Bà Peggy Harris và chồng – Trung úy Billie D.Harris kết hôn với nhau chỉ mới 6 tuần trước khi ông có lệnh dàn quân chiến đấu. Kể từ khi chồng ra đi, bà chưa từng nhận được một thông báo chính thức nào về tình hình của ông. Bà không tin rằng chồng mình đã chết mà vẫn luôn nuôi hy vọng rằng ông vẫn còn sống ở đâu đó trên thế giới này và đang tìm cách trở về nhà. Thế nhưng, ít năm sau đó, bà Peggy lại nghe được tin rằng, ông Billie bị mất tích trong khi làm nhiệm vụ.
Bà Peggy không ngừng tự đặt những câu hỏi về chuyện gì đã xảy ra với người chồng của mình. Những trăn trở, lo lắng càng khiến bà nhận ra tình cảm dành cho chồng càng sâu nặng như thế nào, bà quyết định sẽ không bao giờ tái hôn và dành cả phần đời còn lại thủ tiết chờ ông Billie trở về.
Nhiều năm sau đó, bà Peggy liên tục viết thư gửi đến Nghị sỹ quốc hội để tìm thông tin về tung tích của bạn đời. Cuối cùng, năm 2005, bà nhận được bức thư hồi âm rằng, Billie vẫn nằm trong danh sách những người bị mất tích khi làm nhiệm vụ. Nhưng cả gia đình của Billie không tin rằng ông đã ra khỏi cuộc chiến và biến mất. Họ đã yêu cầu phải kiểm tra lại hồ sơ quân đội của Billie D. Harris.
Sau đó, gia đình đã nhận một cú sốc, câu trả lời mà họ nhận từ Nghị sỹ quốc hội hoàn toàn không đúng, quân đội đã liệt cái tên Billie D. Harris vào danh sách KIA, tức là những người đã bị chết trong khi làm nhiệm vụ: Ngày 17/7/1944, chồng bà Peggy – Trung úy Billie D.Harris đã lên máy bay chiến đấu vào vùng quân sự thực hiện nhiệm vụ. Nhưng khi bay qua vùng Đức Quốc xã chiếm đóng ở phía Bắc nước Pháp, máy bay của ông đã bị bắn hạ.
Bà Peggy đã tìm đến nghĩa trang người Mỹ ở Normandy nước Pháp và biết được câu chuyện đằng sau cái chết của người chồng thân yêu:
Sau khi máy bay của Billie bị bắn, ở những phút cuối cùng ông vẫn cố gắng điều khiển chiếc phi cơ sao cho những mảnh vụn không rơi vào nơi có người dân sinh sống. Sự hy sinh của ông đã bảo toàn hàng ngàn mạng sống của những người dân làng ngày hôm đó. Và người dân của Les Ventes luôn tưởng nhớ đến Billie, dành một niềm cảm kích, tôn kính đến chàng lính Mỹ dũng cảm.
Khi bà Peggy đến thăm một ngôi làng nhỏ ở Les Ventes, Pháp, nơi mà máy bay của chồng đã bị bắn hạ, bà nhận ra rằng con đường lớn của ngôi làng được đặt theo tên của chồng bà, Billie D. Harris. Họ cũng đã xây mộ phần cho Billie ở nghĩa trang địa phương và bao phủ ngôi mộ với rất nhiều hoa cỏ. Ngay cả khi thi hài của ông đã được chuyển tới nghĩa trang Mỹ ở Normandy, Pháp, người dân vẫn tiếp tục đặt những đóa hoa rực rỡ lên mộ phần của ông như một lời tri ân tới Billie.
Điều này đã khiến bà Peggy vô cùng cảm kích: Suốt hơn nửa thế kỷ qua, dù không được bên cạnh những người thân trong gia đình nhưng ông Billie không cô độc, ông vẫn tiếp tục sống mãi trong trái tim ấm áp và yêu thương của những người mà ông đã dùng cả sinh mệnh của mình để cứu.
***
Câu chuyện về trung úy Billie D.Harris dũng cảm càng khiến ta cảm kích và trân trọng hơn những người đã ngã xuống vì sự sống của người khác. Sự hy sinh vĩ đại nhất là khi ta quên đi hạnh phúc của bản thân vì lợi ích của người khác. Khi ta sống và chết cho lợi ích của người khác, ta sẽ không bao giờ bị lãng quên bởi những người chúng ta yêu thương và bởi những người chúng ta đã ra tay cứu giúp.
Câu chuyện cũng khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Vì đâu con người vẫn còn day dứt bởi chiến tranh, vì sao Trái Đất này phải tồn tại xung đột? Xung đột và chiến tranh, dù nổ ra ở bất kỳ đâu trên thế giới này, trong thời đại nào và tước đi sinh mệnh của bao nhiêu người đi chăng nữa, thì nỗi đau mà nó gây ra vẫn luôn nhiều hơn những gì ta có thể nói bằng lời. Vậy, đến khi nào chúng ta có thể hóa giải mọi mâu thuẫn trong hòa bình bằng sự lương thiện và vị tha của con người mà không cần đổ máu? Và, đến khi nào con người mới thấm thía được chân lý: Hòa bình lâu bền không thể được kiến lập bằng súng đạn. Hòa bình chỉ có thể được xây dựng bởi Thiện tâm…
Hiểu Minh