Trung Quốc với tham vọng thống trị châu Phi, đã gia tăng sự hiện diện tại lục địa đen nhằm kiểm soát tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, “Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên” đang trỗi dậy tại khu vực sẽ có thể cản trở tham vọng của Bắc Kinh, theo Nikkei Nhật Bản.
“Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên” đang gia tăng tại các quốc gia Châu Phi, nhằm kiểm soát nguồn lực khoáng sản của lục địa, việc này đang có dấu hiệu áp đảo những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát tài nguyên khu vực.
Một vài quốc gia châu Phi đang yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài có ý muốn khai thác mỏ tại đây sẽ phải đầu tư vào các công ty nội địa, đồng thời lên kế hoạch tăng thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài đó. Các quốc gia này cũng đang tìm cách lấy lại quyền sở hữu khai thác mỏ, dự báo một xu hướng tăng giá tài nguyên trên toàn cầu.
“Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên” có thể cản trở những chiêu thức ngoại giao của Trung Quốc
Hôm thứ Tư (20/6), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vạch ra một kế hoạch gồm 4 chuyến công du châu Phi vào tháng 7 – một động thái cho thấy rõ ý định củng cố quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia trên lục địa. Sáng kiến này được đưa ra sau khi quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trở nên căng thẳng bởi những quan ngại về thương mại và an ninh.
Tuy nhiên, “Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên” đang gia tăng tại châu Phi có thể cản trở những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của quốc gia này trên lục địa châu Phi.
Hồi tháng Ba, Cộng hòa Dân chủ Congo tại miền Trung châu Phi đã đưa ra một đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển nhượng cổ phần tới các công ty nội địa. Đồng thời đề xuất một mức thuế cao hơn đối với các công ty nước ngoài.
Congo đã sản xuất khoảng 60% nguồn cung quặng cobalt toàn cầu, một kim loại quý hiếm có nhu cầu cao trên thế giới, đóng vai trò là vật liệu chính trong sản xuất ắc quy ô tô.
Tập đoàn khai khoáng Zijin của Trung Quốc cùng với tập đoàn Glencore, Thụy Sỹ phản đối động thái này của Congo, và đang chuẩn bị khởi kiện chính phủ.
Trung Quốc tham gia tích cực khai thác mỏ tại châu Phi
Kể từ những năm 1990, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia có đóng góp tích cực vào sự phát triển của lĩnh vực khai khoáng tại miền trung châu Phi, nơi có trữ lượng lớn các kim loại cơ bản như đồng, quặng sắt, và mangan.
Trung Quốc đã hiện diện mạnh mẽ tại Zambia sau khi tỏ rõ mối quan tâm với các mỏ đồng vào cuối những năm 1990. Trung Quốc sau đó đã lấn sân sang khai thác mangan và các nguồn tài nguyên khác. Tài nguyên khoáng sản của Zambia là một trong những nguồn cung ứng dồi dào cho các nhà sản xuất Trung Quốc.
“Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên” cũng đang gia tăng tại Zambia, quốc gia này đã yêu cầu công ty khai thác đồng của Canada, First Quantum Minerals, phải trả 8 tỷ USD thuế dồn tích. Một số chuyên gia nói rằng các công ty Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với những yêu cầu tương tự. Ác cảm đối với Trung Quốc đã bắt rễ từ Zambia, với các cáo buộc lạm dùng quyền lao động và môi trường làm việc nghèo nàn.
Nỗ lực của các quốc gia châu Phi
Nam Phi cũng đang sử dụng một phương pháp tiếp cận chủ động hơn nhằm quản lý các nguồn lực của họ. Sau khi chính sách phân biệt chủng tộc tại Nam Phi (apartheid) kết thúc vào năm 1994, chính phủ đã đưa ra các quy định đòi hỏi các doanh nghiệp địa phương sở hữu lao động da đen tham gia vào phát triển các mỏ.
Quy định mới của chính phủ nhằm nâng cao tỷ lệ lao động da đen trong các dự án khai thác mỏ, qua đó, có thể nhận thấy vai trò của các công ty Trung Quốc đã bị giảm đi.
Nam Phi giàu tài nguyên, với trữ lượng bạch kim lớn nhất thế giới, cùng với trầm tích vàng, mangan, than đá, crom và kẽm. Nhà sản xuất thép thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc Hebei Iron & Steel, cùng với Anglo American và Glencore đều có hoạt động tại quốc gia này.
Các công ty tài nguyên lớn của Trung Quốc và các quốc gia khác đều phải đối mặt với một môi trường pháp lý chặt chẽ hơn. Mới đây, chính phủ người Tanzania đã ban hành một đạo luật yêu cầu các công ty nội địa phải nắm giữ ít nhất 5% cổ phần khi các công ty nước ngoài phát triển nguồn nhân lực tại quốc gia này. Hồi tháng Năm, chính phủ đã thu hồi giấy phép khai thác của công ty Barrick Gold của Canada và các công ty nước ngoài khác trong dự án khai thác niken.
Tài nguyên từ châu Phi gắn liền với sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tiếp tục là một nhà đầu tư lớn tại châu Phi trong tương lai gần, vì tài nguyên phong phú của lục địa này là vấn đề cốt lõi để duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
“Chủ tịch Tập đề cao tầm quan trọng vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị nói với đồng cấp Cộng hòa Senegal, Sidiki Kaba trong một cuộc họp hôm thứ Tư.
Một nỗ lực khác của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi là việc mở rộng liên kết với Sáng kiến Vành đai – Con đường, xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông Trung Á, châu Âu và xa hơn nữa. Tuy nhiên, nếu Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên đang gia tăng đẩy Trung Quốc vào vị thế bất lợi, thì Trung Quốc có thể xem xét lại chương trình hỗ trợ kinh tế của họ cho khu vực này.
Minh Thành