Phóng viên Paul Wood và điện ảnh viên Fred Scott của đài BBC tìm đến thị trấn Sinjar, vùng Tây Bắc Iraq, để gặp những phụ nữ Yazidis bị quân IS bắt cóc, hãm hiếp, rồi đem bán.
Yazidis là một sắc dân thiểu số -chỉ còn 700,000 người- sống rải rác trên nhiều quốc gia Trung Đông, một số khá đông quần tụ thành làng mạc, dưới chân núi Sinjar, Iraq.
Địa phương đó hẻo lánh, không được sự bảo vệ của quân đội Iraq nên năm ngoái 40,000 người Yazidis đã phải kéo nhau lên núi Sinjar chạy trốn khi quân IS kéo đến; thiếu nước uống, thiếu lương thực họ được quân đội Mỹ tiếp tế bằng cách thả dù.
Những người đàn ông chậm chân không chạy kịp bị IS giết, đàn bà bị chúng bắt, và 2 anh phóng viên BBC đến Sinjar để nghe những người trốn thoát trở về làng, kể lại số phận hãi hùng của họ.
Wood được ông Khidher Domle -một người Yazidi hoạt động hội đoàn- hướng dẫn đến gặp những phụ nữ nạn nhân.
“Họ giết đàn ông, bắt đàn bà đem chia chác cho quân lính của họ hưởng thụ, như mọi thứ chiến lợi phẩm khác đoạt được,” Domle bảo Wood. “Việc bắt đàn bà để hưởng thụ diễn ra nhịp nhàng, trơn tru, và thành thuộc như một cái máy: đánh chiếm địa phương xong là họ lùa đàn bà, nhốt vào một chỗ; những tên lính ngoại -người Ả Rập từ ngoại quốc trở về- được ưu đãi, chọn phần chiến lợi phẩm trước. Chúng chọn con gái, thích con gái hơn đàn bà. Bọn lính địa phương chọn sau, chúng hưởng chán rồi đem bán.”
Đang vui vẻ, Domle bỗng xẵng giọng hỏi Wood, “Thế giới hứa hẹn gửi quân tới cứu chúng tôi. Họ chờ đến bao giờ mới tới?”
Những tu sĩ Yazidi cho biết quân IS bắt giữ khoảng 3,500 phụ nữ và thiếu nữ Yazidi, nhiều cô còn là những đứa bé mới 12 tuổi. Một số nhỏ trốn về được và kể lại nhiều việc khiếp đảm.
BBC đặt tên khác cho những nạn nhân họ phỏng vấn. Cô Hannan kể lại là tháng Tám năm ngoái, vào lúc trời mới tờ mờ sáng, cô hốt hoảng thức dạy vì nghe nhiều tiếng ồn ào ngoài đường; mọi người trong gia đình cô vơ cào một vài thứ quần áo, lương thực rồi kéo nhau chạy; ngoài đường mọi người, mọi nhà cũng kéo nhau chạy, người này bảo người kia “quân Thánh Chiến về gần tới.” Mọi người cắm đầu chạy, vừa chạy vừa khóc, tiếng súng nổ phía sau.
Hai tay vặn vào nhau, vẻ mặt vẫn còn kinh hãi, Hannan kể lại chuyện chạy giặc; cô 18 tuổi, đang học y tá thì tai họa “thánh chiến” xảy đến.
Cô chạy đến chân núi Sinjar thì quân IS đã đến trước, chúng đậu xe pickup có trí đại liên chặn ngang đường, bắn xối xả vào đám thường dân chạy giặc, xua mọi người trở về làng.
Hannan rùng mình như vẫn còn khiếp đảm vì câu chuyện cô kể.
“Đường lên núi bị chặn, trở về làng chúng tôi bị lùa vào một cái sân; khoảng 20 tên IS để râu, cầm súng bảo chúng tôi lên xe đi Mosul; chúng tôi không lên, chúng đánh chúng tôi, đẩy chúng tôi lên xe.
“Tại Mosul, khoảng 200 người đàn bà bị nhốt 2 tuần, rồi chúng tổ chức một ngày lễ cưới -thật ra là một phiên chợ bán nô lệ- lính IS đến chọn người đàn bà chúng thích, rồi đem đi.
“Chúng tôi run sợ, không dám nhìn vào mặt bọn lính IS, vì đã được nghe một người đàn bà trở lại trại sau nhiều ngày đi làm nô lệ tình dục cho lính IS kể lại những khổ nhục bà chịu đựng; ai cũng khóc, chúng tôi bắt đầu khóc từ lúc chạy ra khỏi cửa, chạy không thoát, bị chúng lùa lên xe, nhiều người tự tử nhưng không có dao nên không chết được; người duy nhất chết vì tự tử là một thiếu nữ -cô ta cắt mạch máu cổ tay. Chúng tôi xúm lại cứu cô, nhưng bị lính IS đuổi vào phòng. Chúng bảo chúng tôi, ‘mặc cho nó chết; chết rồi, vứt xác đi là hết chuyện.”
Người thứ nhì gặp Wood là cô Khama -vẫn là tên giả; cô không thuộc loại ‘trốn thoát’, mà là người được gia đình chuộc về với giá $3,000 Mỹ kim. Năm nay 30, Khama kể lại giai thoại cô bị đem bán làm đầy tớ.
“Họ bắt chúng tôi ngồi ngay ngắn thành từng hàng, từ đầu đến chân trùm kín, mỗi người cầm một cái bảng, ghi giá,” Khama kể lại. “Chúng tôi khóc lóc, rồi ngủ thiếp đi vì mệt đuối; không ai quan tâm đến chúng tôi. Một tu sĩ ngồi đó thu tiền bán chúng tôi.”
Khama được một người lính ngoại quốc, có passport Tây Phương mua với giá $13 mỹ kim. Anh lính ngoại này đã có sẵn trong nhà 5 phụ nữ Yazidi và một bà vợ. Anh tuyển 2 trong số 5 người đàn bà làm vợ; Khama và 2 thiếu phụ khác được sử dụng như tôi tớ, hầu hạ vợ chồng anh.
Một tu sĩ đến bảo anh, “Giáo chủ chỉ cho phép mỗi người một vợ và một bà tôi tớ thôi.”
Hannan nhận diện được một tên lính “lố cồ” -nguyên là anh bán cell phone trong làng Sinjar- cô kể lại việc hắn ngạo mạn hỏi những phụ nữ bị bán làm nô lệ tình dục,”Các bà tưởng Thượng Đế chỉ cho mỗi người đàn ông quyền có một vợ thôi à? Quên chuyện cổ tích đó đi; tại đây mọi người đều có quyền mua bà về chỉ để làm tình.”
Hannan hỏi, “Tại sao lính IS lại cư xử tồi tệ như vậy với đàn bà?” Một tên IS cầm gậy gõ lên đầu cô, rồi bảo cô, “Người Hồi Giáo chúng tôi cầu nguyện mỗi ngày 5 lần, xin Thượng Đế che chở cho chúng tôi; nếu cô không chấp nhận tín ngưỡng Hồi Giáo, tôi sẽ giết cô.”
Hannan mới 18, nhưng nhiều thiếu nữ nạn nhân còn trẻ hơn cô nữa; những cô trẻ bị gửi đi Raqqa trước -Raqqa là một thành phố Syria đang bị IS chiếm giữ.
Một tên IS bảo cô, “Trước khi đi Raqqa chúng tôi đưa các cô về gặp gia đình lần chót.” Nhưng Hannan không được gặp gia đình, mà cũng không đi Raqqa, IS chỉ đưa cô và những thiếu nữ trẻ đến nhốt trong một khu có nhiều phòng ốc; chúng nhốt 7, 8 cô vào một phòng, bọn lính vào phòng bắt từng cô đi để hành lạc. Bên ngoài khu trại giam có lính gác.
Trong phòng có một khung cửa sổ che bằng plastic, chúng tôi tìm cách gỡ tấm plastic xuống, trèo lên, rồi nhảy ra. Tôi là người thứ 5 trốn thoát, đứng dưới khuôn cửa, tôi nấn ná, có ý chờ cô em họ, nhưng khi thấy ánh đèn từ xa đi tới, tôi không dám chần chừ nữa, đành bỏ chạy.
Nửa năm sau cuộc tấn công mùng 3 tháng Tám năm ngoái, người Yazidi không khóc, không chạy, không để quân IS giết đàn ông, hãm hiếp đàn bà Yazidi nữa -họ vùng dậy, võ trang tự vệ. Đứng giữa trại tị nạn Sinjar, ông Sa’id Hassan Sa’id -một lãnh tụ địa phương- tuyên bố, “Sinjar không phải là một trại tị nạn, mà là quê hương chúng tôi, chúng tôi không chạy nữa. Chúng tôi cầm súng bảo vệ Sinjar.”
Phong trào Nhân Dân Tự Vệ đang phát triển mạnh tại nhiều thị trấn Iraq và Syria, 2 nước đang bị quân IS chiếu cố. Ngày 13 tháng 9 năm ngoái, IS tấn công thị trấn Kobani của Syria, sau 6 tháng anh dũng chống trả cuộc tấn công này, người Kobani đã làm bọn khát máu IS hiểu là chúng không thể nào đánh gục được ý chí bất khuất của từng người dân, mỗi người là một tay súng -đàn bà cũng như đàn ông.
Chỉ với lực lượng NDTV dưới 2,000 tay súng, nhân dân Kobani đã cầm chân 9,000 quân IS suốt 3 tháng trời bên ngoái thị trấn Kobani để chịu đựng gần 1,000 cuộc oanh kích của không quân Hoa Kỳ.
Kết quả chung cuộc là 506 chiến sĩ NDTV tử trận, trong lúc chiến đấu, hạ sát 1,272 lính IS. Không quân Hoa Kỳ giết trên 2,000 quân IS bên ngoài tuyến phòng thủ Kobani, tiêu diệt 16 chiếc thiết giáp và bắn hạ 2 phi cơ không người lái.
Phụ nữ Kobani, và phụ nữ Sinjar đã khám phá ra cách duy nhất để đóng cửa những ngôi chợ bán đàn bà, là các bà phải thôi, không khóc như cô Hannan và cô Khama đã khóc, để cương quyết cầm súng tự vệ.
Trong suốt 10 tốn kém rất nhiều xương máu và chiến phí, người Mỹ không làm được việc bảo vệ từng người dân Iraq và A Phú Hãn, giờ này họ đang giúp người Iraq, người Syria làm công việc đó mà chỉ trả 1 phần ngàn cái giá ngày trước họ trả.
Chiến thắng tại Kobani và Sinjar không những đã trọn vẹn mà lại còn lâu dài nữa. (nđt)