Sau việc ra mắt liên minh ba bên Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) và mất hợp đồng “sộp” về tàu ngầm, Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu hồi các Đại sứ của mình từ Mỹ và Australia “để tham vấn” (Paris không triệu hồi Đại sứ từ London).
Vụ “đâm sau lưng” đồng minh
Cơ quan đại diện ngoại giao Pháp tại Washington cũng đã hủy buổi tiệc chiêu đãi vào tối 17/9 nhân kỷ niệm 250 năm chiến thắng của hạm đội nước này trước người Anh (trận Chesapeake), vốn có ý nghĩa lớn trong Chiến tranh giành độc lập của Mỹ khỏi ách thống trị của người Anh, và vinh danh quan hệ đồng minh lịch sử giữa Pháp và Mỹ.
Các sĩ quan hải quân Pháp đã được lệnh sớm trở về Paris vì việc tổ chức sự kiện trong thời điểm này là “trò cười”. Một quan chức giấu tên cũng cho biết, Pháp không hề biết kế hoạch Mỹ giúp Australia đóng tàu ngầm hạt nhân, coi Washington “không còn là đồng minh đáng tin cậy của Paris”. Cần nói thêm rằng việc triệu hồi đại sứ Pháp từ Mỹ diễn ra lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia này và hiện chưa có thông báo khi nào các Đại sứ Pháp có thể trở lại Washington và Canberra.
Paris gọi động thái của Mỹ là bước đi “không phù hợp với tinh thần hợp tác lâu dài”, coi hành động của Tổng thống Mỹ là “phi lý và phá hoại mối quan hệ đối tác”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian giận dữ lên án Tổng thống Biden, cho rằng sáng kiến AUKUS là hành động “đâm sau lưng”. Đại sứ quán Pháp tại Washington cho rằng, quyết định của Mỹ dẫn đến việc loại trừ một đồng minh và đối tác châu Âu như Pháp khỏi quan hệ đối tác quan trọng với Australia, báo hiệu sự thiếu nhất quán trong quan hệ song phương mà Pháp lấy làm tiếc.
Thỏa thuận quân sự giữa Mỹ, Anh và Australia cũng cho hai quốc gia đồng minh khác là New Zealand và Canada ra rìa. Đây là hai quốc gia cùng với Mỹ, Anh, Australia, thành lập liên minh tình báo “Ngũ nhãn” (The Five Eyes – FVEY). Trong tuyên bố ngày 16/9, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới của Australia sẽ không được phép đi vào lãnh hải nước này.
Dậu đổ bìm leo?
Người Pháp cho rằng mình bị xúc phạm. Tại Quốc hội, đã có những lời kêu gọi rút Pháp khỏi NATO.
“Paris cần phải ngừng ảo tưởng, đồng thời rút khỏi NATO và cấm thành lập trung tâm hiện đại về an ninh vũ trụ của Liên minh NATO, mà Mỹ muốn đặt ở Toulouse (dự kiến khai trương vào năm 2022)” – Jean-Luc Melanchon – nghị sĩ, ứng cử viên Tổng thống thuộc phe Xã hội Pháp, tuyên bố.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị bùng nổ và nỗi đau rõ ràng về vấn đề kinh tế, Paris sẽ không rút khỏi NATO ở thời điểm 7 tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 4/2022.
Jean-Luc Melanchon được biết đến là một chính khách dày dặn kinh nghiệm, là người có tham vọng trở thành Tổng thống với tư cách là ứng cử viên của Đảng Xã hội chạy đua vào vị trí nguyên thủ quốc gia. Trong bối cảnh của cuộc đấu tranh chính trị nội bộ đang diễn ra, “vụ Australia” đã trở thành một món quà miễn phí cho hầu hết các nhà lãnh đạo của phe đối lập Pháp. Lần trước, cánh tả và cánh hữu không đạt được thỏa thuận và mất chức Tổng thống vào tay Macron.
Pháp từng rút khỏi Bộ Chỉ huy quân sự của NATO (nhưng không rút khỏi NATO) năm 1966, sau đó Tổng hành dinh NATO chuyển từ Paris đến Bruxelles. Tuy nhiên vào năm 2009, với số phiếu áp đảo của Quốc hội dưới sự lãnh đạo của chính phủ Tổng thống Nicolas Sarkozy, Pháp quay trở lại lực lượng này của NATO. Năm 2020, Pháp đã rút khỏi một chiến dịch giám sát hàng hải của NATO sau khi các mâu thuẫn gần đây với Thổ Nhĩ Kỳ không được giải quyết.
Thời gian gần đây tiếp tục xuất hiện nhiều thông tin về việc Pháp sẽ rút khỏi NATO vì không muốn làm “cánh tay” cho Mỹ, thậm chí có nguồn tin cho rằng Pháp còn có ý định rút khỏi EU.
“Tôi cho rằng, việc Pháp tiếp tục trong vai trò thành viên của NATO là vô nghĩa, vì vậy chúng tôi sẵn sàng trong tâm thế rút khỏi tổ chức này”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với báo giới ngày 19/2/2021, ngay sau khi kết thúc Hội nghị An ninh Munich (MSC) thường niên. Theo Macron, lý do chính của sự “vô nghĩa” là vì những nhiệm vụ mà Mỹ đặt ra trước NATO. Cũng bởi điều này mà MSC đã kết thúc chỉ sau 3 giờ, dù cuộc đối thoại thường kéo dài hơn nhiều.
Năm 2016, công ty Pháp DCNS (Naval Group) đã giành chiến thắng trong cuộc đấu thầu tàu ngầm cho Hải quân Australia. Các bên đã ký một hợp đồng, theo đó Canberra hứa trả cho Paris khoảng 50 tỷ AUD (35,8 tỷ USD) mua 12 tàu ngầm diesel-điện Shortfin Barracuda Block 1A (phiên bản phi hạt nhân của tàu ngầm hạt nhân đa năng thuộc dự án Barracuda), dự kiến bắt đầu chế tạo vào năm 2023.
Tháng 5/2020, giữa đại dịch COVID-19, Bộ Quốc phòng Australia đã tính toán rằng, có tính đến lạm phát và tỷ giá hối đoái, việc chế tạo tàu ngầm không còn phù hợp với số lượng quy định trong hợp đồng. Việc đóng 12 tàu ngầm sẽ cần phải chi số tiền gấp gần 2 lần – 90 tỷ AUD (66 tỷ USD). Pháp không thuyết phục được người Australia đang muốn bỏ cuộc. Sau đó, Washington và London đã nhảy vào và “mồi chài” Canberra bằng tàu ngầm đa năng chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Ở cấp độ quốc tế, việc Canberra hủy hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD xem như đòn giáng vào uy tín của nước Pháp và ngành công nghiệp của nước này. Đáng nói, ở Moscow, người ta cũng không quên tỏ rõ thái độ của mình trước vụ bê bối, nhắc nhở Paris về câu chuyện với tàu đổ bộ Mistral (Nga bị Pháp hủy hợp đồng, ND). Đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Zakharova bóng gió rằng, bây giờ Pháp đã có kinh nghiệm về ý nghĩa của việc “phá hoại sự hợp tác”.