WASHINGTON, DC (NV) – Thái độ cứng rắn hơn của chính phủ Donald Trump đối với thành phần di dân phạm pháp nay ảnh hưởng đến cả nhóm người ít ai nghĩ tới, đó là những người Thượng từng chiến đấu bên cạnh lính Mũ Xanh Mỹ thời chiến tranh Việt Nam.
Bản tin của trang Politico cho hay con trai của một trong số những người Thượng này bị trục xuất về Việt Nam hồi Tháng Bảy vừa qua, một điều khiến nhiều người trong cộng đồng người tị nạn này bàng hoàng vì vai trò của họ trong cuộc chiến, và cũng vì hiện vẫn còn các chứng cớ cho thấy họ tiếp tục bị đối xử phân biệt trong lãnh vực kinh tế và chính trị ở Việt Nam.
Việc trục xuất diễn ra sau khi Tòa Bạch Ốc áp lực Hà Nội phải có hành động giúp Mỹ giảm bớt số người đang bị Mỹ giam giữ để chờ ngày trục xuất về Việt Nam.
Khi Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc dẫn một phái đoàn cao cấp sang Washington hồi cuối Tháng Năm, vấn đề này được chính phủ Mỹ nêu lên hai lần, một tại Tòa Bạch Ốc và một lần khác trong cuộc họp riêng giữa Bộ Trưởng Công An Tô Lâm với cựu Bộ Trưởng Nội An John Kelly.
Ông Nguyễn Thanh Tín, một luật sư di trú ở Charlotte, tiểu bang North Carolina, nay đại diện cho người bị trục xuất tên là Chuh A, cho hay ông không thấy có trường hợp người Thượng nào bị trục xuất về Việt Nam trước đây.
“Chúng tôi cũng chưa hề nghe nói tới việc chính quyền Việt Nam cấp giấy di chuyển cho trường hợp như thế này.”
Nhưng ít tuần sau cuộc gặp giữa ông Phúc và ông Trump ngày 31 Tháng Năm ở Tòa Bạch Ốc, các giấy tờ cần thiết được phía Việt Nam gửi sang, theo hồ sơ nộp tại tòa của chính phủ Mỹ hôm 22 Tháng Sáu. Và ngày trục xuất được ấn định ngay là 10 Tháng Bảy, dù có các nỗ lực đòi duyệt xét lại quyết định này.
Luật Sư Tín, người được thuê vào phút chót, nộp đơn hôm 6 Tháng Bảy để yêu cầu Cảnh Sát Di Trú (ICE) xét lại quyết định trục xuất vì nguồn gốc người Thượng của ông Chuh. Tuy nhiên, đơn nhanh chóng bị bác bỏ và ông chỉ biết về việc này khi vợ ông Chuh gọi cho hay chồng bà đã bị đưa lên máy bay.
Giấy thông báo bác bỏ khiếu nại của ICE đến văn phòng của luật sư hôm 14 Tháng Bảy, thời điểm mà ông Chuh đã ở Sài Gòn và lên đường về làng cũ ở tỉnh Kom Tum.
Ông Chuh từng bị tù về tội buôn bán thuốc lắc ở North Carolina. Khi mãn hạn tù, ông bị giữ tại nhà giam của ICE ở Irwin County, Georgia. Cuộc nói chuyện giữa ông Chuh và thẩm phán di trú William A. Cassidy diễn ra chỉ trong vòng 5 phút 2 giây, qua màn ảnh truyền hình, không có luật sư hiện diện, theo một đoạn video mà Politico có được.
Ông Chuh nói với Thẩm Phán Cassidy rằng ông sợ sẽ bị tra tấn nếu bị gửi trả về Việt Nam.
Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết và nghe lời khuyên sai lầm của các tù nhân khác là Mỹ sẽ không bao giờ trục xuất vì phía Việt Nam không nhận và cũng vì ông là người Thượng, ông Chuh tự làm hại mình khi bác bỏ đề nghị của Thẩm Phán Cassidy là cho ông Chuh thêm thời gian để tìm luật sư để được sự bảo vệ.
Về phía Thẩm Phán Cassidy, ông có vẻ không hay biết gì là đang xét trường hợp của một người con tị nạn Thượng, chứ không phải là một người gốc Việt bình thường khác. Ông cũng không tìm hiểu tại sao ông Chuh lại sợ bị tra tấn.
Ông Tony Ngiu, 71 tuổi, cha của ông Chuh, là người từng chiến đấu bên cạnh lực lượng Mũ Xanh Mỹ khi còn ở Việt Nam và được nhận vào Mỹ năm 1998, cùng với gia đình, gồm cả Chuh, lúc đó 13 tuổi.
Do đã 18 tuổi vào lúc người cha trở thành công dân, ông Chuh không được đương nhiên có quốc tịch Mỹ.
Việc trông nom bốn đứa con, tuổi từ 5 đến 12, đè nặng lên đôi vai của bà vợ ông Chuh là bà Rex Ny, thợ làm móng tay ở thành phố Raleigh và cũng là người Thượng. Khác với ông chồng, bà Rex có quốc tịch Mỹ.
Theo bảng sắp hạng của ICE, Việt Nam đang đứng hàng thứ ba trong số các quốc gia “trây lỳ,” không chịu hợp tác để nhận lại những người bị trục xuất, chỉ sau Trung Quốc và Cuba.
Giới hữu trách tại tòa đại sứ CSVN ở Washington không bình luận gì về việc này, nhưng có tin cho hay họ ngạc nhiên về áp lực nặng nề từ phía chính phủ Mỹ và họ cũng lo ngại rằng sẽ phải nhận cả những người đến Mỹ trước khi có việc bình thường hóa bang giao năm 1995.
Cho đến nay, chính phủ Mỹ chưa giảm bớt con số chiếu khán cấp cho Việt Nam để sang Mỹ, tuy nhiên đây là điều phía Mỹ có thể dùng để áp lực Hà Nội.
ICE cho hay hiện nay trung bình mỗi năm có khoảng 40 người bị trục xuất về Việt Nam, nhưng nói rằng con số hiện bị lệnh trục xuất là khoảng 8,500 người. Chính phủ Mỹ không phân biệt người đến trước hay đến sau thời điểm bình thường hóa bang giao 1995.
Luật Sư Nguyễn Thanh Tín cho hay ông sẽ yêu cầu Thẩm Phán Cassidy xét lại phán quyết của ông vì những sơ xuất của tòa và vì ông Chuh không hiểu rõ về lệnh trục xuất, theo Politico.
Ông Chuh, trong các cuộc điện thoại về Mỹ, cho hay ông khóc hàng đêm vì nhớ vợ con và chờ mong có cơ hội trở lại Mỹ. (V.Giang)