Dẫn đầu bởi Chiến hạm USS Carl Vinson và tàu khu trục tên lửa USS Michael Murphy, nhóm tàu đang hướng tới Biển Đông sau một cuộc dừng chân tại Manila để cung cấp viện trợ nhân đạo, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết thông tin từ một bản tuyên bố của Hải quân Hoa Kỳ.
Nhóm tàu dự kiến sẽ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng và bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5-9/3. Diễn biến này theo sau chuyến công du Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vào tháng 1.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, Australia, cho biết tàu sân bay Carl Vinson sẽ là tàu quân sự lớn nhất và mạnh nhất của Mỹ tới cảng Việt Nam.
Chuyến đi của nhóm tàu Mỹ diễn ra trong khi Trung Quốc liên tục gia tăng sự hiện diện và kiểm soát ở Biển Đông. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng và trang bị vũ khí của Trung Quốc trên các hòn đảo tự nhiên và nhân tạo ở tại vùng biển. Bắc Kinh nhận chủ quyền đối với phần lớn khu vực Biển Đông thông qua đường 9 đoạn, mặc dù một tòa án quốc tế ở La Hay đã bác bỏ cơ sở pháp lý của tuyên bố này.
Các bên khác có tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại khu vực là Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan. Hoa Kỳ không đòi hỏi lãnh thổ trong khu vực, nhưng thường xuyên tuần tra vùng biển để đảm bảo rằng khu vực này vẫn mở cửa cho lưu thông thương mại.
Thông điệp mạnh mẽ từ chính quyền Trump
Một tuyên bố của Hải quân Mỹ nói rằng chuyến đi của nhóm tàu là nhằm “thúc đẩy tự do hàng hải và tăng cường an ninh khu vực”, cũng như làm việc với các đồng minh. Đó cũng là một thông điệp cứng rắn cho hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, các nhà phân tích cho biết.
Theo VOA, ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Chuyến thăm của ông Mattis và chuyến thăm của tàu sân bay vào tháng 3 là nhằm gửi tín hiệu tới Trung Quốc về hành vi quyết đoán của họ ở Biển Đông”.
“Các chuyến thăm này là một phần của một loạt các bước đi của Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm gần đây nhằm tăng cường mối quan hệ chính trị và an ninh khi Trung Quốc đang trỗi dậy và gia tăng các hoạt động ở Biển Đông”, ông nói.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã thể hiện một số động thái cứng rắn hơn người tiền nhiệm Obama trong về lập trường với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tháng 7, ông phê duyệt kế hoạch một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.
Tháng 5, tàu chiến Mỹ đã tiến hành ‘cuộc thao diễn’ trong phạm vi 12 hải lý của hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Động thái này chưa từng xảy ra dưới thời Obama và được cho là một thách thức trực tiếp đến hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại khu vực.
Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao?
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể sẽ gia tăng các hoạt động hoặc triển khai các máy bay chiến đấu để đáp lại chuyến thăm của nhóm tàu Mỹ, theo VOA. Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho biết khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng lập trường của họ dưới danh nghĩa vì “các mục đích phòng thủ”.
Trung Quốc sẽ phản ứng lại động thái của nhóm hải quân Mỹ một cách gián tiếp, theo dự đoán của ông Euan Graham, giám đốc an ninh quốc tế của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney.
“Điều họ đang tìm kiếm là một cái cớ để tăng cường cơ sở hạ tầng quốc phòng trên các thực thể mà họ được xây dựng và chiếm đóng từ năm 2013”, ông Graham nói.
Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân có thể triển khai các máy bay chiến đấu đóng quân trên quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, ông Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang, Đài Loan, cho hay việc duy trì máy bay như vậy sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí.
Theo VOA, tờ báo Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc bình luận rằng sự kiện của nhóm tác chiến Hoa Kỳ tới Việt Nam đầu tháng tới cho thấy Washington tăng cường hợp tác quân sự với Hà Nội để “kiềm tỏa” Bắc Kinh.
Ông Chen Xiangmiao, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Quốc gia về Biển Đông, cho biết: “Chuyến viếng thăm Việt Nam này cho thấy Mỹ có thể sẽ chuyển hướng sang Việt Nam và tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam để kiềm tỏa Trung Quốc, khi mà hiện nay mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đang được cải thiện.”
“Trung Quốc nên thiết lập thêm các cơ sở quân sự như radar, máy bay và các tàu tuần duyên bờ biển ở Biển Đông để đối phó với những động thái khiêu khích của Mỹ”, ông Chen nói.
Đông Nam Á phấn khởi
Một số bên tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Đài Loan đã thúc đẩy sự hiện diện của Hoa Kỳ khi Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông, theo VOA. Trong khi đó, Malaysia, Philippines và Việt Nam cố gắng làm việc với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ để giữ hòa bình cũng như quan hệ kinh tế với cả hai đối tác thương mại quan trọng. Vì vậy, sự ủng hộ của họ đối với tàu Carl Vinson sẽ “bị tắt tiếng”, nhưng “rất phấn khởi”, VOA cho biết nhận định của các nhà phân tích.
“Các phản ứng từ những bên có tuyên bố chủ quyền khác sẽ là ủng hộ sự hiện diện đó [của Mỹ] chứ không phải Trung Quốc”, ông Huang nói.
“Tôi không nghĩ rằng có một cuộc cãi cọ cụ thể nào giữa Washington và Hà Nội, và mặc dù Tổng thống Philippines [Rodrigo] Duterte đã bày tỏ một số khả năng hợp tác với Trung Quốc, tôi nghĩ Philippines nói chung cũng sẽ đánh giá cao sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ”.
VOA cũng cho biết nhận định của Nghị sĩ Philippines Gary Alejano: “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải cho thế giới biết rằng Biển Đông là một vùng biển quốc tế, đó không phải là một hồ nước riêng của Trung Quốc, và chỉ có Hoa Kỳ mới có thể thách thức Trung Quốc hoặc đặt ra sự cân bằng quyền lực ở Biển Đông”.
Thanh Hoa