát một hồi mắt nhắm nghiền lại. Với anh điều đó có ý nghĩa như thế nào? Đó là một thói quen, một sự tập dợt hay là vì lý do gì?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Nhắm mắt, tôi đoán thôi chứ thật sự tôi cũng không biết tại sao, là lúc mình hát mình nhắm mắt để thả hồn theo bài hát thì thấy thích lắm. Nhưng thật sự là tôi lớn lên trong vũ trường, 17 tuổi đã đi hát trong vũ trường cho các cô các bác hạnh phúc với nhau. Vũ trường Việt Nam ngày đó đến những bài êm thì tắt đèn tối thui à để cho khán giả du dương với nhau. Thành ra khi đèn tắt tối thui thì mình cũng nhắm mắt mà hát thôi, thành ra quen. Đến khi bắt đầu có những chương trình thính phòng hát cho người ta ngồi nghe, thì tôi cũng phải tập một thời gian, vì khi đó mình thấy hơi ngượng, vì mình hát cho người ta khiêu vũ quen rồi, giờ người ta ngồi yên để nghe, để nhìn ngắm mình, thành ra có nhiều khi mình phải nhìn lại xem quần áo mình có gì bê bối không.
NV: Trong cuộc đời đi hát, có kỷ niệm vui buồn nào khiến anh nhớ nhất không?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Nhiều lắm không thể nào nhớ được. Có nhiều kỷ niệm rất dễ thương không thể nào quên, như lần đầu tiên tôi đi Úc hát tôi rất sợ, ít khi nào mình đi mình hồi hộp như vậy. Là vì trước khi đi tôi nghe nói khán giả Úc chỉ thích những loại nhạc do Chế Linh, Hương Lan hát thôi. Đối với tôi, âm nhạc nào hay thì nó đều là hay hết, tôi không phân biệt nhạc như nhiều khán giả, nên cũng có phần hồi hộp trước chuyến đi. Thế nhưng khi sang đó thì chương trình rất thành công. Khi đó có cô bé mới 9 tuổi nhờ bố mẹ ra yêu cầu tôi hát bài ‘Tâm sự người về đâu.” Đó là một bài rất khó nghe, nhạc của Phạm Duy, thơ của Lê Minh Ngọc. Bài đó tôi rất thích và từng hát trong một CD của tôi, mà bài đó cũng không nổi tiếng nhiều, vậy mà 1 cô bé 9 tuổi sanh đẻ ở ngoại quốc lại yêu cầu bài hát đó, thì đó là những kỷ niệm rất dễ thương. Còn lại thì ca sĩ nào đi hát cũng đều có khán giả của mình là điều rất bình thường
NV: Cho đến thời điểm này, sau mấy mươi năm đi hát, có buổi trình diễn nào trở về lại khiến anh buồn đến não nề không?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Cũng có nhiều lắm. Đó có thể là vì mình hát không vừa ý mình , hay mình không biết giữ sức khỏe để hôm đó mình trình diễn không tốt. Đó là trách nhiệm và bổn phận của mình mà mình làm không tròn. Đó là những cái khiến mình bực mình, để lần sau cố gắng hơn. Mà tôi lại là người khán giả khó tính nhất của tôi, thành ra nhiều lúc mình buồn vì mình không vừa ý với phần trình diễn của mình, trong khi khán giả thì vẫn khen. Khi người ta yêu mến mình, người ta dễ tha thứ cho mình những lỗi lầm nhưng mà bản thân mình thì không tha thứ cho mình. Thành ra những nỗi bực mình hay buồn thì nhiều lắm sau những buổi trình diễn, mà vui thì cũng có, buồn vui lẫn lộn.
NV: Là ca sĩ nổi tiếng, dĩ nhiên anh được sự hâm mộ rất nhiều. Nhưng có bao giờ anh bị rơi vào những tình huống khó xử bởi sự ái mộ quá đặc biệt của khán giả khác phái không?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Cũng chẳng khó xử là vì… Mà như thế nào là khó xử? Cũng như khi tôi đứng trong vũ trường để hát thì cũng có những khán giả ái mộ mình, nhưng mà ái mộ gì quá thì cũng trong vũ trường mà thôi, thì cũng đến giờ thì tôi lên sân khấu hát, hát xong thì tôi đi về, cũng không có chuyện gì đâu.
NV: Chỉ đơn giản vậy thôi?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Chỉ đơn giản vậy thôi. Nhất là ở tuổi của tôi bây giờ. Đối với tôi cái gì đủ là đủ. Khi trẻ mình còn tò mò, vì mình còn không biết nhiều chuyện. Giờ thì tôi đã là người có gia đình rồi, làm những chuyện lầm lẫn thì cũng đã làm hết rồi. Suốt đời mà mình cứ khó xử để rồi sa ngã thì cũng hơi kỳ.
NV: Như vậy, theo anh, mình biết cái gì đủ là đủ và đến tuổi này thì mới thấy đủ, chứ thời trẻ thì có quá nhiều thứ không thấy đủ, phải không?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Với tôi, một người đàn ông, mình sống nhiều thì mình mới thấy là một người đàn ông nếu đã có gia đình rồi thì nên sống đúng với tư cách một người đàn ông có gia đình. Tôi không thích những người nghệ sĩ lấy tên tuổi của một người nghệ sĩ để cho mình quyền lãng mạn để sống phóng túng. Tôi không thích hợp với điều đó. Thật sự tôi là người chỉ thích về nhà để học hỏi, nhất là bây giờ có computer, có đủ thứ trên mạng mình muốn học gì cũng được, ăn thua là mình có chí để học không thôi. Thành ra vấn đề khó xử qua lâu lắm rồi, tuổi khó xử của tôi cũng qua lâu lắm rồi.
NV: Một ngày bình thường của anh diễn ra như thế nào?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Tôi và vợ tôi chia công việc với nhau, tôi đi chợ thì vợ tôi nấu ăn tôi ăn thì vợ tôi rửa chén, đại khái vậy. Tôi đi chợ nghề lắm. Đi chợ quanh đây lâu lâu thấy mấy bà lớn tuổi hỏi, ủa anh Tuấn Ngọc cũng đi chợ nữa à. Tôi bảo dạ thì tôi cũng ăn uống như chị thôi chứ có gì đâu.
Cuộc đời tôi, ngoài sân khấu ra thì rất bình thường. Tôi rất giản dị, trừ tính khó tính của tôi thôi. Mà khó tính thì tôi nghĩ là tốt cho khán giả, là bởi vì sẽ tội cho khán giả khi chương trình mình không tốt thì giống như mình tập cho người ta nghe một cái gì không tốt thì họ sẽ quen đi, giống như mình ăn thức ăn không ngon thì mình không biết thức ăn ngon là như thế nào. Thành ra bổn phận thật sự của người nghệ sĩ rất quan trọng. Nếu mình không cẩn thận thì phần thiệt hại sẽ về phía khán giả. Thành ra không phải tôi nịnh khán giả nhưng mà tôi thương khán giả lắm
NV: Anh có nghĩ đến lúc nào thì anh sẽ chia tay với sân khấu không?
Ca sĩ Tuấn Ngọc: Có nghĩ chứ. Sự nghiệp âm nhạc ca hát này rất khó bỏ, trừ khi âm nhạc bỏ mình thôi. Thành ra tôi sẽ hát đến lúc nào mà khán giả của tôi nói rằng ‘anh hát tôi thích lắm’ nhưng anh không hát tôi thích hơn’ thì tôi sẽ nghỉ.
NV: Cám ơn anh đã dành cho độc giả Người Việt buổi nói chuyện thú vị này.