(VTC News) – Để quản lý vài ba chân dài thích hở hang mà phải sinh ra cả một cái đề án cấp chứng chỉ hành nghề tốn kém tiền tỷ, vậy có đáng?
Đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của Bộ VHTTDL được đưa ra góp ý sáng 3/6 đã gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận. Đề án này được xác định thời hạn thực hiện vào tháng 1/2014.
Không thể phủ nhận, chiếc thẻ hành nghề là một công cụ kiểm soát nghệ sĩ rất hữu hiệu. Nó cho phép các cơ quan quản lý “phạt nguội” các trường hợp vi phạm. Điều mà hiện nay, họ không thể làm được.
Tại chương trình ca nhạc từ thiện ‘Đêm mỹ nhân’ diễn ra ở Quảng Bình tối 14/8/2011, ca sỹ Minh Hằng đã mặc một bộ đồ ren phản cảm. |
Bởi nghịch lý là nếu không bắt tại trận vi phạm, cơ quan quản lý khó lòng xử phạt nghệ sĩ. Vì không lập biên bản tại chỗ, và có chữ ký xác nhận của nghệ sĩ vi phạm, biên bản xử phạt hành chính sẽ không có hiệu lực.
Tại chương trình ca nhạc từ thiện Đêm mỹ nhân diễn ra ở Quảng Bình tối 14/8/2011, ca sỹ Minh Hằng đã mặc một bộ đồ ren phản cảm, nhìn vào cảm tưởng như bộ trang phục “phô” ra hết những phần nhạy cảm của cơ thể.
Khi những hình ảnh của Minh Hằng trong bộ đồ ren này tràn lan trên các trang mạng thì Sở VHTTDL Quảng Bình mới quyết định xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng đối với đơn vị đăng cai tổ chức.
Cá nhân Minh Hằng lại không phải nhận án phạt nào, điều này gây bức xúc cho không ít người. Sau đó, trong cuộc họp báo chấn chỉnh về quản lý nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang tại Bộ VHTTDL vào ngày 7/10/2011, báo giới nhắc lại vụ việc trên như một điển hình của sự “lọt lưới”.
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL đã cho biết lý do mà Sở VHTTDL Quảng Bình chưa thể xử phạt ca sỹ Minh Hằng là vì thanh tra Sở không có biên bản vi phạm ngay trong đêm diễn và có chữ ký của ca sỹ Minh Hằng trong biên bản đó.
“Nếu không thể lập biên bản xử phạt tại chỗ thì muốn xử phạt Minh Hằng, chúng tôi phải làm văn bản gửi về địa phương, sau đó làm nhiều thủ tục khác mới xử lý được. Việc này cũng rất khó khăn, vì thanh tra Sở VHTTDL chỉ có 3 người”, ông Thành giải thích.
Dàn người mẫu trình diễn nội y trái phép trong ‘Đêm hội chân dài 7’. |
Với thực tế trên, mà Bộ VHTTDL mới nảy ra ý định cấp chứng chỉ hành nghề để nhằm kiểm soát và nắn chỉnh nghệ sĩ đi đúng đường ngay từ đầu. Nhưng trong buổi góp ý sáng 3/6, rất nhiều lãnh đạo các Sở tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của đề án này. Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VHTTDL TPHCM cho rằng chưa đủ tính pháp lý để thực hiện quy định này.
Theo ông Nam, các nghị định liên quan đến quản lý biểu diễn chưa có điều nào nói về thẻ hành nghề hay chứng chỉ hành nghề. Nếu thực hiện việc cấp chứng chỉ sẽ phải sửa Nghị định 79 về hoạt động biểu diễn, Nghị định 75 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa.
Ông Võ Trọng Nam cũng đề nghị Bộ “suy nghĩ chín chắn hơn về việc cấp chứng chỉ này”. Bởi theo ông, nếu hội đồng thẩm định làm hết trách nhiệm, dừng ngay hoặc cắt bỏ ngay các tiết mục, chương trình không đủ chất lượng thì sẽ đưa được những sản phẩm tốt ra công chúng thì chẳng cần đến cái thẻ hành nghề để “phạt nguội” nghệ sĩ.
Ý kiến của ông Nam không đúng hoàn toàn, khi chính Sở VHTTDL TP.HCM, địa bàn do ông phụ trách luôn là nơi để lọt lưới những vụ việc gây bức xúc dư luận. Gần nhất là vụ Đêm hội chân dài 7 biểu diễn nội y trá hình, tự ý thay đổi chương trình và quảng cáo rượu trái phép.
Dù công ty tổ chức chương trình này đã bị xử phạt 35 triệu đồng. Vụ việc chỉ được Sở VHTTDL TP.HCM biết khi có tin phản hồi lại từ báo chí. Từ đó có thể thấy công tác kiểm duyệt và giám sát các chương trình biểu diễn của các Sở hiện nay còn khá yếu.
Nhưng ở một góc độ khác, về mặt kinh tế, đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của Bộ VHTTDL cần phải được xem xét thấu đáo. Bởi trong hai năm gần đây, khi Bộ này phát động phong trào chấn chỉnh quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang, số trường hợp vi phạm bị xử phạt mới chỉ đếm được trên vài đầu ngón tay.
Mà trình diễn nóng bỏng của Ngọc Trinh tại ‘Đêm hội chân dài 7’. |
Tiêu biểu nhất về cá nhân nghệ sĩ vi phạm có Thu Minh, Thái Hà bị xử phạt vì ăn mặc phản cảm. Cao Thái Sơn bị phạt vì hát nhép. Vậy chỉ để quản lý vài ba trường hợp nghệ sĩ vi phạm mà thực hiện cả một đề án cấp chứng chỉ hành nghề, liệu có đáng?
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn, việc cấp chứng chỉ sẽ rất thông thoáng, nghệ sĩ cứ đăng ký là được cấp chứng chỉ hành nghề mà không phải qua một hội đồng thẩm định nào. Lối cấp thẻ này ngay lập tức đã bị chính những người trong cuộc phản đối.
Ông Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội, cho rằng đã là chứng chỉ thì phải dựa vào trình độ, khả năng nhất định của nghệ sĩ. Nếu cấp mà không thẩm định khả năng của nghệ sĩ thì không sao quản lý được.
NSƯT Lê Chức, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, phản đối quyết liệt sự “thông thoáng” này. Theo ông thì: “ Đồng ý là phải thông thoáng hơn trong việc cấp thẻ, không có hội đồng nhưng không có nghĩa là không thẩm định. Nếu việc cấp thẻ mà không làm nghiêm túc thì chẳng biết chừng chúng ta chỉ làm những giá trị về văn hóa càng thêm hỗn loạn hơn thôi”.
Dẫu biết có thể, cấp chứng chỉ hành nghề thì sẽ không còn chuyện ca sĩ hát nhép, không còn việc người mẫu tự lột đồ ra trên sân khấu. Nhưng liệu bộ mặt showbiz Việt có “thay da đổi thịt”? Quan trọng hơn cả là thái độ của các cơ quan quản lý như Bộ, Sở VHTTDL sẽ thế nào để nghệ sĩ cảm thấy sợ mà tự điều chỉnh lại hành vi của mình.
Chứ cứ “thông thoáng” như cách nghĩ trên của Bộ VHTTDL, thì đề án cấp chứng chỉ hành nghề lần này cũng chỉ là một “động tác giả”. Bởi ai dám đảm bảo rằng sau lần cấp chứng chỉ hành nghề này, ca sĩ, người mẫu sẽ sợ, không dám gây scandal để đánh bóng tên tuổi?