Các nhà sản xuất thịt lợn Hoa Kỳ đã không thể tiếp cận đáng kể với thị trường Việt Nam. Thời gian qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đã chịu thiệt hại nặng nề trong dịch tả lợn châu Phi (ASF) và buộc phải tăng nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài, theo một lá thư hôm thứ Tư gửi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai được ký 72 thành viên của Quốc hội, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ
Tuy nhiên, “các hàng rào thuế quan và phi thuế quan lại khiến thịt lợn của Mỹ khó cạnh tranh ở thị trường Việt Nam, ngay cả khi Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung ứng thịt lợn chất lượng từ bên ngoài”, các Dân biểu nhấn mạnh.
“Hệ quả là, đối thủ của chúng ta ở Liên minh châu Âu (EU) và ở các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể thuận lợi tận dụng cơ hội to lớn này thông qua các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam”, bức thư có đoạn.
Việt Nam đã tiêu hủy hơn hai triệu con lợn nội và lợn nhập khẩu trong hai năm qua vì dịch tả lợn châu Phi. Thịt lợn là loại thịt mà người Việt Nam dựa vào để cung cấp protein hàng ngày.
Năm ngoái, Việt Nam đã tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh của Mỹ từ 15% xuống 10%. Điều này dẫn đến việc xuất khẩu của Mỹ sang nước này tăng gấp đôi trong nửa cuối năm 2020 so với 6 tháng đầu năm, bức thư cho biết. Việc giảm thuế tạm thời hết hạn vào cuối năm 2020.
“Chúng tôi đã giảm thuế nhập khẩu thịt lợn Mỹ vào năm ngoái và Việt Nam đang tích cực triển khai các bước trong hiệp định thương mại và đầu tư giữa hai nước để thúc đẩy thương mại song phương”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Việt Nam cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác Hoa Kỳ về các biện pháp giúp cân bằng quan hệ thương mại của chúng tôi với Hoa Kỳ”
Ông Tuấn cho biết Việt Nam đã cho phép 475 công ty Mỹ bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt trong nước.
Các Dân biểu cho biết trong bức thư gửi cho Tai rằng “những năm qua đã vô cùng khó khăn đối với các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ do sự trả đũa thương mại từ các điểm xuất khẩu hàng đầu của Mỹ” cũng như sự gián đoạn do đại dịch coronavirus gây ra.
TH