California đang chìm vào lòng đất

Sau khi phân tích và so sánh những hình ảnh bề mặt trái đất chụp từ vệ tinh cũng như thông qua radar khẩu độ tổng hợp giao thoa (InSAR) trên không, các nhà khoa học ở Phòng Thí nghiệm động lực học (JPL) của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã xác định được một số vùng đang lún dần, thuộc địa phận thung lũng San Joaquin. Theo các tác giả báo cáo, nguyên nhân gây ra tình trạng này là quá trình rút nước ngầm quá mức và không ngơi nghỉ kể từ thập niên 1920. Hậu quả là một số nơi sụt xuống đến 8,5 m trong thế kỷ qua.

Những hình ảnh cho thấy California đang lún với tốc độ chưa từng có /// Ảnh: ca.water.usgs.gov
Những hình ảnh cho thấy California đang lún với tốc độ chưa từng có

Bên cạnh đó, California đang trải qua nạn hạn hán lịch sử, bắt đầu từ vài năm trước và ngày càng làm trầm trọng hơn tình hình sụt lún, do nông dân địa phương phụ thuộc vào nguồn nước ngầm để tưới tiêu khi gặp hạn và buộc phải không ngừng rút nước từ lòng đất. Các nhà khoa học đã khoanh vùng 2 khu vực, được gọi là phễu lún, ở vùng phụ cận các thị trấn Chowchilla và Corcoran, với mỗi phễu bao phủ diện tích hàng trăm ki lô mét vuông, vẫn đang tiếp tục nở rộng và lún sâu hơn theo thời gian. Trong năm ngoái, phần đất ở phễu Corcoran lún cỡ nửa mét, còn tình trạng sụt đất đo được khoảng 40 cm gần Chowchilla. Cùng lúc đó, một khu vực có chiều dài 11,2 km gần thị trấn Tranquility thuộc hạt Fresno đã chìm nửa mét vào lòng đất, và những vụ lún đất nhỏ cũng được phát hiện tại các thung lũng Sacramento, Sierra.
Đội ngũ khoa học gia JPL ghi nhận rằng tình trạng sụt lún ở một số khu vực thuộc thung lũng San Joaquin đã giảm đi trong mùa đông 2015 – 2016, khi lượng mưa đáp ứng được nhu cầu của nhà nông. “Trong khi chúng ta có thể thấy rõ mức độ hiệu quả của hoạt động mưa đối với chuyện lún đất, chúng ta cũng biết rằng nước ngầm đang trong tình trạng bị thiếu hụt, nên sẽ mất nhiều thời gian để bổ sung nước cho các hồ chứa tự nhiên đó”, theo đồng tác giả Tom Farr. Thêm vào đó, tình trạng sụt lún đất đang gây phản tác động cho các nguồn cung cấp nước ở bang California, như California Aqueduct và Eastside Bypass, do các nhà quản lý dự án nước buộc phải kìm chế dòng chảy ở những đoạn bị lún nhằm tránh gây sức ép cho những đường dẫn nước.
“Tốc độ lún ở thung lũng San Joaquin được NASA ghi nhận từ năm 2014 đang diễn ra hết sức đáng ngại và bất ổn. Tình trạng này từ lâu đã gây khó khăn cho các vùng cụ thể ở bang California. Tuy nhiên, tốc độ sụt đất hiện tại đang phá hoại cơ sở hạ tầng phục vụ cho hàng triệu người. Việc rút nước ngầm giờ đây đã đẩy những hệ thống truyền nước đến thung lũng San Joaquin vào nguy cơ sát sườn. Tình hình đã trở nên không thể khống chế”, Giám đốc Sở Các nguồn nước California William Coyle lên tiếng báo động.

Khám phá mới về nhiệt độ của lớp phủ trái đất

Nghiên cứu mới ở Khoa Địa chất và vật lý, Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho biết nhiệt độ của lớp phủ trái đất (quyển Mantle) nóng đến 1.4100C, hơn 600C so với nghiên cứu của các nhà khoa học trước đây, theo trang Live Science ngày 6.3.
Phát hiện mới góp phần giúp nhóm nghiên cứu mô phỏng chính xác hơn quá trình địa động lực của trái đất như hoạt động của mảng kiến tạo. Lớp phủ nóng hơn dẫn đến việc tan chảy dễ dàng hơn; khiến các mảng kiến tạo có thể lướt nhẹ trên quyển mềm – đại diện nhóm nghiên cứu cho biết. Để tiến hành nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tạo ra những lớp đá ở mặt đất bị phong hóa bằng cách tổng hợp nguyên liệu từ các mỏ đá khoáng sản.
Sau đó, họ đem mẫu đá tổng hợp đi thử nghiệm dưới các áp lực và nhiệt độ khác nhau. Sau một thời gian quan sát, họ nhận thấy có một ít nước tồn tại ở lớp phủ, như vậy lớp phủ không hoàn toàn khô bởi lửa nóng. Lượng nước giúp làm nguội đi hoặc nóng lên nhiệt độ của lớp phủ bên dưới. Kết quả khẳng định rằng lớp phủ tan chảy do gần bề mặt trái đất hơn, trái với những nghiên cứu trước cho rằng lớp vỏ tan chảy khi nằm vào sâu bên trong.
Lan Uyên

Leave a Reply