(TNO) Hiện nay, có khá nhiều trường hợp học sinh nữ nhưng ăn diện như con trai, trong khi một số nam sinh lại bị phụ huynh phản ứng vì gần gũi như ‘chị em’ với con gái họ. Vì sao lại thế?
Nữ “ngán” váy, con trai thích chơi với con gái
Ở các trường THPT hoặc trường THCS, có một số học sinh nữ đến trường với bề ngoài như dáng đi, cử chỉ, cách ăn mặc, tóc tai,… không khác nam sinh là mấy. Nhìn thật khó đoán giới tính.
Trường THCS ở quận 8 TP.HCM (xin được giấu tên) có trường hợp học sinh nữ tên L. học lớp 6 đến lớp 8 vẫn mặc váy như các bạn bè trang lứa. Thế nhưng, sau kỳ nghỉ hè, đầu năm học lớp 9, L. lại mặc áo quần thể dục đến trường suốt một thời gian dài.
Cách đi đứng, dáng vẻ của L. “chuẩn men” không khác gì con trai. Do tự thấy bản thân dường như không phải con gái, em học sinh này cảm thấy khó thoải mái khi mặc đồng phục nữ. Thế nhưng, sau một thời gian mặc đồ thể dục, L. bị nhà trường phát hiện ra và em đành phải mặc váy đến trường như các bạn khác.
Tương tự trường hợp này, ở một trường THPT tại quận 4 TP.HCM, có gia đình một học sinh nữ đã đến gặp ban giám hiệu xin cho con gái mình được mặc quần tây, áo sơ mi đến trường thay vì mặc váy đồng phục của trường.
Lí do phụ huynh đưa ra là con gái họ “có xu hướng con trai” từ tính cách, suy nghĩ nên không chấp nhận mặc đồng phục nữ. Và năm học này, em học sinh nữ nói trên vẫn mặc quần tây, áo sơ mi đến trường như các bạn nam khác.
Học sinh trong giờ tập thể dục – Ảnh: Trần Ka |
Trong khi đó, với nam sinh có tính cách, điệu bộ như nữ cũng gặp không ít khó khăn khi đến trường. Em N., học sinh lớp 12 ở một trường quận Tân Bình TP.HCM, thực sự cảm thấy cô độc khi đi học.
N. tâm sự: “Bên ngoài em vẫn như các bạn trai nhưng tính em vốn hiền lành, nhẹ nhàng vì từ nhỏ đến lớn gia đình, bạn bè toàn con gái. Mặc dù không rõ ràng lắm nhưng sau năm học lớp 11, em cảm giác mình thích con trai hơn con gái, có khi còn cảm thấy ghen khi người bạn trai em thích chơi với bạn trai khác”.
Do không thích chơi các trò chơi mạnh bạo hay ăn nói sỗ sàng như con trai, N. kể thường bị con trai chọc ghẹo nên em không dám chơi với con trai nữa. Nhưng khi N. chơi thân với con gái lại thường khiến bạn gái bị gia đình, bạn bè hiểu lầm là “bồ bịch”.
Ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4 TP.HCM) cũng có trường hợp phụ huynh đến trường phản ánh tình trạng con gái họ thường xuyên đi chung, thân mật với một nam sinh ở trường khiến họ lo lắng sẽ nảy sinh “tình cảm nam nữ quá đà” giữa các em.
Sau khi xác nhận từ giáo viên, học sinh, phụ huynh trên mới biết là nam sinh này có xu hướng tính cách như con gái, thường “mắc cỡ” trước con trai, thích “cặp kè” với con gái. Không chỉ con gái của phụ huynh này mà con gái trong lớp đều thân thiết với em này như các bạn nữ khác, và thường gọi nhau là “bà – tui” rất tự nhiên.
Biểu hiện đặc biệt
Chị Trần Thị Hoa, phụ trách tư vấn sinh lý học sinh Trường THCS Chánh Hưng (quận 8, TP.HCM), cho biết học sinh lớp 8, lớp 9 năm nào cũng có vài trường hợp học sinh có biểu hiện nam giống nữ và ngược lại.
Chị Hoa nhận xét: “Có những em nữ nhìn biểu hiện rất nam tính, đi đứng, ăn mặc như nam trong khi nam sinh thì dịu dàng, thích chơi trò chơi con gái, thường gọi nhau bà bà tui tui”.
Chị Lâm Ngọc Minh Thư, trợ lý thanh niên, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP.HCM), cho biết nếu như ở bậc THCS, học sinh chỉ mới biểu hiện qua cách ăn mặc, dáng đi,… thì lên bậc THPT, các em có biểu hiện rõ hơn đối với người cùng giới và khác giới.
Một bộ phận học sinh nam chỉ thích chơi với con gái và mắc cỡ với con trai (ảnh mang tính chất minh họa) – Ảnh: Trần Ka |
Chị Thư mô tả: “Đối với nam sinh có biểu hiện như nữ sinh rất thích chơi với các bạn nữ, “e ngại” các bạn nam. Trong khi đó, các bạn nữ có biểu hiện như nam lại thường tham gia các trò chơi hầm hố cùng con trai nhưng bạn bè (cả nam và nữ) lại không nhiều”.
Về mặt học tập và sinh hoạt, chị Thư cho rằng “có một điều đặc biệt là các em này thường hoạt động đoàn hội, văn nghệ, thể thao rất năng nổ và “có uy” với học sinh khác. Vì vậy mà các em còn được các học sinh trong lớp “ưu ái” quý mến, nghe lời hơn nếu làm chức vụ gì đó trong lớp, và thầy cô cũng đều yên tâm”.
Còn theo chị Hoa, nam sinh có biểu hiện như con gái thường nhiều hơn nữ sinh có biểu hiện như con trai. Những năm gần đây, ở Trường THCS Chánh Hưng (quận 8, TP.HCM) mà chị đang công tác cũng có nhiều nam sinh biểu hiện như nữ sinh.
Nhận xét về những em có biểu hiện như nữ, chị Hoa nói: “Tôi từng tiếp xúc với nhiều em nam có tính cách như con gái và thấy các em khá tình cảm, lại có năng khiếu đặc biệt như đàn, hát, vẽ tranh, biên đạo, biên kịch, thiết kế, biểu diễn,… và được bạn bè trong lớp ngưỡng mộ”.
Chị Thư chia sẻ: “Tôi nghĩ học sinh giới tính nào cũng được, miễn sao các em sống thật tốt. Nhưng cũng cần có gia đình quan tâm hơn để được tư vấn, định hướng, không để các em cô độc, lo lắng”. (Còn tiếp)
Phụ huynh cần xem lại môi trường sống của con trẻ Chị Tâm, có con trai đang là học sinh lớp 5, tỏ ra rất băn khoăn khi trường hợp con trai có xu hướng hình thành sở thích, tính cách như con gái. Chị kể: “Bé nhà tôi dạo gần đây tỏ ra thích làm bếp với mẹ, thích đi học múa với các bạn nữ, thích chơi các trò như con gái… Nhìn bé đi đứng, ăn nói “nữ tính” lắm!”. “Tôi cũng là người cởi mở nhưng cũng lo lo không biết nên hướng cho con chơi những trò chơi của con trai hay cứ để bé làm theo sở thích?”, chị Tâm băn khoăn. Theo thạc sĩ Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy, giảng viên tâm lý, Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM, xã hội thường quy gán nam thì phải thế này, nữ thì phải thế kia trong khi trên thực tế, một người có sở thích thế nào, tính cách ra sao,… phụ thuộc vào môi trường xunh quanh: gia đình, nhóm bạn,… Tính cách, thói quen,… có một phần lớn sự tác động từ yếu tố môi trường nên phụ huynh nên xem lại môi trường sống trong gia đình cũng như các mối quan hệ xung quanh đứa trẻ thay vì la mắng, quở trách, chê bai hay trêu ghẹo. “Một điều lưu ý rằng, việc con trai thích nấu ăn, thích múa,… là điều hoàn toàn bình thường. Trẻ có sở thích và say mê ở lĩnh vực nào thì cũng nên tìm hiểu và giúp trẻ phát huy lĩnh vực đó”, thạc sĩ Thy phân tích. |
Hoàng Quyên