Jay Alexander, 36 tuổi, một chàng trai Mỹ trắng nhưng lại say mê văn hóa Việt Nam như thể kiếp trước, anh là người Việt Nam. (Hình: Tâm An/Người Việt)
Sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô thành phố Fresno, miền Trung California, cho tới khi anh 21 tuổi, Jay Alexander không hề biết tới người Việt cũng như hai tiếng Việt Nam.
“Năm 2004, tôi tới Oregon ở nhà chị gái để thay đổi không khí một chút, thì có một tiệm cắt tóc ngay cạnh nhà chị tôi, có để bảng giá rất rẻ. Tò mò, tôi bước vào muốn cắt thử tóc xem sao, mặc dù trong lòng nghĩ rằng, giá rẻ thế này có lẽ họ cắt tóc không đẹp,” Jay bắt đầu câu chuyện của mình bằng tiếng Việt rất rõ ràng, rõ tới từng âm sắc của mỗi từ ngữ.
“Nhưng không ngờ họ cắt tóc quá đẹp, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Có điều, người thợ cắt tóc không biết nói tiếng Anh, nên tôi không nói chuyện được gì nhiều với họ. Lần đầu tiên, tôi nghe được một thứ ngôn ngữ rất thú vị, đáng yêu một cách khó tả. Tôi hỏi họ: ‘Quý vị đang nói ngôn ngữ gì vậy?’ Người thợ cắt tóc trả lời rằng đó là ngôn ngữ Việt Nam. Họ là người Việt Nam di cư sang đây,” Jay hào hứng kể tiếp.
“Tò mò, tôi đi tìm mua sách học tiếng Việt. Năm đó là 2004, chưa có nhiều người học tiếng Việt nên đi mua sách ở Oregon rất hiếm. Tôi tìm mãi mới mua được một cuốn sách rất cũ, xuất bản từ năm 1967. Kèm theo đó là một cuốn băng ghi âm và một chiếc máy cassette. Cuốn băng cassette đó, người ta ghi âm giọng đọc tiếng Việt mà tôi còn nghe có cả tiếng chim hót ở trong đó,” Jay cười khi kể về cuốn sách “đồ cổ” đầu tiên trong “hành trình” tự học tiếng Việt của mình, từ 15 năm về trước.
Jay nhớ lại cảm giác lần đầu tiên khi học tiếng Việt: “Lúc đó, tôi thấy trong lòng lạ lắm, có cái gì đó thay đổi trong tôi. Tôi học rất say mê. Càng học thì tôi càng thấy nó thú vị.”
Hằng tuần anh quay lại tiệm tóc để nói chuyện tiếng Việt với những người thợ ở đó, đồng thời học thêm từ mới, với một niềm thích thú lạ lùng, mà chính anh cũng “không hiểu tại sao.”
Khám phá Việt Nam
Việt Nam trong tâm thức Jay lúc đó, có lẽ là một thế giới đầy mới mẻ, lạ lẫm và lôi cuốn. Điều đó thôi thúc một chàng trai trẻ 21 tuổi như Jay cần phải lên đường khám phá.
Không ngăn nổi sự tò mò, anh quyết định mua vé bay đi Việt Nam chỉ sau ba tháng biết tới người Việt và tiếng Việt.
Anh cho biết: “Tôi đã làm việc ở Target với mức lương tối thiểu là $8.25/giờ trong ba tháng, để dành tiền cho chuyến đi Việt Nam. Hồi đó vé bay còn rất mắc, giá hơn một ngàn đô la, nhưng tôi vẫn đi. Ngày đó Internet còn rất chậm và hạn chế, tôi chỉ biết đặt vé bay rồi lên đường đi Việt Nam. Tôi hoàn toàn không có một kế hoạch nào định trước. Đến nỗi mà, khi đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn, tôi hơi sợ vì không biết mình sẽ đi đâu, về đâu. Nhưng nỗi sợ đó lại khiến tôi muốn tiến về phía trước, đi tiếp, thay vì ngăn cản tôi quay trở lại.”
“Tôi đã đi dọc từ Nam ra Bắc, bằng xe đò và xe ôm. Từ Sài Gòn tôi hỏi thăm ra Mũi Né, rồi tới Nha Trang, tới Đà Nẵng, Huế, cuối cùng là Hà Nội. Tôi lang thang trong hai tháng liền. Lạ một điều, cái gì ở Việt Nam tôi cũng mê, món ăn nào tôi cũng thích, thậm chí những món càng có mùi hôi của các loại mắm, tôi thấy món đó càng ngon,” Jay kể.
“Tôi mê đến nỗi tôi đã không muốn quay trở lại Mỹ, tôi muốn ở lại Việt Nam luôn. Tôi cố đi kiếm việc làm để có tiền ở lại Việt Nam lâu hơn. Chẳng hạn như tôi xin dạy tiếng Anh tại một số trung tâm ngoại ngữ. Nhưng rất tiếc là người ta không nhận, họ nói tôi cần có bằng đại học mới dạy học được,” anh kể tiếp.
Jay tâm sự: “Lúc đó tôi khùng đến nỗi, nếu có ai ưng gả con gái họ cho tôi, miễn tôi được ở lại Việt Nam, chắc tôi cũng đồng ý, bất kể cô đó xấu hay đẹp, có hợp hay không? Cuối cùng, vì không kiếm được việc, đã tới lúc hết tiền, tôi buộc phải quay trở lại Mỹ.”
Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi Việt Nam đó, anh cho biết: “Những ngày cuối chuyến đi, tài khoản ngân hàng của tôi bất ngờ gặp trục trặc không rút tiền được. Thế là tôi không có tiền, phải cầu cứu ba tôi. Tôi chỉ xin ông một số tiền nhỏ đủ trả tiền khách sạn vì tôi sắp bay trở lại Mỹ. Nhưng không ngờ khi quay lại phi trường Tân Sơn Nhất, tôi đã bị lỡ chuyến bay và phải dời lại tới trưa hôm sau.”
“Trong túi tôi lúc đó, không còn một đồng nào. Thế là tôi phải ở lại một đêm trong cảnh ‘homeless’ ngoài trời ở phi trường. Tôi vừa đói bụng, vừa bị muỗi cắn khắp người. Có một chú bảo vệ làm việc ở phi trường, khi thấy hoàn cảnh đó, ông đã cho tôi 15,000 đồng tiền Việt (giá hiện nay là 64 cent) để đi ăn một tô phở, trước khi tôi lên máy bay trở về Mỹ. Điều đó làm tôi xúc động và nhớ mãi. Tôi tiếc là không có cách nào liên lạc lại với chú bảo vệ đó để gửi lời cảm ơn ông. Ông đã giúp đỡ một người nước ngoài như tôi, khỏi cơn đói, với số tiền có khi bằng cả ngày lương của mình,” Jay xúc động kể.
“Chuyến đi Việt Nam khi đó, đã thay đổi nhận thức tôi rất nhiều. Chẳng hạn như khi ở Mỹ, mỗi buổi sáng chỉ cần không có một ly cà phê tráng miệng là đã cảm thấy bực bội. Trong khi ở Việt Nam, nhiều người ở nông thôn, mấy ngày trời họ không có gì để ăn. Tự nhiên tôi thấy chuyện không có cà phê chỉ là chuyện nhỏ, tại sao phải bực bội một chuyện nhỏ như vậy? Nó không đáng gì so với sự chịu đựng, thiếu thốn của người dân nghèo ở Việt Nam,” anh chia sẻ.
Cái tên Thiện Tâm
Khi quay trở lại Mỹ, Jay cho biết, anh không muốn từ bỏ giấc mơ được quay trở lại Việt Nam.
Anh quyết định đi kiếm nơi nào đông người Việt để được học tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa Việt. Nghĩ vậy, Jay đã quyết định di chuyển xuống San Jose, nơi có số người Việt sinh sống đông thứ hai ở Hoa Kỳ.
“Vì không quen ai là người Việt nên tôi đã tìm đến các chùa Việt Nam để làm thiện nguyện, giúp các cô bác nấu đồ ăn, phụ làm mọi thứ. Tôi cũng tới nhà thờ chơi guitar cho ca đoàn. Làm như vậy, tôi được nói tiếng Việt cả ngày, thậm chí cả tuần luôn. Tôi vui lắm,” anh cười nói.
“Sau này, một nhà sư đã đặt cho tôi một cái tên Việt, là Thiện Tâm. Và thật lạ, hai năm trước, tôi tình cờ gặp được người con gái rất hợp với mình, có tên là Thu Tâm,” anh cười trong hạnh phúc.
Đó phải chăng là định mệnh? Jay tự đặt câu hỏi như vậy.
Muốn trở thành giảng viên môn tiếng Việt
Giờ thì Jay rất thích được mọi người gọi bằng tên Thiện Tâm. Anh cho biết, từng gia nhập Hải Quân Hoa Kỳ trong sáu năm, nhưng rồi anh quyết định từ bỏ vì có phần bó buộc, dù công việc “good benefit.”
“Điều quan trọng với tôi hơn cả là tôi phải được tự do sáng tạo nghệ thuật. Tôi thích tạo mẫu tóc, thích chơi guitar, piano, hát nhạc Việt Nam và thích học tiếng Việt, tất cả đó là nghệ thuật. Tôi quyết định rời bỏ hải quân vì nơi đó không có chỗ cho điều này,” anh kể.
Với ước muốn trở thành một cử nhân và sau này là một giảng viên môn tiếng Việt, Thiện Tâm muốn học đại học về chuyên ngành ngôn ngữ Việt. Qua tìm hiểu, được biết ở Hoa Kỳ chỉ có trường đại học Fullerton ở Nam California có ngành học bốn năm về ngôn ngữ Việt Nam, năm 2017, Thiện Tâm quyết định di chuyển xuống Orange County, sau khi ở San Jose năm năm.
Hiện Thiện Tâm đang học chương trình hai năm tại trường đại học Golden West College để chuyển tiếp lên đại học Fullerton. Để có tiền ăn học, Thiện Tâm làm nghề cắt tóc tại tiệm của chính mình ở thành phố Garden Grove.
“Cắt tóc cũng vui vì cũng là sáng tạo nghệ thuật, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn mong mỏi tới ngày tốt nghiệp đại học và trở thành giảng viên về môn tiếng Việt,” anh chia sẻ.
Anh tâm sự: “Đến bây giờ, tôi vẫn mong được đi Việt Nam để học chuyên sâu về tiếng Việt, nhất là học chữ Hán Việt, chữ Nôm. Tôi thích tất cả các món ăn Việt, thích cải lương, thích tất cả những gì thuộc về truyền thống Việt.”
Mười lăm năm gắn bó với văn hóa và con người Việt, Thiện Tâm nói một câu “rặt” văn hóa Việt Nam: “Có lẽ kiếp trước tôi là người Việt, bởi vì tôi cũng không giải thích được tại sao tôi lại thích tất cả mọi thứ thuộc về người Việt như thế!” (Tâm An)