Việc Trường THPT Hà Huy Giáp(TP. Cần Thơ) yêu cầu học sinh về nhà thay quần ống bó bằng quần ống rộng được nhiều độc giả ủng hộ. Thậm chí có đề nghị lãnh đạo các trường khác nên làm theo.
Độc giả Mỹ Linh cho biết chị đồng tình với cách làm của nhà trường, tuy nhiên cũng không nên quá áp đặt ống quần phải từ 18-20cm. “Kích thước 18-20cm với những em to cao thì vừa, nhưng với những em gầy thấp thì lại quá rộng… Nhân đây cũng xin nói thêm, nên bỏ quy định học sinh nữ phải mặc áo dài đi học.
Tôi là người lớn mà thấy mặc áo dài đi làm – trong văn phòng máy lạnh mà còn thấy rất vướng víu, bất tiện, huống hồ học sinh… Ngay cả các ngân hàng giờ cũng chỉ giữ trang phục áo dài 1-2 ngày/tuần! Nhìn các em mặc áo dài, đẹp đâu chẳng thấy, chỉ thấy bẩn, mồ hôi nhễ nhại và đi xe đạp thì rất vướng và nguy hiểm” – chị Linh thẳng thắn góp ý với lãnh đạo các trường.
“Tôi đồng ý cần phải có quy định về trang phục khi đến trường. Như thế mới là trường học chứ, nếu các em mặc đồ bó sát người, mỏng dính như ca sĩ Minh Hằng thì mọi người sẽ nghĩ gì? Mà hiện nay nhiều học sinh vẫn mặc như thế đến trường, nhìn mà thấy gai hết cả mắt” – một bạn đọc khác nhận xét.
Bàn về vấn đề này, một độc giả ở Hà Nội khẩn thiết đề nghị: “Tôi thấy các trường nên làm nghiêm khắc về vấn đề trang phục đến trường. Tôi ở Hà Nội, lắm lúc ra đường nhìn các em cấp 3 mặc những trang phục đi học mà cứ tưởng như cô ca sĩ, hay diễn viên nào đó chuẩn bị lên sân khấu biểu diễn”.
Trước ý kiến cho rằng nhà trường không nên “làm quá” đến mức phải đuổi các em về chỉ vì vấn đề trang phục, nhiều bạn đọc lại tỏ ý không đồng tình và khẳng định “các em phải làm được việc nhỏ mới làm tốt việc lớn sau này”.
“Tôi ủng hộ việc làm của hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp. Đạo đức, tư cách, tác phong của HS phải được rèn giũa từ khi còn ngồi trên ghề nhà trường. Cái cây muốn uốn phải uốn từ lúc còn non” – độc giả tên Trangchia sẻ ý kiến.
Anh Lê Văn Tâm thẳng thắn đặt câu hỏi: “Trường học phải cho ra trường học chứ! Không làm theo qui định của trường thì không lẽ để mặc cho học sinh muốn làm gì thì làm à? Ở trường quy định nhỏ nhặt vậy còn không tuân theo, sao này ra đời thì ra tích sự gì?”
Anh Thế Hoàng cho rằng cách làm nghiêm minh như trường Hà Huy Giáp là đúng đắn, bởi nếu không làm nghiêm chuyện ăn mặc thì sau này những quy định khác sẽ không được tôn trọng và thực hiện.
Đặc biệt, trước thông tin và phản ứng của dư luận về trường hợp này, Hiệu phó một trường ở TP.HCM cũng lên tiếng: “Hãy để giáo dục chúng tôi được làm thiên chức của mình!”
Trong số những ý kiến đồng tình với nhà trường, vẫn còn một số quan điểm đi ngược chiều, cho rằng “nhà trường nên cho các em quyền được ăn mặc theo sở thích” hay “quan trọng là đào tạo, kiến thức, chứ không phải là chuyện hình thức”. “Chuẩn hay không là ở đạo đức chứ không phải là quy định hình thức nọ kia. Ngày xưa các vị và cả tôi đi chân đất đi học thì đã sao?” – một độc giả phản đối.
“Không ngờ có những quy định vô lý như vậy. Ở phương tây họ có cần mặc đồng phục đâu mà nền giáo giục của họ vẫn tốt hơn ta nhiều lần đó thôi! Ăn mặc sao cũng được miễn là thoải mái là được” – bạn đọc Anh Thơ góp ý kiến.
Trước quan điểm này, anh Trần Nam phân tích: “Những việc học sinh, sinh viên hành xử nhau như thời trung cổ, những vụ vi phạm về văn hóa, thuận phong, mỹ tục, sự xuống cấp về đạo đức xã hội… là một điển hình về quan niệm và sự buông lỏng kỷ cương trong giáo dục của cả xã hội. Cần hiểu quyền con người một cách đầy đủ hãy nói chứ không nên lạm dung từ “quyền”.”
Có phần khách quan hơn, chị Thanh Lan cho rằng vấn đề này tùy vào cách suy nghĩ của mỗi người. “Trường ra luật như vậy để quản giáo học sinh, nhưng theo tôi thì trường có thể cấm tóc nhuộm hay quần ngắn vì cái đó làm mất thẩm mĩ và không đúng tư cách của học sinh, chứ ống quần to nhỏ là quan điểm thẩm mĩ của mỗi người, chứ có ảnh hưởng gì đâu, cũng như áo dài truyền thống vậy! Ngày xưa cổ cao chứ bây giờ hầu hết sinh viên, học sinh đều khoét cổ xuống. Đó là thẩm mĩ, có ai nói gì đâu. Nên nhớ giáo dục là định hướng chứ không phải vùi dập.
Hãy ra quy định hợp lý, chừng mực, hãy nghĩ đến cảm nghĩ của học sinh chứ không phải thích thì ra không thích thì bỏ, xã hội bây giờ toàn cầu hóa”.
- Nguyễn Thảo (tổng hợp)