Tờ Taiwan News, ngày 8/11, đã cho đăng một bài viết của nhà báo Ryan Drillsma, nhận định về chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.
Theo cây viết Drillsma, chính quyền Trung Quốc nuôi hi vọng rằng việc đảng Dân Chủ kiểm soát Hạ viện Hoa Kỳ sẽ làm dịu đi chính sách cứng rắn hiện tại của chính quyền Trump đối với Bắc Kinh, nhưng mọi chuyện có chiều hướng sẽ không xảy ra như vậy.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ đã kết thúc hôm thứ Tư với kết quả Đảng Dân chủ chiếm đa số ghế trong Hạ viện, trong khi Đảng Cộng Hòa vẫn tiếp tục kiểm soát Thượng viện.
Sự thay đổi này có thể gây ra khó khăn hơn cho việc thực hiện các mục tiêu đối nội của Tổng thống Donald Trump. Đảng Dân Chủ có thể sẽ tìm cách chặn chương trình thảo luận nhằm kiện toàn hệ thông pháp luật theo kế hoạch của chính quyền Trump và buộc các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phải đương đầu với các chủ đề nhạy cảm như phúc lợi xã hội.
Các nghị sỹ Hạ viện của Đảng Dân Chủ cũng sẽ gây khó dễ cho ông Trump bằng cách yêu cầu ông chủ Nhà Trắng phải trả lời các câu hỏi liên quan đến chi tiêu cá nhân, khai thuế và tham nhũng.
Tuy nhiên, với chính sách thương mại quốc tế, mọi thứ có thể sẽ không thay đổi. Các chính sách về thuế nằm trong tay chính phủ Mỹ, và ông Trump nhiều khả năng sẽ không nhượng bộ trong cuộc xung đột thương mại đang diễn ra với Trung Quốc.
Ngay cả khi ông Trump yêu cầu nghị viện ủng hộ chính sách Trung Quốc của mình trong tương lai, thì các nghị sỹ đảng Dân Chủ cũng khó lòng cản bước ông, nhà báo Drillsma nhận định.
Cây viết của Taiwan News cho rằng, tất cả sự chú ý hiện tại đang dồn vào Nghị sĩ Dân Chủ Nancy Pelosi, người nhiều khả năng sẽ được lựa chọn làm phát ngôn viên của Hạ Viện, thậm chí bà Pelosi có thể được tiến cử vào vị trí này bởi chính ông Trump. Phát ngôn viên của Hạ Viện Mỹ là người thường có ảnh hưởng lớn đối với việc điều hướng các quy tắc lập pháp và tổ chức các cuộc tranh luận.
Bà Pelosi được biết tới như là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Nữ nghị sĩ từng lên tiếng ủng hộ cộng đồng quốc tế tố cáo Trung Quốc đàn áp nhân quyền ở Tây Tạng năm 2008. Bà cũng tìm gặp những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc trong chuyến công du nước này năm 2009 bất chấp việc Bắc Kinh gây áp lực lớn. Sau đó bà Pelosi còn tiếp tục tới thăm các nhà lãnh đạo nhân quyền ở Hồng Kông và Thượng Hải.
Triển vọng khôi phục mối quan hệ tích cực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như sẽ rất khó khăn, ngay cả tạp chí Forbes, một tạp chí có khuynh hướng thân Bắc Kinh vì thuộc sở hữu của một doanh nghiệp ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2014, cũng cho công bố một bài báo ngày 5/11 với tựa đề “Chính phủ Trung Quốc thân mến, đảng Dân Chủ sẽ không Cứu bạn”.
Trí Dũng