Chia sẻ Wi-Fi là một hành động hào phóng, nhưng đi kèm với rủi ro. Nếu kẻ gian xâm nhập vào mạng gia đình, các thiết bị kết nối và chia sẻ cùng một mạng Wi-Fi có thể bị khai thác.
Với những người am hiểu kỹ thuật, việc thiết lập mạng Wi-Fi mở để chia sẻ cho hàng xóm không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, sự “hào phóng” cũng đi kèm với rủi ro. Trên lý thuyết, vẫn có xác suất người lạ xâm nhập Wi-Fi và các thiết bị khác trong cùng một mạng để xem trộm hoặc đánh cắp dữ liệu bằng cách kỹ thuật phức tạp, tinh vi.
Cách phát hiện những thiết bị lạ
Việc mạng không dây đột ngột chậm có thể là tín hiệu cho thấy có người đang dùng chung mạng và khai thác băng thông mà bạn không biết.
Để biết có người nào đang lén dùng mạng không, cách đơn giản nhất là đếm số lượng kết nối với bộ định tuyến. Khi không có công cụ nào kiểm tra, một cách đơn giản là ngắt tất cả thiết bị đang kết nối tới mạng Wi-Fi, sau đó để ý các đèn nhấp nháy ở mặt trước bộ phát.
Nếu bộ định tuyến vẫn truyền dữ liệu ngay cả khi đã ngắt kết nối Wi-Fi với tất cả thiết bị trong nhà, rất có thể hệ thống mạng của bạn đã bị kẻ gian đột nhập.
Bạn cũng có thể dùng các ứng dụng trên điện thoại thông minh như WiFi Thief Detector hoặc WiFi Guard để phát hiện những kẻ xâm nhập. Cả hai ứng dụng này đều hỗ trợ rất tốt cho người dùng với giao diện đơn giản, dễ làm quen giúp phát hiện nhanh các hoạt động đáng ngờ.
Phần mềm giám sát Internet cũng là một sự lựa chọn tốt. Phần mềm Wireless Network Watcher cho phép cả người dùng Windows và MacOS quan sát được tất cả các thiết bị được kết nối với Wi-Fi.
Khi khởi động, phần mềm sẽ xuất hiện danh sách các thiết bị đang kết nối với hệ thống Wi-Fi và bạn chỉ cần xác định các máy của mình để tìm ra được kẻ gian.
Làm sao bảo vệ mạng Wi-Fi gia đình?
Nếu bạn vẫn muốn chia sẻ Wi-Fi cho hàng xóm, hãy tạo một mạng Guest (khách) và giới hạn băng thông cho mạng này và hạn chế kết nối các thiết bị quan trọng trong gia đình vào mạng này. Tránh chia sẻ mật khẩu Wi-Fi chính của nhà bạn.
Nếu phát hiện một thiết bị đáng ngờ, bạn chỉ cần đổi mật khẩu Wi-Fi. Đây là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ hệ thống mạng mặc dù bạn phải đăng nhập lại Wi-Fi từ đầu cho các thiết bị của mình.
Các giao thức bảo mật Wi-Fi được nâng cấp liên tục. Hiện nay, giao thức hiện đại nhất là WPA3. Bạn không cần phải hiểu chúng hoạt động thế nào, nhưng khi thiết lập hãy nhớ dùng phương thức cao nhất mà bộ định tuyến hỗ trợ.
Ngoài ra, hãy đặt những mật khẩu mà bạn nhớ được mà người khác không thể đoán ra để yên tâm về độ bảo mật của chúng. Mật khẩu an toàn thường bao gồm cả các ký tự đặc biệt và số, được sắp xếp theo cách chỉ bạn nhớ được.
Bạn cũng có thể biến mật khẩu Wi-Fi thành mã QR, và người muốn vào mạng chỉ cần quét mã đó. Ảnh: Cnet. |
Nếu đặt mật khẩu khó đoán, hãy nhớ ghi lại ở một chỗ nào đó. Bạn cũng có thể ghi mật khẩu vào một tờ giấy và dán luôn lên bộ định tuyến.
Nếu muốn đảm bảo tuyệt đối không ai xâm nhập được vào mạng, bạn có thể ẩn SSID (tên mạng Wi-Fi). Mạng nhà bạn sẽ không hiện lên khi những người khác tìm kiếm mạng Wi-Fi xung quanh. Người muốn kết nối bắt buộc nhập địa chỉ IP.
Bạn cũng có thể thiết lập bộ lọc MAC để đưa vào “danh sách trắng” các thiết bị mà bạn sở hữu, vô hiệu hóa quyền truy cập của bất kỳ ai khác. Tất nhiên, điều này khiến cho những vị khách đến chơi muốn vào mạng sẽ khó khăn hơn một chút.
Để đảm bảo an toàn ở mức cao hơn, bạn cũng nên thay đổi tài khoản đăng nhập của bộ định tuyến ngoài các từ “admin” hay “root” như thông thường. Nếu để mật khẩu mặc định, có nguy cơ người ngoài xâm nhập được vào phần cài đặt, kiểm soát bộ phát.
Nếu mật khẩu bạn đủ mạnh, sẽ không ai có thể xâm nhập vào hệ thống Wi-Fi của bạn trừ hacker. Tất nhiên, vẫn có những công cụ giúp xâm nhập mạng Wi-FI đã đặt mật khẩu như Silica hay Hashcat.
Dù là phần mềm có phí hay miễn phí, chúng cũng đều phụ thuộc vào việc dò mã. Do đó, mật khẩu Wi-Fi đủ mạnh sẽ khiến cho tất cả hacker phải nản lòng. Hãy đặt mật khẩu dài hơn và khó đoán hơn để bảo vệ hệ thống W-iFi nhà bạn.